Ngành bảo hiểm Việt Nam bắt đầu mang hơi thở của thị trường kể từ sau nghị định số 100/1993/NĐ-CP bởi vì đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định có nhiều loại hình doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Nhà nước, cổ phần, tương hỗ, liên doanh, 100% vốn nước ngoài). Cùng góp mặt với Bảo Việt trên thị trường lúc bấy giờ là sự ra đời của Bảo Minh (1994); PJICO, Bảo Long (1995); PVI , VIA (1996), UIC (1997) v.v…
Cùng với tiến trình phát triển và hội nhập của cả nền kinh tế, đến nay thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 21 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 7 công ty bảo hiểm nhân thọ, 1 công ty tái bảo hiểm và 8 công ty môi giới bảo hiểm với đa dạng các loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài cũng như xu hướng thành lập thêm các công ty bảo hiểm trong nước.
Chúng ta không phủ nhận sự phát triển cũng như những đóng góp của ngành bảo hiểm khi mà mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn 1993-2004 là 38%/năm, đóng góp vào GDP của ngành tăng từ 0,37% (1993) lên 2,13% (2006), tổng số tiền chi trả bồi thường giai đoạn 2000 – 2005 là 12.300 tỷ đồng, đầu tư của ngành bảo hiểm trở lại nền kinh tế là 34.400 tỷ đồng, thu hút hơn một trăm ngàn lao động và nộp ngân sách trên 1000 tỷ đồng (2006).
Tuy nhiên, có một sự bất ổn đã và đang diễn ra trong nội bộ ngành, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Một quan chức của ngành bảo hiểm cho biết: “Các doanh nghiệp cạnh tranh không phải bằng chất lượng dịch vụ mà chủ yếu bằng việc đua nhau hạ phí bảo hiểm, trả hoa hồng trái quy định và không đúng đối tượng. Có nhiều doanh nghiệp hạ phí, mở rộng quyền lợi bảo hiểm mà không tính đến hiệu quả kinh doanh…”.
Tại sao các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh phí quyết liệt?
Thứ nhất, quy mô của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam không đồng đều. Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay thì “chiếu trên” với số vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng gồm Bảo Việt, Bảo Minh và PVI. Chính vì vậy mà phải chăng các công ty này sử dụng lợi thế kinh tế theo quy mô? Với tiềm lực tài chính và dự phòng nghiệp vụ lớn hơn nhiều so với các công ty còn lại thì trong cạnh tranh, việc giảm giá dịch vụ (phí bảo hiểm) là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó là vấn đề mang tính lịch sử của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong suốt một thời gian dài chỉ có một mình Bảo Việt thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm, vì vậy các doanh nghiệp bảo hiểm ra đời sau Bảo Việt ít nhiều có sự kế thừa về nhân sự và nghiệp vụ nên nhiều khi doanh nghiệp ra đời sau thường chọn giải pháp cạnh tranh giảm phí trong giai đoạn đầu kinh doanh của mình.
Thứ hai, mức phí hiện nay tính cho rủi ro được bảo hiểm đã hợp lý chưa? Bảo hiểm hoạt động dựa trên một cơ sở quan trọng là quy luật thống kê, thế nhưng đã có doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nào xây dựng được cơ sở dữ liệu thống kê để làm căn cứ tính phí? Theo số liệu thống kê thì tỷ lệ bồi thường (loss ratio) trung bình chung các nghiệp vụ hiện nay của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam là khoảng 50%, như vậy các công ty bảo hiểm còn khả năng giảm phí nữa không? Đó là chưa kể hiệu quả chủ yếu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là phải thông qua đầu tư tài chính chứ không phải chỉ dựa trên tỷ lệ bồi thường.
Thứ ba, đó là văn hóa kinh doanh. Không chỉ riêng ngành bảo hiểm mà một số ngành khác cũng rơi vào tình trạng này, du lịch chẳng hạn. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn quan niệm thương trường là “vùng biển đỏ”, là nơi mà thị trường có tính cạnh tranh cao, phải cạnh tranh quyết liệt với nhau, nếu mình không chiếm được thì “đối thủ” sẽ chiếm mất, muốn vậy giảm phí là đơn giản nhất.
Thứ tư, về mặt quản lý nhà nước. Cạnh tranh trong việc giảm phí dẫn đến những biến tướng trong cạnh tranh mà Nhà nước không giám sát hết được, đó là những trường hợp doanh nghiệp giảm phí trực tiếp hoặc thông qua hoa hồng để rồi doanh nghiệp phải khó khăn trong việc tìm ra cách hợp lý hóa các khoản chi này. Luật kinh doanh bảo hiểm, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã có nhưng mức chế tài chưa mang tính thuyết phục. Bên cạnh đó, mặc dù các văn bản pháp lý đã có nhưng việc giám sát kiểm tra lại bị buông lỏng, dẫn tới tình trạnh “lờn” luật.
