Bảo hiểm xây dựng có phải là bảo hiểm bắt buộc không?

bao_hiem_xay_dung_resize.jpgSau gần 2 năm thực hiện các Cam kết WTO, các quy định về mở cửa thị truờng bảo hiểm được thực hiện gần như toàn diện, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam đã được xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hiệu quả trong những năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay bên cạnh Luật Kinh doanh Bảo hiểm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì tồn tại hàng loạt các quy định pháp luật khác cũng tham gia vào việc điều chính trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, trước hết phải kể đến các quy định pháp luật về bảo hiểm xây dựng, đấu thầu bảo hiểm… Do vậy không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp đang thắc mắc, lúng túng trong việc lựa chọn các quy định pháp luật để áp dụng.

Bảo hiểm xây dựng có phải là bảo hiểm bắt buộc không?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì: Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Theo đó, bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

                Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;

                Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

                Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

                Bảo hiểm cháy, nổ.

Nhằm cụ thể hóa hơn nữa các quy định này, ngày 19 tháng 11 năm 2008, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 13994/BTC-BH về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Theo đó, căn cứ vào Luật Kinh doanh Bảo hiểm ngày 9/12/2001 và Luật Xây dựng ngày 26/11/2003 thì bảo hiểm xây dựng không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành Quy tắc, Biểu phí bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Việc mua bán bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được thực hiện như đối với loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.

Bên cạnh đó, Công văn 13994/BTC-BH cũng nhấn mạnh: Các đối tượng có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng phải tiến hành mua bảo hiểm trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cung cấp dịch vụ qua biên giới theo cam kết WTO của Việt Nam. Theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 45/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được quyền chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của loại hình bảo hiểm xây dựng như các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.

Văn bản điều chỉnh bảo hiểm xây dựng còn hiệu lực áp dụng?

Như đã đề cập ở trên, bảo hiểm xây dựng được quy định và điều chỉnh bởi hai nhóm quy phạm pháp luật: Nhóm quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và nhóm quy phạm pháp luật về xây dựng, nhưng quan trọng nhất vẫn là Luật Kinh doanh Bảo hiểm ngày 9/12/2001 và Luật Xây dựng ngày 26/11/2003.

 

Để tránh việc các doanh nghiệp áp dụng các văn bản pháp luật về bảo hiểm xây dựng đã hết hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành Công văn 5881/BTC-BH ngày 7 tháng 5 năm 2007 liệt kê cụ thể các văn bản pháp luật về bảo hiểm trong xây dựng đã hết hiệu lưc thi hành gồm: Thông tư 76/2006/TT-BTC ngày 4 tháng 8 năm 2003 hướng dẫn về bảo hiểm trong đầu tư và xây dựng; Quyết định 14/2004/QĐ-BTC ngày 16 tháng 1 năm 2004 về ban hành Quy tắc, Biểu phí bảo hiểm bồi thường cho người lao động trong doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt; Quyết định 33/2004/QĐ-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2004 về việc ban hành Quy tắc, Biểu phí bảo hiểm xây dựng, lắp đặt.

 

Nếu bạn đọc có thắc mắc gì liên quan tới việc áp dụng các quy định pháp luật về bảo hiểm xây dựng hoặc cập nhật các văn bản liên quan đến các vấn đề trên, xin hay gửi thư theo địa chỉ: nguyenbahuy2003@yahoo.com hoặc webbaohiem để được giải đáp./.

 

  Nguyễn Huy Bá – Chuyên gia pháp lý về Bảo hiểm

  Webbaohiem.net

 

 

 

Comments are closed.