Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 3-3-2009 đăng bài “Quên mang giấy bảo hiểm khi lái xe sẽ bị phạt”, nhiều bạn đọc gửi thư, gọi điện đến tòa soạn thắc mắc nhiều vấn đề liên quan. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng họ chưa thấy được lợi ích từ việc mua bảo hiểm. Ông Phạm Đình Trọng – phó cục trưởng Cục Quản lý – giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) – trả lời:
– Khi không may xảy ra tai nạn giao thông, chủ xe phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn do xe gây ra (người thứ ba) cả về tính mạng và tài sản của họ, đồng thời có thể bồi thường cho cả hành khách ngồi trên xe (nếu có thiệt hại).
Nếu chủ xe không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe thì họ phải tự lo kinh phí để chi trả các khoản này, và có thể họ không chi trả được nếu vượt quá năng lực tài chính của họ, dẫn đến gây khó khăn cho cả chủ xe và người bị thiệt hại.
Trường hợp chủ xe mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) sẽ bồi thường các khoản trên.
* Người dân có thể mua bảo hiểm ở đâu, bằng những hình thức nào, thưa ông?
– Chủ xe có thể mua bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hoặc tại mạng lưới các phòng giao dịch, địa điểm bán bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm do các công ty này tổ chức. Hiện tại ở VN đã có 27 công ty bảo hiểm phi nhân thọ cùng khoảng 350 công ty trực thuộc, chi nhánh. Khi bán bảo hiểm, DNBH phải giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của DNBH, của người tham gia bảo hiểm.
* Một số người mua bảo hiểm cho phương tiện rồi có phải mua thêm bảo hiểm TNDS của chủ xe hay không? Ngoài bảo hiểm bắt buộc, người dân có thể mua những loại hình bảo hiểm tự nguyện nào cho phương tiện?
– Nếu chủ xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định trước đây (nghị định 115/1997 và quyết định 23/2007) thì nay phải mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định mới khi giấy chứng nhận bảo hiểm cũ hết hiệu lực. Trường hợp chủ xe chỉ mới tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện thì phải tham gia thêm bảo hiểm bắt buộc TNDS.
Ngoài bảo hiểm bắt buộc, chủ xe có thể mua những loại hình bảo hiểm tự nguyện như: bảo hiểm tự nguyện TNDS, bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe, bảo hiểm vật chất xe…
* Thủ tục làm hồ sơ bồi thường khi xảy ra tai nạn như thế nào?
– Nghị định 103 và thông tư 126/2009 của Bộ Tài chính đều quy định chi tiết các loại tài liệu chủ xe phải cung cấp, các loại tài liệu DNBH chịu trách nhiệm thu thập, những loại tài liệu liên quan đến vụ tai nạn mà cơ quan công an có trách nhiệm cung cấp cho DNBH khi tai nạn xảy ra để hình thành hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
Cụ thể như chủ xe cần phải có bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu), giấy chứng nhận bảo hiểm… Còn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn do cơ quan công an cung cấp thì DNBH có trách nhiệm thu thập và là đầu mối hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn để việc bồi thường được nhanh chóng, chính xác.
* Nghị định 103 quy định khi xảy ra tai nạn chủ xe phải thông báo ngay cho DNBH đến giải quyết. Trường hợp nhân viên bảo hiểm không đến hoặc đến muộn thì sao?
– Trách nhiệm của chủ xe là phải thông báo ngay cho DNBH để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn; đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất. Trường hợp nhân viên bảo hiểm không đến kịp hoặc không có mặt thì DNBH phải căn cứ vào biên bản xử lý tai nạn của cơ quan công an, hoặc biên bản xác nhận của chính quyền địa phương và các tài liệu khác có liên quan vụ tai nạn để lập hồ sơ giải quyết bồi thường.
* Nhiều người dân cho biết khi xảy ra tai nạn nhỏ, CSGT không có mặt ở hiện trường. Như vậy căn cứ vào đâu để làm thủ tục bồi thường bảo hiểm?
– Trường hợp tai nạn nhỏ không có biên bản của cơ quan công an thì DNBH có thể căn cứ vào các tài liệu khác liên quan đến vụ tai nạn (như: khai báo tai nạn của chủ xe , xác nhận của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn, xác nhận của người làm chứng về vụ tai nạn…), hoặc thông qua công tác giám định nghiệp vụ của DNBH để làm căn cứ lập hồ sơ bồi thường.
* Hiện nay người dân vẫn còn tâm lý mua bảo hiểm bắt buộc để tránh bị phạt chứ chưa tự giác mua vì thấy thủ tục bồi thường quá khó khăn, rắc rối. Tình trạng này do đâu, làm sao để thay đổi?
– Nhận thức của người dân về ý nghĩa của loại hình bảo hiểm bắt buộc này chưa cao. Bên cạnh đó, các thủ tục giải quyết bồi thường của một số DNBH còn phức tạp, gây phiền hà chủ xe, phần nào làm mất lòng tin đối với người tham gia bảo hiểm. Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các DNBH nhằm đảm bảo các doanh nghiệp nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về bán và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
* Người mua bảo hiểm được hưởng bồi thường như thế nào, trường hợp nào không được bồi thường? DNBH sẽ chi trả cho chủ xe hay người bị nạn?
– Theo quy định tại nghị định 103, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, DNBH phải bồi thường cho chủ xe số tiền mà chủ xe đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, DNBH bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại. Trường hợp cần thiết, DNBH phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.
DNBH không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện TNDS của chủ xe, lái xe; lái xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe bắt buộc phải có giấy phép lái xe; thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; chiến tranh, khủng bố, động đất; thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Theo Tuoi Tre Online
Comments are closed.