Cần chế tài xử lý nghiêm minh

Gần đây, tình trạng trốn đóng, đóng thiếu và nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng trở thành căn bệnh “trầm kha” với số nợ năm sau lớn hơn năm trước. Có không ít doanh nghiệp (DN) đã phải hầu tòa, nhưng xem ra những sai phạm ngày càng tăng lên, rất cần một chế tài xử phạt đồng bộ, kiên quyết.

Thực trạng nợ đọng BHXH

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc đóng BHXH. Tiêu biểu nhất là các cơ quan, đơn vị trong quân đội mà BHXH quân đội đã thống kê kết quả thu BHXH, BHYT năm 2011 đạt 111,8% so với kế hoạch. Hay ở tỉnh Hưng Yên không có đơn vị nào trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài tính đến thời điểm hiện nay, chủ yếu là các đơn vị nợ gối đầu, tháng sau nộp tháng trước.

alt

Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay còn không ít trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 6-2012, tổng số tiền mà các DN nợ đọng bảo hiểm trên cả nước là hơn 7.813 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với cả năm 2011, trong đó nợ BHXH là hơn 5.854 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 378 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là hơn 1.580 tỷ đồng. Tỉnh, thành phố có số nợ đọng nhiều nhất hiện nay là: Hà Nội (hơn 972, 5 tỷ đồng) và TP Hồ Chí Minh (hơn 1.631, 2 tỷ đồng). Một vấn đề nữa đặt ra là, trước đây tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các DN ngoài quốc doanh thì nay lại xảy ra ở các DN Nhà nước. DN có số nợ lớn nhất hiện nay là Vinashin với khoảng 200 tỷ đồng. Hậu quả là hàng nghìn tỷ đồng tiền BHXH đã bị các DN chiếm dụng, nhà nước thất thu và hàng chục nghìn lao động khi ốm đau, thai sản… không được hưởng chế độ bảo hiểm khiến cuộc sống càng khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình công, lãn công, gây bất ổn đời sống xã hội.

Qua tìm hiểu ở một số DN, chúng tôi nhận thấy nhiều người lao động chỉ biết chung chung là tiền đóng BHXH sẽ trừ vào tiền lương hằng tháng, ngoài ra không biết gì khác. Chị Nguyễn Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội), người đã gắn bó với Công ty Orion -Hanel bức xúc: “Hằng tháng, xem bảng lương vẫn thấy DN trừ tiền BHXH, đến khi xin nghỉ việc mới biết công ty không đóng cho mình. Thế là 5 năm đóng bảo hiểm của tôi coi như công cốc”. Không phải chỉ có chị Thảo, mà nhiều lao động làm việc tại các DN bị phá sản, hoặc chủ DN bỏ trốn vì bị cơ quan BHXH kiện chây ỳ nợ đọng đều phải chịu thiệt thòi mà chẳng biết kêu ai. Cũng có những DN, khi người lao động ráo riết đòi quyền lợi tham gia đóng BHXH thì vội vàng “xuất” một khoản để BHXH làm thủ tục thanh toán, chi trả cho người lao động. Sau khi giải quyết xong vấn đề, DN lại tiếp tục nợ đọng BHXH.

Thiếu giải pháp đồng bộ, đủ mạnh

Bà Huỳnh Thị Mai Phương, Phó giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết: “Ngành bảo hiểm chỉ được giao thu tiền BHXH và phối hợp với các ngành kiểm tra, đôn đốc, còn quyền xử phạt lại thuộc cơ quan ngành LĐ -TB&XH. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan BHXH, vì đây là cơ quan trực tiếp thu, nắm danh sách và việc chấp hành đóng, trong khi cơ quan của ngành LĐTBXH chỉ gián tiếp thông qua kiểm tra nên không thể nắm bắt kịp thời. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt theo Nghị định 86/2010/NĐ-CP hiện nay là quá nhẹ: DN vi phạm chỉ bị phạt tối đa là 30 triệu đồng và lãi nợ đọng tính ở thời điểm hiện nay là 14,2%, vẫn thấp hơn lãi suất ngân hàng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc BHXH Hưng Yên phân tích: “Mức lãi do chậm đóng BHXH hiện nay chỉ là 14,2% bằng 70% lãi suất DN vay ngân hàng. Làm một phép tính đơn giản cũng thấy chiếm dụng BHXH lợi hơn đi vay rất nhiều. Thế thì DN sẵn sàng chịu phạt để vi phạm”.

