Cần quy định chặt để cạnh tranh lành mạnh

Ảnh: Quang HưngTại buổi lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm vừa được Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội thực hiện, đại diện một số bộ, ngành và ủy ban trong Quốc hội đã bày tỏ quan điểm phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa đối với các DN kinh doanh trong lĩnh vực này.

 
CôngThương – Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ năm 2000 đến nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm đã tăng từ 14 lên 50, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng từ hơn 3.000 tỉ đồng lên gần 26.000 tỉ đồng (tăng 27%/năm), tổng số tiền doanh nghiệp bảo hiểm huy động đầu tư trở lại nền kinh tế tăng từ 5.000 tỉ đồng lên 66.000 tỉ đồng.

Thị trường bảo hiểm cũng đã xảy ra nhiều hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như việc chào phí bảo hiểm, chi trả hoa hồng môi giới, hoa hồng đại lý chưa đúng đối tượng. Bởi thế, dự luật bổ sung quy định buộc phải chứng minh năng lực tài chính như hoạt động ngân hàng, chứng khoán. Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội lại đề nghị phải bổ sung các quy định về việc hình thành cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm của các tập đoàn kinh tế để đảm bảo lành mạnh tài chính doanh nghiệp.

Chủ nhiệm UBKT Hà Văn Hiền bày tỏ: hiện nay nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế thành lập các công ty bảo hiểm và thực hiện kinh doanh bảo hiểm trong nội bộ doanh nghiệp. Điều này đã làm giảm đi tính cạnh tranh hoặc dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng. Đặc biệt, nếu rủi ro xảy ra sẽ gây thiệt hại cho tập đoàn, không bảo đảm lành mạnh trong hoạt động tài chính doanh nghiệp. Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp của một số tập đoàn, tổng công ty chỉ khép kín trong ngành dẫn đến thị trường bảo hiểm bị chia cắt và không đảm bảo sự lành mạnh.

Theo ông Hà Văn Hiền, về cơ bản, các quy định của Luật hiện hành đang phù hợp với những yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo điều kiện cho phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới có liên quan đến việc chuyển tiền tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất nên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị: Chính phủ cần sớm xây dựng các điều kiện cung cấp dịch vụ này để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế. Ở một góc độ khác, một số ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định về thành lập, sử dụng và cơ chế an toàn Quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm. Bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì quỹ này sẽ được sử dụng theo quy định của Luật Phá sản, khó có thể bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm thì cần có một cơ quan khác thực hiện trách nhiệm này, không thể trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, thời gian qua, nhiều Luật đã ban hành đều có quy định về việc thành lập quỹ, nhưng đến nay hiệu quả sử dụng, tính khả thi hay có khó khăn gì cho doanh nghiệp khi phải lập thêm các quỹ trích lập từ doanh thu đều chưa được tổng kết.

Các DN kinh doanh bảo hiểm và hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã bày tỏ quan điểm đồng tình về việc thành lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm do thị trường bảo hiểm trong nước đã phát triển khá mạnh và cũng cần phải theo những thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, mô hình của quỹ này như thế nào cho phù hợp, để DN bảo hiểm quản lý hay làm theo mô hình bảo hiểm tiền gửi… thì cũng cần bàn bạc kỹ hơn. Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc cho rằng, nên tách riêng quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm thành một đơn vị độc lập. Hàng năm, các DN bảo hiểm có trách nhiệm đóng một tỷ lệ phí nhất định vào đơn vị này.

Theo ông Lộc, nhiều nước đã áp dụng mô hình tổ chức này, khi một người mua bảo hiểm nhưng không được DN bảo hiểm bồi thường có thể chuyển bộ hồ sơ đến quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm. Quỹ này có trách nhiệm thanh toán thay công ty bảo hiểm. Sau đó, họ có thẩm quyền hoặc chế tài yêu cầu DN bảo hiểm phải thanh toán số tiền mà quỹ đã đứng ra chi trả thay cho DN. Trường hợp DN bảo hiểm mất khả năng thanh toán mới lấy tiền từ quỹ.

Ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng bày tỏ sự đồng thuận về việc thành lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Phúc, do thị trường vẫn còn mới, các DN bảo hiểm trong nước chưa mạnh như các tập đoàn nước ngoài nên cần có bước đi thận trọng. Có thể giai đoạn này chưa yêu cầu trích lập, nhưng đến một thời điểm nào đó, Chính phủ quy định mức phí bảo vệ người mua bảo hiểm mà mỗi DN bảo hiểm phải đóng.
Duy Minh
Báo Công Thương Điện Tử

Comments are closed.