Cần phải tăng nhưng chưa biết bao nhiêu là đủ, là đúng

Với ngành y, khám chữa bệnh không phân biệt giàu, nghèo                                                                        Ảnh: TRẦN VIỆTNguyên Bộ trưởng Bộ Y tế GS. Phạm Song nói về vấn đề tăng viện phí: Cần phải tăng nhưng chưa biết bao nhiêu là đủ, là đúng (27/07/2010)
Vấn đề nóng bỏng nhất đang được dư luận toàn xã hội quan tâm là nếu viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng? Tăng viện phí, bộ phận lớn người nghèo sẽ phải chữa bệnh bằng cách nào? Đại Đoàn Kết trao đổi với Giáo sư Phạm Song – Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng Hội Y dược Việt Nam.
Đừng đánh đồng người nghèo và người giàu
Thưa Giáo sư, hiện dư luận rất quan tâm đến dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế, câu hỏi mà toàn  xã hội quan tâm là việc tăng viện phí có khiến chất lượng điều trị được tăng lên? Và việc tăng đột ngột như vậy, có gây bức xúc trong dư luận?

Chúng ta cần phải đặt vấn đề rằng, viện phí tăng lên phải kéo theo những điều kiện gì: Chất lượng điều trị tăng, đạo đức của các lương y có được nâng lên khi vấn đề tiêu cực đã và đang xảy ra ở một số nơi. Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những quyết định hợp lý và thiết thực trong lĩnh vực y tế, như giải quyết giảm tải tại một số bệnh viện, tăng cường nhân lực xuống cơ sở… Tuy nhiên, quyết định tăng viện phí ở thời điểm này theo tôi là chưa hợp thời, chưa hợp lòng người. Thực chất, từ 15 năm nay, viện phí đã luôn ở mức “trượt giá” rồi. Có nghĩa là không phải chỉ ở mức vài nghàn mà nó đã tăng theo thời gian lên đến hàng chục ngàn (cho mỗi lần khám bệnh). Ngành y tế là ngành làm dâu trăm họ, bởi vậy mọi vấn đề khi đi đến quyết định đều cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, để làm sao không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

 Đối với ngành y, khi chữa bệnh thì không phân biệt người giàu hay người nghèo, chỉ có thầy thuốc và bệnh nhân nên việc tăng viện phí là cần thiết nhưng không nên tăng quá. Tăng phải có khoa học, cũng không được vượt qua bệnh viện tư nhân để không ảnh hưởng tới 38% người dân chưa có thẻ BHYT.

GS có nói tăng viện phí theo dự thảo là tăng theo cảm tính? Tức là dự thảo thiếu các nghiên cứu ở giác độ kinh tế của việc tăng giá?

Hiện, chúng ta chưa có nhà kinh tế y tế. Để tính một gói viện phí phải bao gồm các vấn đề: xây dựng cơ bản, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, và chi phí tiêu hao (băng, gạc, thuốc…). Hiện nay, có 3.600 gói dịch vụ. Theo ý kiến của Bộ Y tế, khi thu viện phí phải thu trọn gói dịch vụ. Ví dụ như, nếu bệnh nhân mổ ruột thừa thì khi vào viện sẽ phải đóng tiền một gói từ A – Z, từ tiền khám, xét nghiệm đến tiền điều trị… Khi tính tổng chi phí như vậy, phải là một nhà có chuyên môn về kinh tế chứ không chỉ chuyên về ngành y. Ví dụ như bộ phận hậu cần của mỗi bệnh viện, thì người đứng đầu bộ phận này không chỉ là một bác sĩ mà người đó phải giỏi về mặt kinh tế. Ở nước ta chưa có những chiến lược để đào tạo lĩnh vực này, trong khi ở các nước quốc tế đã có rất lâu rồi, họ có những chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế y tế để có những hoạch định về giá cả, chi phí cho lĩnh vực y tế. Đó là lý do tại sao tôi nói việc tăng viện phí lần này chỉ là theo cảm tính. Chỉ biết cần phải tăng chứ chưa thể biết tăng bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là đúng. Hiện nay, nhiều bệnh viện bắt đầu mở các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao và tính đúng tính đủ như Bệnh viện Nhi T.Ư, Việt – Đức, Phụ sản T.Ư… Tuy nhiên, những dịch vụ này chỉ phục vụ một đối tượng nhỏ có điều kiện kinh tế khá giả. Bởi vậy, vấn đề ở đây, cần quan tâm đến những bệnh nhân nghèo khi tăng viện phí, làm sao để những người nghèo, cận nghèo đều được hưởng BHYT 100% chứ không nên bắt họ đóng thêm, vì 1% họ cũng không có khả năng, nói gì tới 5%!

