Sự nhanh chóng đẩy tiến độ, quyết tâm thực hiện chính sách mới về bảo hiểm y tế tự nguyện cũng không “át” được nỗi lo lắng trước nguy cơ vỡ quỹ, thiếu tiền chi trả của những người trong cuộc.
Sau 3 tuần Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trước Quốc hội, tuyên bố sẽ bãi bỏ mọi điều kiện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN), thông tư liên bộ 14 hướng dẫn thực hiện ra đời; cũng sau 2 tuần, ngày 24.12, cơ quan BHXH VN triển khai hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện.
Người khoẻ mạnh có mặn mà với BHYTTN?
Quỹ BHYTTN từ khi ra đời năm 2003 đến nay, không năm nào không bị vỡ quỹ từ 1.000 – 2.000 tỉ đồng, phải bù đắp bằng các quỹ dự phòng khác. Sở dĩ có điều này bởi người mua BHTN hầu hết là người bệnh.
Ông Hoàng Kiến Thiết – Trưởng ban BHYTTN – lo lắng: “Ngay như tỉnh Bắc Ninh, mặc dù người dân đã được hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ, mà họ còn ít mặn mà. Thì giờ đây, trên quy mô cả nước, dù Nhà nước được hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ, nhưng cũng không có gì đảm bảo người dân sẽ tích cực tham gia hơn, nếu không có sự vận động sát sao”.
Do còn phải rà soát danh sách người cận nghèo (dự kiến khoảng 14 triệu người) nên ít nhất phải đến quý III/2008 mới triển khai được và thẻ chỉ có giá trị trong 6 tháng cuối năm, do đó dự kiến Nhà nước bù khoảng 700 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 3 triệu thẻ.
Để nhận được 700 tỉ đồng này, BHXH cũng phải thu được số vốn đối ứng khoảng 700 tỉ đồng và theo ông Hoàng Kiến Thiết, đây không phải là chuyện dễ dàng.
Dự kiến năm 2008, tất cả đối tượng tham gia BHYTTN – trong đó có cả học sinh, sinh viên – sẽ lên tới 13 triệu người, với số tiền thu tương ứng 2.200 tỉ đồng – con số lớn gấp 3 lần so với hiện nay.
Không có quyền đặt ra bất cứ điều kiện gì để khống chế sự lựa chọn ngược, giải pháp được cơ quan BHXH đưa ra là bằng mọi cách duy trì số thẻ “dự phòng” khi ốm đau – tức là số thẻ mà những người khoẻ mạnh đã mua, như ở Thừa Thiên – Huế, Đồng Tháp…
Việc bán thẻ BHYTTN sẽ được thông qua hệ thống đại lý, ít nhất 5 ngày đại lý lên làm thủ tục nếu có người mua. Người dân cố gắng mua theo hộ gia đình, người thứ ba sẽ được giảm 10% mệnh giá thẻ và người thứ tư được giảm 20%. Trong gia đình có học sinh, đưa danh sách mua cho các cháu trước, bởi mức đóng của các cháu thấp hơn”.
Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước mới có 14.000 đại lý bảo hiểm, còn thiếu 8.000 – 10.000 đại lý nữa.
Đối phó với vỡ quỹ
Để có thể đối phó với tình trạng vỡ quỹ, ông Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban giám định – cảnh báo: “Đến giữa năm 2008, việc thiếu quỹ là biết rõ. Những năm qua, trong khi một số tỉnh, TP làm tốt việc giám định chi như Hà Nội, Hải Dương thì nhiều nơi khác là Hà Tây, Phú Thọ, Sóc Trăng, Đắc Lắc đã chi sai hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ. Các chi phí sai thường nằm ở vật tư tiêu hao, thuốc điều trị. Do đó, khi chính sách được nới rộng thì việc giám sát chi phải được tăng cường mạnh”.
Theo thông tư 14, việc thiếu quỹ sẽ do Nhà nước bù, nhưng không nói rõ bù từ nguồn nào, dựa vào đâu. Cơ quan BHXH xác định: Thực hiện BHYTTN là chính sách xã hội, do Nhà nước bảo trợ, BHXH có trách nhiệm thực hiện, còn kết quả thế nào, có bất cập gì sẽ báo cáo các bộ/Chính phủ và Quốc hội.
Do đó, Phó TGĐ BHXH VN Nguyễn Đình Khương đặc biệt lưu ý: “Dù sao, đây cũng là giải pháp tình thế, trong khi chờ đợi Luật Bảo hiểm ra đời, quy định toàn dân tham gia BHYT bắt buộc.
Các cơ quan BHXH tỉnh, TP cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo hàng tháng về số thẻ, chi trả để 2 bộ đã chủ trì thông tư là Y tế – Tài chính và Chính phủ nắm được diễn biến, có biện pháp ứng phó kịp thời. Thậm chí, trong trường hợp chưa có quỹ, thì việc “thiếu hụt kinh phí” phải được chia đều cho các BV, không để tình trạng nơi có – nơi không”.
( Theo Lao động)
Comments are closed.