Bảo hiểm tiền gửi: Bảo an thể chế tài chính

Dư chấn của “bão tài chính” dường như vẫn ảnh hưởng sâu rộng ở Mỹ, khi mà cứ vài ngày hoặc vài tuần báo chí lại đưa tin vài ngân hàng Mỹ bị phá sản, đóng cửa. Nhưng hầu như không thấy bất cứ thông tin nào về tình trạng người gửi tiền đổ xô đi rút tiền như từng xảy ra trước kia…

Duy trì niềm tin của người gửi tiền

Theo Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), số lượng ngân hàng ở nước này bị đóng cửa tiếp tục tăng mạnh.
Tính đến ngày 31/7/2009, các nhà chức trách đã đóng cửa thêm 5 ngân hàng tại các bang Oklahoma, Florida, Ohio, Illinois và New Jersey, nâng tổng số ngân hàng ở nước này bị sụp đổ từ đầu năm đến nay lên tới 69, gần gấp ba lần con số của cả năm 2008.

FDIC cho biết, các ngân hàng vừa bị đóng cửa nói trên đã hoạt động thua lỗ trong thời gian dài vì nhiều khách hàng vay tiền là người dân và các công ty phát triển nhà tại địa phương không có khả năng trả nợ.

Vụ sụp đổ mới nhất của 5 ngân hàng tiêu tốn của FDIC khoảng 911,7 triệu USD, nâng tổng số tiền bảo hiểm mà cơ quan này phải trả từ đầu năm đến nay lên tới 15,13 tỷ USD (Năm 2008, FDIC phải trả cho 25 ngân hàng phá sản số tiền bảo hiểm là 17,6 tỷ USD).

Người phát ngôn của FDIC cho biết, FDIC đã dự trù phải trích thêm từ quỹ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) khoảng 22 tỷ USD nữa để chi trả cho các ngân hàng phải đóng cửa trong thời gian còn lại của năm 2009.

Điều đáng nói là mặc dù cứ vài ngày, người ta lại thấy báo chí đưa tin vài ngân hàng Mỹ phá sản, nhưng tuyệt nhiên không thấy tình trạng đổ xô đi rút tiền. Phải chăng người dân Mỹ đã “quen” với việc các ngân hàng “chết hàng loạt”?

Sở dĩ người dân Mỹ có thể hoàn toàn bình tĩnh và yên tâm với những khoản tiền gửi của mình vì quyền lợi của họ tại các ngân hàng này luôn được Chính phủ cam kết bảo vệ một cách triệt để.

Đó là việc nâng hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho mọi đối tượng tiền gửi lên 250.000 USD trên mỗi tài khoản nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng tài chính.

Đồng thời, các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền, mà cụ thể là FDIC đã vào cuộc kịp thời với những công cụ và biện pháp chuyên nghiệp để xử lý đổ vỡ, giữ cho thị trường tài chính được bình ổn.

FDIC (là tổ chức BHTG ra đời sớm nhất trên thế giới và hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro) đã tiến hành tiếp nhận xử lý đổ vỡ theo nguyên tắc chi phí thấp nhất – chi trả nhanh nhất – bán lại tài sản với giá cao nhất bằng hai hình thức tiếp nhận xử lý thường được áp dụng

Ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền ra lệnh đóng cửa ngân hàng, FDIC tiến hành soạn thảo hợp đồng mua bán và sang nhượng cho ngân hàng thứ ba. Ngân hàng này sẽ tiếp quản các khoản tiền gửi và một phần hoặc toàn bộ tài sản của ngân hàng đổ vỡ. Công tác chuyển giao được thực hiện trong hai ngày cuối tuần. Đến ngày thứ hai tuần kế tiếp, toàn bộ tiền gửi được giao dịch bình thường tại ngân hàng tiếp nhận.

Trong trường hợp chưa có ngân hàng nào đứng ra mua lại, FDIC sẽ sử dụng nghiệp vụ ngân hàng bắc cầu để tái cơ cấu và quản lý ngân hàng đổ vỡ dưới tên gọi mới cho đến khi có ngân hàng mua lại. Chưa hết, người gửi tiền còn được hỗ trợ, tư vấn và thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường tiền gửi thông qua các sáng kiến truyền thông của FDIC.

Khi thị trường tài chính thế giới đầy biến động với nhiều ngân hàng gặp khó khăn và đổ vỡ thời gian qua, tổ chức BHTG là một trong những công cụ đắc dụng được Chính phủ nhiều nước triển khai (nâng hạn mức chi trả; thực hiện hiệu quả nghiệp vụ tiếp nhận xử lý với ưu tiên số một là bảo vệ người gửi tiền v.v…), bởi vậy, niềm tin nơi công chúng nhanh chóng phục hồi.

