Bảo hiểm y tế tự nguyện tăng vọt

bao_hiem_y_te_tang_vot_resize.jpgChỉ riêng trong năm 2008, số người mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện tại TP.HCM đã tăng hơn gấp đôi tổng số người mua 4 năm trước.

Bỏ quy định phi lý

Trước đây, để tham gia BHYT tự nguyện, điều kiện ràng buộc khiến người dân khó chịu nhất là phải có 100% thành viên trong gia đình tham gia (ngoại trừ những người đã tham gia BHYT bắt buộc) và phải có 10% số hộ gia đình ở phường, xã nơi người đăng ký cư trú tham gia BHYT tự nguyện. Sau khi dư luận lên tiếng, từ đầu năm 2008 các ràng buộc phi lý này bị bãi bỏ. Từ đó, lượng người tham gia BHYT tự nguyện tại TP.HCM đã tăng vọt.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, tính dồn từ 2004 (năm đầu tiên triển khai BHYT tự nguyện) đến cuối năm 2007, tổng cộng có 111.600 người tham gia, thì đến cuối năm 2008, số thẻ BHYT tự nguyện ở TP.HCM đã lên đến 359.000. Như vậy, sau khi bãi bỏ hai quy định trên, số người tham gia BHYT tự nguyện tại TP.HCM là 247.400, cao hơn gấp đôi tổng số người tham gia của 4 năm trước.

Đó là chưa kể số thẻ BHYT tự nguyện mà học sinh – sinh viên tham gia, cộng dồn đến nay là 851.000 thẻ. “Đến nay, tại TP.HCM số người tham gia BHYT tự nguyện và BHYT bắt buộc đã gần ngang nhau, khoảng hơn 1,2 triệu thẻ BHYT tự nguyện và khoảng 1,5 triệu thẻ BHYT bắt buộc”, ông Bùi Đức Tráng, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, nói.

Người dân hưởng lợi

Cũng theo ông Tráng, do số lượng người mua BHYT tự nguyện tăng đột biến, đồng thời đa phần là những người có bệnh, đã dẫn đến bội chi tăng vọt. Cụ thể, chỉ riêng phần BHYT tự nguyện ở người dân (chưa tính học sinh – sinh viên), năm qua đã bội chi đến 237 tỉ đồng, trong khi đó kết dư lĩnh vực BHYT bắt buộc tại TP.HCM năm 2008 chỉ khoảng 11 tỉ đồng. “BHYT hoạt động trên nguyên tắc san sẻ, lấy của người không bệnh chi cho người có bệnh.

Nhưng hầu hết trong thời gian vừa qua những người có bệnh mới đăng ký tham gia mua BHYT tự nguyện. Mức phí mua BHYT chỉ vài trăm ngàn, nhưng giả sử người mua có bệnh suy thận mãn tính phải chạy thận nhân tạo, mỗi năm BHYT vẫn phải chi ra cho họ khoảng 48-50 triệu đồng tiền chạy thận… Vì thế, việc bội chi xảy ra là điều tất nhiên”, ông Tráng lý giải và khẳng định không vì bội chi mà lại “thắt chặt” các quy định mua BHYT tự nguyện của người dân.

Xung quanh quy định người tham gia BHYT tự nguyện chỉ được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở cơ sở y tế tuyến quận, huyện, mà không được chọn lựa một số bệnh viện lớn cũng nằm gần địa phương họ cư trú, ông Tráng giải thích: “Về nguyên tắc, người tham gia BHYT nói chung đều có quyền lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo danh sách mà phía BHXH cung cấp, thường là gần với nơi cư trú, hoặc nơi làm việc của người tham gia.

Nhưng trên thực tế, lâu nay người có thẻ BHYT tự nguyện chỉ được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện quận, huyện nơi họ cư trú, lý do là các bệnh viện tuyến trên trước đó đã tiếp nhận lượng bệnh nhân có BHYT bắt buộc nhiều rồi, không còn khả năng tiếp nhận thêm. Tuy nhiên, khi người bệnh vào bệnh viện quận, huyện, nếu nơi đây không có khả năng, trang thiết bị chữa trị loại bệnh đó thì sẽ được chuyển lên tuyến trên, vẫn hưởng chế độ BHYT bình thường”.

Để tham gia BHYT tự nguyện, người dân mang theo sổ hộ khẩu thường trú (hoặc KT3), CMND đến đăng ký tại UBND phường nơi đang cư trú. Thẻ BHYT tự nguyện được phát hành hằng tháng. Mức phí tham gia BHYT tự nguyện là 320.000 đồng/người/năm (đối với nội thành), và 240.000 đồng/người/năm (đối với ngoại thành).

 

 

Theo Thanh Nien Online

 

Comments are closed.