Tăng phải có lộ trình
Việc tăng viện phí lần này nhiều ý kiến cho rằng, là do một số bệnh viện đưa ra đề xuất với Bộ Y tế? Nhận định của ông về vấn đề này ra sao?

Trên thực tế, tất cả các phương tiện kỹ thuật hiện đại ở các bệnh viện lớn hiện nay không phải Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư mà là do các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân đóng góp. Vì vậy, các bệnh viện phải hoàn vốn sớm. Điều này khiến họ cảm thấy họ sống bằng xã hội hoá nhiều hơn ngân sách Nhà nước. Chính bởi không muốn “lệ thuộc” nên một số bệnh viện muốn tăng viện phí để tăng thêm thu nhập. Nhưng 57,8% viện phí vẫn do người dân bỏ tiền túi ra. Như vậy, nếu tăng viện phí, con số này sẽ còn tăng lên nữa.

Như trên ông nói, việc tăng viện phí ở thời điểm hiện nay là nhạy cảm và chưa hợp lý, có nhiều yếu tố sẽ khiến người dân không đồng thuận. Vậy phải chăng việc tăng viện phí cần phải có giải pháp hợp lý và có một lộ trình nhất định?

Mọi quyết định đều cần phải có lộ trình, từ từ để người dân thích ứng. Theo tôi, trong số 70 gói dịch vụ sẽ tăng 7 -10 lần, nếu được thông qua, chúng ta nên làm thí điểm một vài gói dịch vụ trước đã, không nên một lúc tăng tất cả sẽ gây sốc cho người dân. Và cũng cần phải tính đến  một trong những yếu tố quan trọng  đó là cần phải có sự đầu tư đồng bộ và sự cải thiện trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Hiện nay có tình trạng là người dân e ngại khi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Lý do là bởi, thái độ của y bác sỹ đối với người khám bằng thẻ thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm. Nhiều người có thẻ bảo hiểm nhưng khi bị bệnh lại tặc lưỡi, khám bệnh không dùng thẻ còn nhanh hơn, còn được phục vụ tốt hơn. Thứ nữa là, thầy thuốc phải có trách nhiệm, có lương tâm với nghề nghiệp. Đây là vấn đề không phải là mới nhưng chúng ta vẫn mắc ở “khâu” này. Đơn cử như việc, chụp phổi để phát hiện ung thư, nhưng có cả cách uống thuốc cảm quang để phát hiện bệnh này. Hoặc các bệnh khác nếu như chỉ cần siêu âm là có thể phát hiện bệnh, thì đừng nên ép các bệnh nhân phải làm những thao tác khác nữa, làm như vậy, khác nào ép buộc bệnh nhân phải trả tiền cho những dịch vụ không cần thiết. Bởi vậy, lương tâm nghề nghiệp là rất quan trọng. Nếu cải thiện được những vấn đề đấy thì dù viện phí có tăng, người dân vẫn cảm thấy hài lòng.

Mức thu viện phí thực tế luôn bị tăng cao so với quy định. Vậy nếu viện phí tăng lên gấp nhiều lần thì tình trạng này có tiếp tục diễn ra không thưa ông?

Tình trạng thu phí không thực hiện theo quy định đã tồn tại nhiều năm nay, và kể cả khi viện phí tăng, như vậy cũng khó có thể khẳng định, các bệnh viện có thu phí theo đúng quy định hay không. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, chúng ta cần phải thừa nhận, việc quản lý các quy định, điều lệ của chúng ta còn nhiều bất cập.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư

Phương Thảo (thực hiện)

Báo Đại Đoàn Kết

Comments are closed.