Các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước: Đừng để… hóa bùn

(VEN) – Năm 2009, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 10.037 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội trong các lĩnh vực: Sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, tài chính doanh nghiệp, thuế, cổ phần hoá, thu và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Qua thanh tra, phát hiện thiếu sót, sai phạm về kinh tế (tròn số) gần 27.923 tỷ đồng, 11.312m2 nhà, 2.777ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN hơn 7.027 tỷ đồng, 1.708ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 235,3 tỷ đồng, xuất toán loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp trên có thẩm quyền xem xét xử lý 17.912 tỷ đồng…
Vụ việc sai phạm to lớn và đa dạng như vậy nhưng kết thúc năm, chỉ mới thu hồi được 3.355 tỷ đồng và gần 176ha đất mà thôi. Từ đó đến nay hầu như dẫm chân tại chỗ. Các chuyên gia kinh tế bình luận, hậu quả này là do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan. Đất nước ta đã trải qua hơn 20 năm đổi mới, từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, ngày một hôi nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Các cơ chế chính sách cho các bước chuyển đổi phục vụ hoạt động từng lĩnh vực, tuy chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện nhưng không ngừng được bổ sung, chỉnh sửa. Và chính vì lý do “tranh tối, tranh sáng” này mà không ít DN, cá nhân đã tranh thủ, cố tình lách luật rút ruột nguồn vốn, tài sản quốc gia phục vụ cho lợi ích riêng của DN và cá nhân mình. Các sai phạm về mặt kinh tế – xã hội diễn ra trong năm 2009 là khá phổ biến, không loại trừ lĩnh vực, cấp bậc nào. Xin dẫn chứng: (1) Thanh tra Chính phủ tiến hành 25 cuộc thanh tra (trong đó có 6 cuộc do Thủ tướng Chính phủ giao, 2 cuộc qua đơn thư tố cáo) đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm về kinh tế, với tổng số tiền gần 12.209 tỷ đồng, 11.312m2 nhà ở, 64ha đất ở; kiến nghị thu hồi về cho NSNN 1.309 tỷ đồng, xuất toán loại khỏi giá trị quyết toán 328 tỷ đồng, đề nghị cấp trên có thẩm quyền xem xét, xử lý gần 7.834 tỷ đồng. (2) Thanh tra của các Bộ, ngành Trung ương, tuy mới tập hợp được số liệu của 24 Bộ, ngành, qua 1.688/1.800 cuộc thanh tra đã kết thúc, đã phát hiện sai phạm hơn 11.113 tỷ đồng, 6,9ha đất. Kiến nghị thu hồi về cho NSNN 2.516 tỷ đồng (mới thu hồi được hơn 436 tỷ đồng; kiến nghị cấp trên xem xét xử lý 8.597 tỷ đồng. (3) Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã có 7.526/8.220 cuộc thanh tra được kết thúc, phát hiện về sai phạm kinh tế hơn 1.692 tỷ đồng, 2.706ha đất; kiến nghị thu hồi cho NSNN hơn 539 tỷ đồng, 1.654ha đất, đã thu hồi được gần 1.261 tỷ đồng và 176ha đất; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 1.153 tỷ đồng.
Các sai phạm bị phát hiện qua các cuộc thanh tra đều được kết luận rõ ràng, gắn chặt với trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, theo đó là kiến nghị xử lý theo pháp luật. Mọi sai phạm, quy đến cùng đều được thể hiện qua giá trị tiền tệ hoặc đất đai. Xin được chứng minh kết quả thanh tra chuyên đề ở bốn lĩnh vực sau: (1) Trong lĩnh vực cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước, mới thanh tra ở 189 DN nhưng đã có tới 172 DN sai phạm (chiếm 91%), làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước 3.747 tỷ đồng, 138,4ha đất và 13.449.000 cổ phần. Qua thanh tra cho thấy, nội dung sai phạm chủ yếu là việc xác định giá trị DN, bán đấu giá cổ phần, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH, việc đầu tư tài chính sau CPH có nhiều đơn vị không thực hiện đúng quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, làm thiệt hại lợi ích của người lao động. (2) Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, mới tổng hợp số liệu ở 49 Bộ, ngành và địa phương tiến hành 634 cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm gần 228 tỷ đồng, 2.777ha đất; kiến nghị thu hồi gần 245 tỷ đồng, 1.708ha đất nhưng đến nay mới thu hồi được 87,5 tỷ đồng. Các sai phạm trong lĩnh vực này phổ biến là công tác quản lý đất đai còn buông lỏng dẫn đến không làm đầy đủ trình tự, thủ tục trong việc giao, cho thuê đất; lấn chiếm đất công để sử dụng riêng, chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất không đúng đối tượng; chiếm dụng tiền thuê đất, trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ của DN và cá nhân từng người liên quan. (3) Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, qua 933 cuộc thanh tra, trong đó 814 cuộc đã kết thúc, phát hiện sai phạm 238 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 120,7 tỷ đồng, (đã thu hồi 49,7 tỷ đồng). Sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực này là vi phạm về trình tự, thủ tục đầu tư, thi công sai thiết kế, nghiệm thu không đúng thực tế thi công (vật tư không đúng chất lượng, chủng loại, khối lượng nghiệm thu vượt xa khối lượng thực tế thi công hoặc thiết kế…). (4) Còn trong lĩnh vực “nhạy cảm” là tài chính, ngân sách, qua 2.036/2.288 cuộc thanh tra kết thúc đã phát hiện sai phạm 576 tỷ đồng do quản lý ngân sách lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến cơ quan, đơn vị thực hiện không chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng kinh phí, thu chi sai quy định, không đúng mục đích, trốn thuế, nợ đòng thuế kéo dài, chiếm dụng vốn, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ, chưa tuân thủ chế độ kế toán và hạch toán theo quy định, cố tình “cấu véo, đưa đẩy” NSNN vào túi riêng hoặc tài khoản đơn vị mình để cùng thụ hưởng.
Những vụ việc sai phạm nêu trên trong quản lý, điều hành, sử dụng các loại nguồn vốn, tài sản, đất đai công ở các DN, ngành hàng và địa phương thực sự là rất nghiêm trọng và phổ biến. Ngành thanh tra từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt kiểm tra, kết luận mức độ đúng sai, kiến nghị thu hồi (trong quyền hạn) hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý thu hồi vốn và tài sản cho Nhà nước, phục vụ lợi ích quốc gia. Thế nhưng, trong thực tế “làm sai thì nhanh và lớn nhưng khắc phục sai thì chậm và kết quả bé”. Số tiền và tài sản phải thu hồi hoàn trả cho NSNN quá lớn nhưng thực tế đã thu hồi được lại quá ít ỏi, nhất là đất đai. Đừng để hiệu lực kết quả báo cáo thanh tra Nhà nước năm 2009 đến thời điểm này là hết hạn, dân buồn! Đừng để căn bệnh “lợi nhà, thiệt nước” tràn lan, làm cho nước nghèo, khó phát triển./.
Hữu Tế
Báo Đối ngoại Vietnam Economic News

Comments are closed.