Cơ hội bứt phá của doanh nghiệp bảo hiểm

 Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn (trừ chi nhánh BH phi nhân thọ của các Công ty BH nước ngoài), chắc chắn lúc đó chiếc bánh sẽ tiếp tục bị cắt nhỏ. Vấn đề đặt ra là cùng điều kiện thuận lợi và khó khăn như nhau, làm thế nào để “chiếm được miếng bánh to hơn” đang là bài toán hóc búa với không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm. Cơ hội bứt phá của doanh nghiệp bảo hiểm
Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi chung, kinh tế xã hội có sự chuyển biến tích cực, đi liền với đó TTBH trong nước cũng có sự phát triển rất ấn tượng cả về quy mô và chất lượng. Hiện tại, TTBH VN đã có 37 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 7 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 8 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Năm 2006, tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm đạt 17.752 tỷ đồng, tăng 14,08% so với năm trước (doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 14,928 tỷ đồng, tăng 9,63%, doanh thu phí BH phi nhân thọ đạt 6.445 tỷ đồng, phí BH nhân thọ đạt 8.483 tỷ đồng), tổng số tiền ngành BH đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 30.676 tỷ đồng, tăng 4.952 tỷ so với năm 2005. Nhìn chung, trong năm 2006 và những tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục thực hiện cổ phần hoá, củng cố tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên hầu hết các doanh nghiệp BH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đều đạt mức tăng trưởng khá, hiệu quả hoạt động kinh doanh tăng cao.

Mặt khác, TTBH Việt Nam cũng được đánh giá thực hiện tốt vai trò phòng ngừa rủi ro, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, qua đó góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Bộ Tài chính, ông Trịnh Thanh Hoan phân tích, với chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2010, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 1050-1100USD/người/năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 7,5-8%/năm, có thể đạt trên 8%/năm; cơ cấu kinh tế ngành trong GDP được chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu và vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh. Môi trường pháp lý về kinh doanh BH đã được định hình vững chắc, đang ngày càng được hoàn thiện, các giải pháp phát triển TTBH đã được đề ra nhằm nâng cao vai trò của BH đối với mọi mặt của đời sống xã hội; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện và phát triển mạnh, rất thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Nhận thức của công chúng về vai trò, lợi ích, phương thức tham gia BH được nâng cao; hội nhập trong lĩnh vực BH đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới, sản phẩm mới, công nghệ mới về BH… Đó là những thuận lợi rất lớn đối với các DNBH, môi giới BH để đảm bảo mục tiêu đến năm 2010, phát triển được TTBH toàn diện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nền kinh tế và dân cư; phấn đấu tổng doanh thu phí BH giai đoạn 2001-2010 tăng trưởng mức 24%/năm; tỷ trọng doanh thu của toàn ngành BH phải đạt 4,2% so với GDP vào năm 2010.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra, khi đã hội nhập buộc các DNBH sẽ phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phải minh bạch hơn. Từng DNBH sẽ phải thực hiện cơ cấu lại, phân chia lại thị trường theo hướng cân bằng hơn, thị trường của các DNBH trong nước có thể sẽ bị giảm, ngược lại DNBH nước ngoài sẽ tăng lên; các DNBH muốn tồn tại sẽ phải tự mình vươn lên, nếu không tất yếu sẽ bị đào thải. Riêng đối với các DNBH trong nước sẽ chịu áp lực khá lớn trong quá trình cạnh tranh về vốn, kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; công nghệ trong kinh doanh; cạnh tranh về nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp trong ngành; sản phẩm dịch vụ cũng bị cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngoài ngành như: tiết kiệm bưu điện, ngân hàng, các hoạt động đầu tư tài chính khác.
 

Giải pháp cho TTBH Việt Nam


Thực tế trong lĩnh vực BH, thị trường Việt Nam vẫn khá tiềm năng, thậm chí BH còn được ví như một “chiếc bánh” hấp dẫn, vì thế mục tiêu đặt ra không phải là quá xa vời. Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu như đã đề ra? Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, với mục tiêu đã định, đang đòi hỏi cả cơ quan quản lý nhà nước và DNBH phải gấp rút thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính tổng thể. Ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý BH phải hoàn thiện các văn bản pháp lý về kinh doanh BH, nhằm tuân thủ các nguyên tắc hội nhập và điều kiện thực tế của thị trường trong từng giai đoạn, tạo nền tảng pháp lý rõ ràng để các DNBH, môi giới BH tận dụng cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống thông tin thường xuyên giữa cơ quan quản lý – Bộ Tài chính với các DNBH, môi giới BH để đảm bảo tính hiệu quả của công tác quản lý, giám sát cũng như công tác quản trị điều hành DN.

Đi liền với đó, Bộ Tài chính cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cưỡng chế thực thi đối với hoạt động kinh doanh BH của DN; xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, cảnh báo sớm, xử phạt nghiêm đối với những hành vi kinh doanh không lành mạnh.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh sự hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quản lý BH quốc tế, để tăng cường sự học hỏi về kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.  
Về các giải pháp đối với DN hoạt động trong lĩnh vực BH, ông Trịnh Thanh Hoan cho rằng, muốn trụ vững phát triển, giải pháp đầu tiên phải nói đến là tăng cường năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua khả năng thanh toán, cũng như đảm bảo các cam kết đối với người tham gia BH. Muốn vậy, từ nay đến 2010, các DNBH sẽ phải thực hiện tăng vốn pháp định theo quy định tại Nghị định 46/2006/NĐ-CP, ngày 27/3/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh BH. Theo đó, các DNBH phi nhân thọ phải đạt mức vốn pháp định tối thiểu 300 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ phải đạt mức 600 tỷ đồng. Nâng cao công tác quản lý nợ, tổ chức rà soát, đánh giá các khoản nợ, tổ chức thu nợ, chấn chỉnh quy chế tài chính về quản lý số dư; kiểm tra đôn đốc thường xuyên việc thanh quyết toán ấn chi của các đại lý.

Đa dạng hoá sản phẩm là yêu cầu tất yếu của mỗi DNBH, bởi đây là yêu cầu “sống còn”, vì vậy từng DNBH cần đầu tư nghiên cứu chiến lược phát triển tổng thể của DN, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động kinh doanh BH. Mỗi DNBH phải có trách nhiệm tìn hiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa các cam kết về hội nhập, nhất là những thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của DN, hay từng sản phẩm cụ thể, từ đó định hình ra các chiến lược kinh doanh và có phương án cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực.

Mặt khác, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho khâu nghiên cứu, thiết kế các loại hình sản phẩm BH mới để đáp ứng nhu cầu BH của các ngành kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Ông Hoan gợi ý, hiện tại có một số lĩnh vực hầu như chưa có DNBH quan tâm như: BH thiên tai, nông nghiệp, BH tín dụng và rủi ro tài chính, hoạt động y – dược, hành nghề luật sư…

Mở rộng kênh phân phối thông qua các đối tác truyền thống có hệ thống rộng khắp như: ngân hàng, bưu điện, thông qua đó vừa có thể làm đại lý môi giới chuyên nghiệp, vừa tận dụng dịch vụ thu tiền hộ của ngân hàng, khuyến khích thanh toán qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành BH cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá giá lẫn nhau trên cùng một “sân chơi”, như vậy sẽ gây thiệt hại cho cả người tham gia BH và DNBH./.
Nguồn: VOV News

Comments are closed.