Bảo hiểm y tế “đẽo cày giữa đường”

bhyttn-deo_cay_giua_duong.jpg Chính sách mới về BHYT tự nguyện chưa qua một tháng, nhưng quỹ khám chữa bệnh dự báo chỉ còn đủ cho nửa năm 2008, nửa năm còn lại không biết lấy gì chi trả

Quỹ bảo hiểm y tế = quỹ “cứu tế”!

 

Chỉ trong bốn năm 2003 – 2007, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện đã thay đổi bốn lần, lần nào cũng bất thành.

 

Trước đây, do quỹ BHYT thâm hụt nghiêm trọng, chủ yếu từ khu vực BHYT tự nguyện nhân dân, nên quy định buộc người mua phải thoả tiêu chí có 10% số hộ gia đình trên địa bàn và 100% thành viên trong hộ tham gia.

 

Cuối năm 2007 bộ Y tế và bộ Tài chính ban hành thông tư 14 bãi bỏ quy định này. Giờ đây thì ai cũng mua dễ dàng, nhưng chỉ có… người già, người bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo tham gia!

 

Theo quy định, để có thẻ BHYT tự nguyện, người dân nội thành bỏ ra 320.000 đồng, ngoại thành 240.000 đồng, nhưng người bệnh mãn tính chỉ cần đi khám một lần là dư sức “lấy lại” số tiền này.

 

Thật vậy, hồi giữa tháng, ông N.P, 84 tuổi, được chuyển từ quận lên một bệnh viện tuyến thành phố. Ông được chụp X-quang, xét nghiệm máu, đo hô hấp ký và cho bốn loại thuốc. Tổng chi phí cận lâm sàng và thuốc men hơn 800.000 đồng, trừ 20% đồng chi trả, ông vẫn lợi hơn 640.000 đồng.

 

Ông Bùi Đức Tráng, phó giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, nói: “Quỹ BHYT hiện nay chẳng khác gì quỹ cứu tế, làm từ thiện, ngày càng xa rời nguyên tắc và ý nghĩa của BHYT”.

 

Nhận xét này thật đúng, vì nguyên tắc BHYT ở các nước trên thế giới là số đông bù cho số ít, người khoẻ lo cho người yếu, nhưng BHYT tự nguyện hiện nay… chỉ có người bệnh mua. Trong năm 2007 mức thu bình quân một thẻ BHYT tự nguyện tại TP.HCM là 139.461 đồng, nhưng chi phí khám chữa bệnh bình quân cho một thẻ lên đến… 1.178.619 đồng.

Vì không đúng kinh tế thị trường

Ông Cao Văn Sang, giám đốc BHXH TP.HCM, khẳng định với cách làm BHYT hiện nay thì rất lâu nước ta mới tiến tới BHYT toàn dân như nhà nước đề ra. Đơn giản vì hiện nay người có thẻ BHYT bị phân biệt đối xử. Thật vậy, theo ông, bác sĩ khám bệnh nhân BHYT một lần được 3.000 đồng, nhưng khám bệnh nhân bình thường được 10.000 – 15.000 đồng, chưa kể lượng bệnh nhân BHYT luôn nhiều hơn bệnh nhân thường.

 

Ông Tráng đề xuất phương án nhà nước giao kinh phí khám chữa bệnh cho một đầu mối quản lý duy nhất là BHXH. Khi đó, bình quân mỗi người dân được nhà nước đầu tư 800.000 đồng/năm, để có thẻ BHYT trị giá 1,1 triệu đồng, mỗi người phải tự nguyện đóng thêm 300.000 đồng.

 

Khi có nguồn quỹ dồi dào, theo ông Tráng, BHXH sẽ hình thành một quan hệ mua bán rạch ròi giữa nhà cung cấp tài chính (BHXH) và nhà cung cấp dịch vụ (cơ sở khám chữa bệnh). Ông Tráng khẳng định: “Khi nào BHYT ở nước ta chưa vận hành đúng nguyên tắc chính thống, thì khi đó chính sách này sẽ còn bị thay đổi xoành xoạch như… đẽo cày giữa đường!”

 

 Bảng thu-chi quỹ Bảo hiểm y tế tự nguyện

(Đơn vị: Tỷ đồng)

Năm

Thu

Chi

Chênh lệch thu chi

2004

0.295

0.327

– 0.032

2005

3.1

30.11

– 27.01

2006

27.215

265.913

– 238.698

2007

33.56

325.98

– 292.42

Tổng cộng

64.17

622.33

-558.16

Theo Phan Sơn (SGTT)

Comments are closed.