Cà Mau: Hỗ trợ thanh niên nghèo học nghề – Cách làm hay cần nhân rộng

Ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, anh Trương Văn Chiểu (sinh năm 1982), chủ cơ sở dạy nghề Ngôi Sao, không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình mà còn hỗ trợ thanh niên con gia đình chính sách, hộ nghèo học nghề và miễn, giảm học phí cho họ. Đây là một việc làm có ý nghĩa cần nhân rộng.

Ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, anh Trương Văn Chiểu (sinh năm 1982), chủ cơ sở dạy nghề Ngôi Sao, không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình mà còn hỗ trợ thanh niên con gia đình chính sách, hộ nghèo học nghề và miễn, giảm học phí cho họ. Đây là một việc làm có ý nghĩa cần nhân rộng.
Anh Trương Văn Chiểu tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh ngành Chuyên viên công nghệ thông tin năm 2004. Sau đó anh về Cà Mau xin dạy tin học hợp đồng cho một cơ sở dạy nghề ở thành phố Cà Mau được 1 năm. Từ tháng 7/2006, anh thành lập cơ sở dạy nghề Ngôi Sao chủ yếu dạy chứng chỉ A, B tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức và thanh niên trong xã và các địa bàn lân cận.
Với nguồn vốn chỉ có 70 triệu đồng, anh đầu tư sửa chữa nhà, mua sắm cơ sở vật chất và 20 máy vi tính. Lúc đầu, cơ sở chỉ có 3 giáo viên (kể cả chủ cơ sở) và trung bình mỗi ngày anh chỉ dạy 1 lớp, sau 2-3 khóa thi, học viên của anh mới bắt đầu tăng lên.
Xác định là phải cố gắng tạo uy tín, lòng tin đối với học viên, nên qua nhiều lớp thi lấy chứng chỉ, ngày càng có nhiều người tìm đến cơ sở dạy nghề của anh để đăng ký học.  Hiện tại mỗi năm anh mở khoảng 12 lớp, mỗi lớp 20 học viên và cấp 300 chứng chỉ/năm, trong đó chứng chỉ A chiếm 90%. Khi thi kiểm tra để lấy bằng, anh phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp tỉnh tổ chức.
Ngoài cơ sở tại nhà, đầu năm 2008 anh hợp đồng với các huyện luân phiên mở các lớp chứng chỉ A, B tin học cho cán bộ và giáo viên.
Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, hiện tại cơ sở đào tạo của anh được đầu tư trên 200 triệu đồng, gần 50 máy vi tính, trong đó có hơn 20 máy anh luân phiên di chuyển các huyện khi có nhu cầu mở lớp ngay tại địa phương và có 5 giáo viên, kể cả chủ cơ sở.
Ngoài việc cố gắng làm ăn để mở rộng cơ sở, giảng dạy đúng theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thu học phí đúng quy định, anh còn quan tâm đến việc hỗ trợ những người điều kiện kinh tế khó khăn. Với những học viên con gia đình chính sách, anh giảm 50% học phí, còn những học viên con hộ nghèo có sổ, anh miễn 100% học phí. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ, nhu cầu học tập của các bạn trẻ hiện nay là rất lớn. Và việc tôi giúp các bạn được học tập cũng là mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương”.
Anh tâm sự: “Là một đoàn viên, lại là Bí thư Chi đoàn ấp nên bản thân luôn xác định phải cố gắng làm ăn, một mặt là để bản thân không lạc hậu, mặt khác là để làm gương cho những đoàn viên khác. Tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để giúp đỡ những đoàn viên thanh niên trong ấp làm ăn. Hiện trong chi đoàn có 16 đoàn viên, trong đó có 3 người tốt nghiệp Kỹ thuật viên tin học. Tôi đã nhận 1 người vào cơ sở để giảng dạy, 2 đoàn viên còn lại tôi động viên họ cố gắng học thêm, vì trong điều kiện hiện nay, mình không học, không trang bị đầy đủ kiến thức thì sẽ không tìm được việc làm phù hợp”.
Hiện cơ sở của anh tạo việc làm thêm cho 5 người, hằng tháng nếu giáo viên nào làm tốt, anh đều xét thưởng. Về phần mình, anh đang theo học lớp Cử nhân công nghệ thông tin nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Trong tương lai, anh sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở dạy nghề, đầu tư mua sắm thêm máy tính cho cơ sở.
Anh bộc bạch: “Xã hội ngày càng phát triển, nếu mình không cố gắng phấn đấu, không nâng cao trình độ thì sẽ mất dần chỗ đứng. Tôi rất mong Đoàn cấp trên tổ chức một buổi tọa đàm về các mô hình thanh niên làm kinh tế, để chúng tôi cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh”./.
Thảo Lan

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.