Luật hiện nay quy định cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp không được hưởng hoa hồng khai thác nhưng phần lớn doanh thu của các công ty lại do lực lượng này mang về. Và đương nhiên sẽ có tinh trạng lách luật ở đây, rồi hệ quả sẽ tác động đến việc giảm phí bảo hiểm.
Thứ năm, về yếu tố cầu của thị trường. Đời sống kinh tế xã hội của nước ta có tăng nhưng chưa đủ điều kiện để tác động đến việc tham gia bảo hiểm như ở các nước phát triển được(**). Khả năng tài chính và nhận thức còn hạn chế dẫn đến việc tham gia bảo hiểm chưa nhiều. Hệ quả dẫn đến là tốc độ tăng trưởng của cầu nhỏ hơn cung, áp lực khai thác và doanh số của các doanh nghiệp bảo hiểm khiến cho người khai thác trực tiếp phải làm sao có được khách hàng, trong đó cách thức giảm phí lại được áp dụng phổ biến. Giảm phí quá nhiều thì dich vụ sẽ kém, mà dịch vụ kém thì không thu hút được khách hàng, cứ thế sẽ luẩn quẩn. Ngoài ra bản thân người mua bảo hiểm cũng không tìm hiểu kỹ về loại hình bảo hiểm mà mình tham gia (khách hàng có quyền yêu cầu công ty giải thích rõ điều khoản bảo hiểm), mà tâm lý thường quan tâm đến mức phí bảo hiểm là bao nhiêu, có thấp hơn doanh nghiệp khác hay không mà thôi.
Đâu là giải pháp?
Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần có giải pháp ở 2 vấn đề cơ bản mang tính cấp thiết sau:
Vấn đề thứ nhất: Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là tất yếu. Sử dụng chiến lược giảm phí bảo hiểm (trừ những nghiệp vụ bắt buộc với tỷ lệ phí tối thiểu) để cạnh tranh là chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp sẽ tự biết cân nhắc điều này) nhưng dù gì đi nữa vẫn phải đảm bảo uy tín của bản thân doanh nghiệp và của cả ngành bảo hiểm, vì đó là văn hóa kinh doanh, là đạo đức nghề nghiệp của người làm bảo hiểm. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua mối quan hệ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau (cạnh tranh lành mạnh, có văn hóa, tương trợ nhau), mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng (giữ chữ tín, đảm bảo dịch vụ – quan trọng nhất là việc giải quyết khiếu nại bồi thường vì đây là cơ sở để khách hành cảm nhận về lợi ích của bảo hiểm) và mối quan hệ trong nội bộ của doanh nghiệp (cạnh tranh giẫm chân nhau trong nội bộ doanh nghiệp). Muốn được như vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp phải có cơ chế để nhân viên có ý thức thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh đó Nhà nước cũng phải có chế tài nghiêm để xử lý những trường hợp vi phạm, có tác dụng răn đe mạnh mẽ.
Vấn đề thứ hai: xây dựng “chiến lược đại dương xanh” ở mỗi doanh nghiệp, nghĩa là mỗi doanh nghiệp tự tạo cho mình mảng thị trường mới. Mảng thị trường mới này có thể xuất phát từ:
– Cung cấp những loại hình bảo hiểm mới ra thị trường: chưa từng có, hoặc kết hợp những cái đã có thành một cái mới, hoặc sửa đổi cái đang có thành cái mới.
– Tiếp cận và hình thành nhóm khách hàng mới: những nhóm khách hàng mà trước đây chưa tham gia, hoặc có tham gia nhưng nay tham gia thêm sản phẩm khác.
– Gia tăng dịch vụ khách hàng, tạo ra sự khác biệt mới lạ trong việc cung cấp dịch vụ để thu hút khách hàng như: công nghệ thông tin hóa quy trình giao dịch, gia tăng giá trị cảm nhận của khách hàng khi khách hàng giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp, những lợi ích gián tiếp từ việc tham gia bảo hiểm v.v….
Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết mọi vấn đề. Nếu mỗi doanh nghiệp bảo hiểm (thực ra là những người làm trong ngành bảo hiểm không phân biệt vị trí, chức vụ) luôn chủ động tìm ra cho mình một mảng thị trường mới, thực hiện đúng những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như chức trách nhiệm vụ của mình, thì bài toán cạnh tranh về phí bảo hiểm của thị trường hiện nay không phải không có lời giải.
(*): Chan Kim và Renée Mauborgne
Comments are closed.