Bảo hiểm y tế bắt buộc cho toàn dân – Tại sao không?

ba_huong_resize.jpgTừ đầu năm 2006, Luật BHYT đã được đưa ra để thảo luận, lấy ý kiến xây dựng nhằm đi đến thống nhất. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh Dự thảo luật này. Xung quanh vấn đề này, PV báo ĐS &PL đã có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế).

 
ĐS&PL: Được biết, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế hướng tới thực hiện bắt buộc và cùng chi trả trong khám chữa bệnh. Với hình thức này người dân có được hưởng lợi nhiều hơn, thưa bà?

Bà Tống Thị Song Hương: Theo tôi, thực hiện cùng chi trả là nhằm làm cho người dân thấy được chi phí y tế là tốn kém, từ đó tăng cường biện pháp tự phòng bệnh, gián tiếp làm giảm chi của Quỹ BHYT, đồng thời, tạo cơ chế giám sát sử dụng dịch vụ, thuốc… chống lạm dụng quỹ. Người tham gia BHYT sẽ phải đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm. Thực hiện cùng chi trả sẽ tránh được lạm dụng và hạn chế sự quá tải. Cơ quan quản lý quỹ chính là những người cầm tiền, có trách nhiệm mua BHYT cho người đã đóng tiền, phải nâng cao năng lực quản lý. Khi người dân cùng chi trả trong khám chữa bệnh thì ngành Y tế cũng phải nâng cao chất lượng phục vụ. Có một điều tôi muốn nói, trước đây chúng ta không có quy định về thanh tra trong BHYT nên đã tạo kẽ hở lớn cho một số đơn vị lạm dụng, gây vỡ quỹ. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, một trong những biện pháp đang được sử dụng là tăng cường kiểm tra giám sát và dự thảo mới sẽ đưa ra trình Quốc hội riêng một chương quy định về thanh kiểm tra đối với việc sử dụng quỹ BHYT.

ĐS&PL: Thực tế cho thấy, người giàu rất ít mua BHYT tự nguyện. Phải chăng vì mức phục vụ người dùng thẻ BHYT và người khám dịch vụ tự trả tiền không công bằng?

Bà Tống Thị Song Hương:  Phải thừa nhận rằng, thực tế hiện nay, đối tượng dùng thẻ BHYT đến khám chữa bệnh rất đông nên đã dẫn đến tình trạng quá tải và chờ đợi. Việc thanh toán BHYT lại qua một cơ quan khác nên phải thông qua việc kiểm tra, giám sát, dẫn đến thời gian bị kéo dài ra, điều này cũng làm cho người bệnh không hài lòng. Bộ Y tế đã có những văn bản chỉ đạo các bệnh viện phải cải tiến quy trình khám chữa bệnh, khắc phục bớt phiền hà cho người dân, trong đó có đối tượng dùng thẻ BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang hướng tới việc thẻ BHYT chỉ là khâu cuối cùng trong quá trình khám chữa bệnh. Như vậy sẽ tránh được sự phân biệt, đối xử.

ĐS&PL: Nhiều ý kiến cho rằng, khi đã đóng BHYT thì người bệnh được quyền đến bất cứ bệnh viện nào chứ không phải đến đúng bệnh viện đã được chỉ định hoặc đăng ký mới được khám chữa bệnh như hiện nay. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Tống Thị Song Hương: Tôi đồng tình với quan điểm này. Việc đưa ra thẻ BHYT thuận lợi phù hợp với điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật như hiện nay là cần thiết. Nhưng với tính chất phức tạp đặc thù của BHYT và liên quan đến cơ chế quản lý tài chính hiện nay thì không thể để người dân cầm thẻ đến bệnh viện nào cũng được nhưng trong quy định về chuyển tuyến thì tất cả các trường hợp cấp cứu thì người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào đều được hưởng chế độ. Hiện tại chúng ta vẫn áp dụng hình thức khám, chữa bệnh ở bệnh viện chỉ định.

ĐS&PL: Nhiều ý kiến cho rằng, BHYT có hai đầu vào quan trọng: đồng chia sẻ ít, người không bệnh chia sẻ người có bệnh. Thực hiện BHYT toàn dân sớm chừng nào tốt chừng ấy và nên phân nhiều mức đóng ở nhiều đối tượng khác nhau. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Tống Thị Song Hương: Một trong những quan điểm khi xây dựng dự Luật BHYT là nhằm thực hiện công bằng và nhân đạo trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bảo hiểm toàn dân là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới. Theo lộ trình đề ra thì đến năm 2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân. Mức đóng BHYT tối đa bằng 6% tiền lương, tiền công và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng cho phù hợp của từng đối tượng cho từng giai đoạn. Đối tượng tham gia BHYT lần này sẽ phải tham gia theo hình thức bắt buộc và theo lộ trình. Nghĩa là vẫn có 24 nhóm đối tượng chưa cần tham gia bắt buộc (thương bệnh binh, người nghèo, người dân tộc thiểu số….).

Để tiến tới bảo hiểm toàn dân, dự thảo luật BHYT sẽ lại tiếp tục sửa đổi một số nội dung về quy định quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó có vấn đề cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Quy định cụ thể trách nhiệm các đơn vị tham gia vận hành BHYT (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND các cấp…); Thực hiện cùng chi trả phí khám chữa bệnh; Về mức đóng BHYT, nếu trước đây quy định cụ thể có tính nguyên tắc thì nay chỉ quy định mức trần tối đa (6% lương cơ bản). Rồi tùy từng thời điểm và nhóm đối tượng, Chính phủ sẽ quy định mức đóng (có thể 5% sau có thể tăng hoặc giảm. Ví như những đối tượng được ngân sách hỗ trợ như thương binh chỉ phải đóng 3%…); Thành lập Hội đồng BHYT (trước đây chỉ có Hội đồng BHXH), trong đó quan trọng nhất là chủ tịch hội, người phải có am hiểu về chuyên môn và xã hội. Từ đó có những phương án vận hành Hệ thống quản lý quỹ sao cho nó hoạt động một cách hiệu quả, ít tốn kém nhất; Quy định trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT và một số nội dung khác. Tất cả những sửa đổi này đều nhằm đến mục đích chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tốt hơn.

ĐS&PL: Xin cảm ơn bà!

Ngân Giang (Thực hiện)

Theo Báo Pháp Luật Và Đời Sống Online

Comments are closed.