Giới quan sát ghi nhận, cơn khủng hoảng tài chính ở Mỹ và toàn thế giới nói chung đã tạm lắng dịu. Mới ngày nào, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ theo nhau vỡ nợ, thế mà mới đây, 4 “đại gia” ngân hàng có vị thế nhất ở Mỹ công bố kết quả kinh doanh của quý II/2009 với số lãi khả quan.

Sau hai tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs và J.P. Morgan Chase, đến lượt Citi Group và Bank of America cũng niêm yết số lãi từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2009.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Cải tổ, củng cố lại hệ thống tài chính là việc cả thế giới đang làm và Mỹ đang đi tiên phong trong nỗ lực này nhằm đảm bảo cho một thị trường tài chính bớt rủi ro hơn và tránh được các cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống như cuộc khủng hoảng mà cả thế giới đang trải qua.

Trong 5 nội dung chính của kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính Mỹ, Chính phủ nước này nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh giám sát các định chế tài chính; bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư (trong đó có người gửi tiền) với việc thành lập cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng để giám sát và yêu cầu các đơn vị cho vay phải cung cấp các sản phẩm tín dụng minh bạch và dễ hiểu đối với người tiêu dùng; trang bị cho Chính phủ các công cụ cần thiết để chống khủng hoảng, trong đó trao cho FDIC quyền kiểm soát tất cả các ngân hàng đang sắp phá sản.

Đây là “điểm nhấn” nhằm khắc phục sự lúng túng của Chính phủ Mỹ trước sự kiện các định chế tài chính lớn như Lehman Brothers chuẩn bị sụp đổ từng xảy ra trước đây.

Thị trường tài chính ngày càng liên thông giữa các nước, điều này đồng nghĩa với việc bất ổn, rủi ro ở bất cứ nơi nào cũng tác động mạnh đến phần còn lại của thế giới. Riêng đối với Việt Nam – một thị trường mới nổi – theo sát các bước đi trong việc tái cấu trúc hệ thống tài chính của các nước để học hỏi và hoàn thiện cơ chế giám sát thị trường tài chính trong nước chính là nắm bắt cơ hội cải cách trong khủng hoảng.

Có thể khẳng định rằng, trong thời kỳ khủng hoảng, công cụ BHTG đã phát huy rõ rệt vai trò an dân và khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Ở Việt Nam, để thúc đẩy thu hút tiền gửi vào hệ thống các tổ chức tín dụng, phục vụ mục tiêu kích cầu nền kinh tế và duy trì lòng tin công chúng, ngăn ngừa tình trạng hoảng loạn khi có đổ vỡ cần khẩn trương nghiên cứu nâng hạn mức bảo hiểm.

Tính đến hết năm 2008, BHTG Việt Nam đã chi trả cho người gửi tiền tại gần 40 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động chi trả thời gian qua mới chỉ dừng ở việc xử lý các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ.

Hạn mức chi trả 50 triệu đồng được áp dụng từ năm 2005 nay cũng không còn phù hợp khi mà thu nhập bình quân đầu người ở nước ta năm sau cao hơn năm trước, cộng với tốc độ trượt giá và giá trị các khoản tiền gửi của người dân cũng tăng theo mức sống.

Mặt khác, Chính phủ cần có phương án bổ sung vốn hoạt động cho tổ chức BHTG. Tỷ lệ nguồn vốn, quỹ BHTG/ tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia (Tỷ lệ này ở các nước thường là 2,5% – 5%, trong khi ở Việt Nam mới xấp xỉ 1%).

Nói như TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: “Thời nay không có vốn lớn không thể bảo hiểm cho các định chế tài chính”. Trong các hoạt động nghiệp vụ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng đồng bộ 3 đề án: Tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ đặt biệt; Hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro; Tiếp nhận xử lý các tổ chức tham gia BHTG.

Nếu được áp dụng vào thực tế trong bối cảnh hiện nay, các đề án trên sẽ nâng tầm hoạt động phòng tránh rủi ro, ngăn ngừa và xử lý đổ vỡ, bảo vệ triệt để người gửi tiền.

Đã và đang chịu tác động nhất định của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vừa phải “nhấn ga” để kích thích sản xuất, chống suy giảm kinh tế, vừa phải “đạp phanh” để ổn định kinh tế vĩ mô, cảnh giác trước khả năng lạm phát có thể tái diễn.

Vì thế, nhanh chóng đổi mới các quy định về BHTG không chỉ bảo vệ tốt hơn người gửi tiền mà còn góp phần ổn định thị trường tài chính, vực dậy nền kinh tế để tiếp tục con đường tăng trưởng bền vững, giống như “phòng bệnh” thay vì khủng hoảng xảy ra rồi mới thực hiện cải cách ở một số nước.

Mai Hương

 

Nguồn Vietnamnet

Comments are closed.