Được biết, cuối tháng 8 vừa qua, BHXH tỉnh Ninh Thuận đã nộp đơn khởi kiện 17 DN cố tình không đóng tiền BHXH cho người lao động trong nhiều năm liền với tổng số tiền nhiều tỷ đồng. Việc khởi kiện ra tòa dựa trên văn bản số 143/2011 của TAND tối cao về việc Hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố khởi kiện các DN trốn, nợ đọng tiền BHXH ra tòa mà BHXH Việt Nam đã tham mưu. Đây được coi như biện pháp quyết liệt nhất từ trước đến nay của ngành BHXH. Thế nhưng, ghi nhận tại một số tỉnh, thành phố cho thấy việc khởi kiện có những chuyển biến song chưa thực sự tích cực và bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn, trong thời gian khởi kiện, nếu DN chỉ cần đóng một phần số tiền nợ là có thể thoát khỏi danh sách bị khởi kiện và có thể tiếp tục trì hoãn trả nợ. Đã có nhiều phiên tòa, việc khởi kiện thành công rồi nhưng đến khâu thi hành án lại gặp nhiều vướng mắc, bởi có DN, ngoài nợ BHXH còn nợ lương công nhân, tài khoản thì trống rỗng, tài sản thì đã cầm cố ngân hàng nên dù có phán quyết của tòa việc thi hành án vẫn không khả thi. Chính vì thế, nói về các bản án nợ đọng BHXH, nhiều chấp hành viên ví von, việc thi hành án giống như “túm kẻ trọc đầu”.

Căn cứ vào quy định hiện hành, DN trốn đóng BHXH thì thanh tra lao động có quyền rút giấy phép tạm thời hay vĩnh viễn. Thế nhưng, trong Luật Doanh nghiệp không có điều nào quy định DN sẽ bị đình chỉ hoạt động vì lý do trốn đóng BHXH. Luật BHXH quy định “tùy theo mức độ vi phạm nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự”, song trong Luật Hình sự lại chưa quy định cụ thể tội danh…”. Theo ông Trần Đình Liệu, “một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là cần trao thêm quyền thanh tra, xử phạt cho BHXH. Đồng thời, cần đưa tội danh trốn đóng, nợ kéo dài BHXH vào khung của Bộ luật Hình sự. Cần phải xác định việc không nộp BHXH sau khi DN đã trích từ tiền lương của người lao động là lỗi cố ý hành động phạm tội, đủ dấu hiệu cấu thành tội chiếm đoạt tài sản và phải bị xử lý hình sự”.

BHXH được cho là vấn đề cốt yếu để thực hiện an sinh xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi của người lao động. Trục lợi trên BHXH là trục lợi mồ hôi công sức của người lao động. Vì vậy, cùng với việc người lao động tự nâng cao hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ đóng BHXH của mình, dư luận mong chờ những chế tài đủ mạnh từ cơ quan chức năng bằng việc sửa đổi đồng bộ, cụ thể quy định trong Luật BHXH, Luật Doanh nghiệp, Luật Hình sự… để chấm dứt hiện tượng các DN nợ đọng, chây ỳ trong việc nộp tiền BHXH như hiện nay.

Theo quy định tại Điều 91 và 92 Luật BHXH năm 2006 thì tỷ lệ đóng BHXH sẽ tăng lên 1% từ tháng 1-2012 áp dụng cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Tỷ lệ đóng này cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 1% kể từ tháng 1-2014.

Nguồn qdnd.vn

{flike}

Comments are closed.