Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam: Không cải thiện năng lực hoạt động là… chết

Nhiệm vụ chủ chốt hàng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong năm 2012 chính là hoàn thiện và nâng cao năng lực nội tại.

Kết thúc năm 2011, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 20.250 tỉ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, tăng trưởng 18,6% so với năm 2010. Ước bồi thường toàn thị trường là 8.132 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường là 40% cao hơn so với năm 2010 (35,4%). Ngoài kết quả đạt được từ sự tăng trưởng trong những con số, một điều quan trọng và cần phải nhắc tới chính là năng lực của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (DNBH PNT) Việt Nam.

Nguồn năng lực mới

Năng lực tài chính: Tuân thủ đúng quy định của Chính phủ về tăng vốn pháp định theo Nghị định 46/2007/NĐ-CP, các DNBH được cấp phép thành lập và hoạt động từ năm 2007 đã đáp ứng ngay quy định về mức vốn điều lệ mới (300 tỉ đồng đối với DNBH PNT và 600 tỉ đồng đối với DNBH nhân thọ); các DNBH được cấp phép trước năm 2007 đến nay cũng đã hoàn tất việc tăng vốn, thậm chí là vượt so với quy định. Nguồn vốn thực có của các DNBH hết năm 2011 ước đạt khoảng 35 nghìn tỉ đồng và về cơ bản tất cả các DNBH đều đảm bảo khả năng thanh toán.

alt

Năng lực đầu tư của các DNBH được nâng cao với danh mục đầu tư được mở rộng đa dạng song vẫn đảm bảo tính an toàn và thanh khoản, trong đó 30% gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, 30% đầu tư trái phiếu Chính phủ, 22% đầu tư qua ủy thác và 18% đầu tư dưới các hình thức khác. Việc thực hiện và quản lý đầu tư cũng chuyên nghiệp hơn. Hầu hết các DNBH đã thành lập bộ phận đầu tư độc lập. Một số DNBH đã hoặc đang có kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ cho thấy sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đầu tư cũng như thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư đối với một số loại hình sản phẩm đặc biệt như bảo hiểm liên kết đầu tư.

Năng lực quản trị điều hành: Thực hiện các quy định của pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hầu hết các DNBH đã xây dựng được các quy trình nghiệp vụ (khai thác, giám định và bồi thường, đầu tư, kiểm soát nội bộ…), góp phần từng bước chuẩn hóa các khâu trong hoạt động kinh doanh của DNBH. Phần lớn các DNBH nước ngoài đã thực hiện nghiêm túc các quy trình này.

Các DNBH đã đổi mới phương thức quản lý theo hướng chuyên nghiệp hơn. Một số DNBH đã triển khai ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Trình độ đội ngũ cán bộ cũng được cải thiện rõ rệt, đặc biệt trình độ của các cán bộ quản trị điều hành, chuyên gia quản lý rủi ro, thẩm định và định phí bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ và tính biên khả năng thanh toán… đã đáp ứng tiêu chuẩn của pháp luật, góp phần từng bước chuẩn hóa chất lượng cán bộ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Chất lượng dịch vụ: Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài phát triển, một số DNBH được sắp xếp lại góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm cung cấp trên thị trường. Điều này được thể hiện ở việc nhiều nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới và trong khu vực đã được cấp phép thành lập DNBH tại Việt Nam. Ngoài ra, các thương vụ mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp thành công của một số DNBH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã giúp thị trường bảo hiểm tiếp tục có được các chủ đầu tư nước ngoài có năng lực và uy tín, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trong nước.

Theo số liệu thống kê, hiện có 10 DNBH PNT có vốn đầu tư nước ngoài, tỉ trọng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của khối doanh nghiệp tăng gấp 2, tỉ trọng bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng gấp 3, thị phần trong bảo hiểm phi nhân thọ tăng từ 5% lên khoảng 15% có thể nói các DNBH có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Những điều cần khắc phục

Công tác quản trị điều hành của các DNBH trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mặc dù các DNBH trong nước đã cài đặt được phần mềm thông tin phục vụ quản lý song mới chỉ là bước đầu, nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng phương pháp thủ công trong cấp và quản lý đơn bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ. Các phương pháp này gây tốn kém về thời gian và chi phí, đồng thời khó kiểm soát các hành vi trục lợi bảo hiểm.

Các DNBH mặc dù đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Số lượng DNBH tăng nhanh trong thời gian qua, cộng với số lượng các cơ sở đào tạo về bảo hiểm không nhiều và chưa chuyên sâu đã gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TTBH, dẫn đến hiện tượng chuyển dịch nhân sự cấp cao giữa các DNBH, gây xáo trộn hoạt động kinh doanh của các DNBH.

Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các DNBH còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện thường xuyên. Các quy trình nghiệp vụ tuy được xây dựng song vẫn mang tính hình thức, chưa được triển khai thực hiện triệt để trong thực tiễn, dẫn đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của một số DNBH trong nước chưa chuyên nghiệp, bài bản.

Các DNBH PNT trong nước còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc hạ phí bảo hiểm không tương xứng với mức rủi ro nhận bảo hiểm, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của DNBH. Ngoài ra, các DNBH này cũng liên tục tăng chi phí khai thác để giành dịch vụ, xu hướng hoạt động KDBH không có lãi ngày càng tăng, thủ tục bồi thường còn phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm và uy tín của ngành bảo hiểm.

Một loạt các DNBH đã và đang tiến hành tái cấu trúc như: PVI, PTI, BIC, MIC… Lộ trình tăng vốn của Công ty mẹ PVI Holdings và của cả Bảo hiểm PVI có thể coi là một nước đi đúng đắn và kịp thời trong thời gian tới. Lợi ích là ở tương lai còn tại thời điểm hiện tại thách thức với những DNBH như PVI chính là việc thích ứng với những thay đổi về cơ cấu và nhanh chóng vận hành trơn tru hoạt động của bộ máy mới.

Năm 2011 được coi là bản lề đánh dấu năm đầu tiên trong chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020 thì năm 2012 có thể coi là tiền đề quan trọng trong việc triển khai thực hiện của các DNBH PNT Việt Nam. Nhiệm vụ chủ chốt hàng đầu của các DNBH Việt Nam trong năm 2012 chính là hoàn thiện và nâng cao năng lực nội tại để có được “sức mạnh” lớn nhất sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường và ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế.

(Petrotimes)

Comments are closed.