Theo thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), hiện mới có 1/3 công ty kiểm toán (CTKT) có quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp, 12 công ty mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Trong số CTKT mua bảo hiểm, không có DN trong nước, mà 100% là DN có vốn nước ngoài hoặc DN trong nước là thành viên của các hãng kiểm toán nước ngoài. So với hơn 140 CTKT đang hoạt động, con số nêu trên quả thực ít ỏi.
Trích lập dự phòng 0,5 – 1% doanh thu
Năm 2008, một số CTKT bị xử phạt hành chính liên quan đến sai sót trong quá trình kiểm toán DN. Một số công ty bị đưa ra khỏi danh sách CTKT được chấp thuận để kiểm toán DN niêm yết… Rõ ràng, dịch vụ kiểm toán đòi hỏi trách nhiệm cao của CTKT, đi cùng với đó là những rủi ro có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh TTCK Việt Nam ngày càng phát triển về quy mô.
Theo Thông tư số 64/2004/TT-BTC, CTKT phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán hoặc lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại do lỗi của CTKT gây ra cho khách hàng và người sử dụng kết quả kiểm toán. Chi phí mua bảo hiểm được tính vào chi phí kinh doanh theo chi phí thực tế mua bảo hiểm. Trường hợp CTKT không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì phải lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp tính vào chi phí kinh doanh với mức trích hàng năm từ 0,5% đến 1% doanh thu dịch vụ kiểm toán (doanh thu không có thuế VAT) tuỳ theo khả năng tài chính của DN.
Khi phải bồi thường thiệt hại do lỗi của CTKT gây ra cho khách hàng và người sử dụng kết quả kiểm toán thì CTKT được DN bảo hiểm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã cam kết hoặc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để bồi thường thiệt hại. Trường hợp số tiền phải chi trả bồi thường lớn hơn số bồi thường của DN bảo hiểm hoặc lớn hơn số dư tồn quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp thì số chênh lệch lớn hơn được tính vào chi phí kinh doanh hoặc trừ vào vốn kinh doanh sau khi trừ số thu bồi thường của đơn vị, cá nhân gây ra (nếu có) theo quy định của pháp luật. Khi quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp có số dư cuối năm tài chính tương đương 10% doanh thu dịch vụ kiểm toán trong năm tài chính thì không tiếp tục trích quỹ dự phòng nữa.
Muốn mua bảo hiểm cũng khó
Trên thực tế, việc không mặn mà với mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có nguyên nhân từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Đến nay, chưa có DN bảo hiểm trong nước nào triển khai dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CTKT. Ngay cả những DN có quy mô lớn về vốn và nhân lực như Bảo Việt, Bảo hiểm Dầu khí… cũng chưa triển khai dịch vụ này.
Giám đốc một công ty bảo hiểm cho biết, bên cạnh năng lực cán bộ, những quy định về pháp lý xung quanh dịch vụ này còn thiếu khiến dịch vụ chưa đầy đủ. Hiện nay, chưa có DN bảo hiểm nào thực hiện dịch vụ bảo hiểm rủi ro tài chính theo đúng nghĩa. Mặt khác, rủi ro trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán là một lĩnh vực đặc thù, khó định lượng được rủi ro và bồi thường nên các DN bảo hiểm không mặn mà.
Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cho rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán là cần thiết. Chẳng hạn, khi rủi ro nghề nghiệp do khách quan gây ra, bị cơ quan quản lý xử phạt thì có nguồn để bù đắp. Tuy nhiên, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CTKT là lĩnh vực rất mới mẻ, nên các DN bảo hiểm trong nước chưa triển khai dịch vụ này. Về phía CTKT, trong khi chưa mua bảo hiểm đã thực hiện trích lập quỹ dự phòng nên cũng có nguồn bù đắp nếu xảy ra rủi ro.
Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký VACPA cho biết, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập dự phòng cho thấy CTKT xác định mục tiêu hoạt động an toàn, bền vững. Ông Mai khuyến cáo DN niêm yết nên lựa chọn CTKT đã mua bảo hiểm hoặc có quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp. Điều này có lợi cho DN niêm yết, bởi nếu xảy ra những vấn đề mang tính tranh chấp pháp lý khi bị tòa xử sẽ có nguồn để bù đắp. Chính yêu cầu của các DN niêm yết với tư cách là khách hàng sẽ là sức ép buộc các CTKT phải thực hiện nghiêm quy định về mua bảo hiểm và lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.
Theo Báo Điện Tử Người Lãnh Đạo
Comments are closed.