Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Cần sớm có một khung pháp lý phù hợp

bhtg_resize.pngBảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một định chế tài chính đặc thù trong hệ thống tài chính ngân hàng. Việc hình thành và áp dụng vào thực tế định chế này không những góp phần tích cực trong việc nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính quốc gia, mà còn là một trong những biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng.

Nhận thức về vai trò quan trọng của định chế tài chính này, ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập BHTG Việt Nam. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000, sau hơn 8 năm, với vai trò của một tổ chức giám sát tài chính theo phương thức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng, BHTG Việt Nam có trụ sở chính và 6 chi nhánh tại các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Bằng những kiểm nghiệm thực tế, chính sách BHTG trong thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò, sự cần thiết của một định chế tài chính quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và mạng an toàn tài chính quốc gia nói riêng.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động tài chính ngân hàng; Trong đó, việc tạo ra hành lang chung cũng như những quy định của pháp luật về hệ thống các cơ quan giám sát, hoạt động BHTG đang là nhiệm vụ hàng đầu. TS. Nguyễn Như Minh – Phó Tổng giám đốc BHTG Việt Nam cho rằng: “Bất kể tổ chức tài chính, doanh nghiệp nào cũng đều cần có sự phát triển bền vững. Đối với BHTG thì vấn đề này lại càng cần thiết bởi nó còn góp phần tạo ra môi trường an toàn cho các tổ chức tín dụng, bảo vệ người tiêu dùng, làm cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh. Do vậy, tạo cơ sở pháp lý vững chức cho hoạt động BHTG là vô cùng cần thiết”.

Thời gian qua, Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 và Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ đã phát huy tác dụng tốt, góp phần cơ bản định hướng cho hoạt động BHTG ở nước ta. Tuy nhiên, liên quan đến định chế tài chính đặc thù này, bên cạnh mô hình tổ chức, còn là đối tượng BHTG, phí BHTG, hoạt động nghiệp vụ của tổ chức BHTG… Do đó, để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tạo ra sự đồng bộ trong sự phát triển hoạt động BHTG trong thời gian tới, dự thảo Luật BHTG đã và đang được xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào đầu năm 2009 để thông qua vào cuối năm 2009. Đây được coi là bước tiến mới, nhằm xác định rõ hơn vai trò, hoạt động BHTG với những nội dung điều chỉnh mới, là khung pháp lý quan trọng để hoạt động BHTG phát triển, đáp ứng được yêu cầu là một tổ chức tài chính đặc biệt, hậu thuẫn cho các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn và bền vững./.

Theo TinNhanh.com


Comments are closed.