Bằng biện pháp khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa vì vi phạm quy định của luật bảo hiểm xã hội, đến nay việc… đòi nợ bảo hiểm xã hội vẫn không mấy khả quan. Gần 100 doanh nghiệp bị khởi kiện thì có đến phân nửa không có khả năng giải quyết nợ.
Chính vì thế, việc xử lý hình sự, rút giấy phép hoạt động của những doanh nghiệp này là giải pháp mà các ngành chức năng đã tính đến. Tuy nhiên, phần thiệt của người lao động trong những doanh nghiệp này cũng là vấn đề nan giải.
Theo thống kê, trong số 36 đơn vị sử dụng lao động mà bảo hiểm xã hội TP HCM kiểm tra trong tháng 4, có đến 24 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở lên, trong đó có một số nợ trên 12 tháng. Ba chủ doanh nghiệp có nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn đã bỏ trốn. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc bảo hiểm xã hội TP HCM, trong khi chưa giải quyết dứt điểm số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trước đây (kể cả số bị kiện ra tòa và có kết luận thi hành án), thì nay lại phát sinh thêm số mới. Điều này cũng đồng nghĩa với quyền lợi của hàng ngàn công nhân bị treo.
Dự kiến trong tháng 5, sẽ có 9 doanh nghiệp phải hầu tòa vì nợ bảo hiểm xã hội. Đây là những hồ sơ mới, trong khi số hồ sơ đã hoàn tất thủ tục tại các tòa quận, huỵên cũng đang ở con số hàng chục. Cũng vì vậy mà từ đầu năm đên nay, số chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bỏ trốn tăng lên, mặc dù đang trong quá trình chờ tòa thụ lý hồ sơ. Năm 2009, thành phố có đến 200 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bị đưa vào danh sách khởi kiện. Tuy nhiện, thực tế số doanh nghiệp chịu trả nợ hết sức nhỏ giọt. Lũy kế đến tháng 4, bảo hiểm xã hội thành phố làm việc trực tiếp với 65 doanh nghiệp có nợ, chậm nộp bảo hiểm xã hội với số tiền hàng chục tỷ đồng. Song chỉ có một số ít khắc phục với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Theo đánh giá, vì chế tài chưa đủ mạnh trong xử lý doanh nghiệp hằng tháng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã khiến các doanh nghiệp lờ nghĩa vụ, thậm chí còn chiếm đoạt tài sản của người lao động. Theo quy định, hằng tháng, doanh nghiệp đã trích lương công nhân để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng họ đã không đóng, chính là hành vi chiếm đoạt tài sản, cần phải xử lý hình sự. Nhưng hiện chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm này. Ông Tiến cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người lao động, rất cần mạnh tay rút giấy phép hoạt động của những doanh nghiệp chây ỳ, cố tình chiếm đoạt quyền lợi của công nhân, nhằm tránh tình trạng nợ cũ chưa giải quyết xong lại đến nợ mới phát sinh, cũng là hạn chế tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, tuyên bố phá sản để quỵt quyền lợi của người lao động.
Tố Tâm
www.baodatviet.vn
Comments are closed.