Bảo hiểm thất nghiệp: Vẫn còn tranh cãi

bao_hiem_that_nghiep.jpg“Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật”.

Đây là một số nội dung chính của dự thảo Nghị định Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm thất nghiệp mà Bộ LĐTBXH đang trình Chính phủ. ó thể nhận thấy rằng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mới nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do thất nghiệp. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm lấy ý kiến DN về dự thảo này do VCCI phối hợp với Bộ LĐTB và XH tổ chức ngày 30/10/2007, khi đại diện các DN và các chủ sử dụng lao động “mổ xẻ” dự thảo mới thấy rằng xung quanh dự thảo này vẫn còn nhiều ý kiến.

Theo nghị định này thì điều kiện để người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. 

Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề thông qua việc bố trí của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tham gia một khoá học nghề phù hợp. Bên cạnh đó, họ được hỗ trợ tìm việc làm, được tổ chức bảo hiểm thất nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Dự thảo nghị định cũng quy định những trường hợp không được cấp bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải; Bị kết án tù giam theo quyết định của Toà án; Chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Toà án.

Khó thực hiện cấp sổ lao động

Luật sư Nguyễn An Bình – Luật sư đại diện cho Cty Sumimoto (Nhật Bản) cho rằng quy định về Sổ lao động rất khó thực thi. Mỗi tháng Sở LĐTBXH chỉ cấp được khoảng 200 sổ. Câu hỏi được đặt ra là khi thực hiện bảo hiểm thất nghiệp việc cấp sổ lao động có được đáp ứng ngay không? Sổ lao động: Đây là một vấn đề rất khó khăn khi thực hiện.Vì trong Luật LĐ đã có quy định nhưng hầu như các DN chưa thực hiện vì vậy vấn đề này rất khó thực hiện. Cho vào quy định trong luật này để áp dụng lại cho các DN.

Đồng tình với quan điểm này của Luật sư Bình, ông Vũ Thiên Hựu – Chủ tịch Hiệp hội bánh đậu xanh Hải Dương cho rằng rất khó thực hiện việc làm sổ lao động bởi những hợp đồng lao động (HĐLĐ) 3 tháng các DN chưa biết xử lý thế nào. Các DN ở địa phương không được hướng dẫn cụ thể với những trường hợp ký HĐLĐ từ 3 tháng trở xuống, bởi theo ông Hựu đa số người lao động làm việc tại các DN đậu xanh đều làm theo mùa vụ nên rất khó kiểm soát. Tuy quy định này là 1 năm nhưng cũng sẽ rất khó thực hiện vì đây là những công việc mang tính ngắn hạn nên sẽ rất khó để xác định HĐLĐ này là 1 năm liên tục hay cộng dồn trong vòng 1 năm.
 
Thực tế là người sử dụng lao động và người lao động đều không muốn ký một loại HĐLĐ nào có xác định thời hạn, làm thế nào để linh hoạt cho cả hai bên. Vì vậy nếu lấy HĐLĐ để xác định đóng BH thất nghiệp là rất khó khăn cho DN Bà Nguyễn Thị Xuyên đại diện cho một số DN tư nhân ở Hà Tây cho rằng có khó khăn trong việc quản lý lao động nếu như áp dụng chính sách về chốt sổ lao động và sổ BHXH. DN sẽ phải có thêm chi phí để quản lý, thực hiện chính sách trên. Sẽ có nhiều khó khăn cho cán bộ theo dõi vì các cơ quan về BHXH thực hiện vẫn còn chậm chạp. Các DN tư nhân rất muốn ổn định để làm việc nhưng cả người lao động và người sử dụng lao động rất ngại khi phải tham gia BHXH vì những chính sách, quy định rất phức tạp. Bản thân người lao động cũng không thực sự muốn tham gia BHXH vì họ phải trích nộp từ tiền lương của họ.

Theo bà Xuyên, Ban Soạn thảo nghị định nên xem xét quy định đóng cùng một hệ thống BHXH hay lại phải nộp riêng cho một cơ quan BHTN khác. Bên cạnh đó, về mức đóng cũng cần phải xác định rõ mức đóng, nếu cứ quy định là lương theo HĐLĐ thì rất khó vì tại một số DN, HĐLĐ lại ghi lương tính theo sản phẩm.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng theo quy định của Bộ Luật Lao động thì người lao động bắt buộc phải có sổ lao động và người sử dụng lao động cũng bắt buộc phải cấp sổ lao động cho người lao động. Nếu như không cấp cho người lao động sổ này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn. chẳng hạn như việc tính chế độ, xác nhận thời gian làm việc cho người lao động. Hiện nay tại một số DN lớn đều phải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về pháp luật lao động trong đó có quy định về cấp sổ lao động. Thực tế là đã có rất nhiều địa phương, Sở LĐTBXH phối hợp tốt với các DN để cấp sổ cho người lao động. Sự luân chuyển lao động: Cũng là một trong những vấn đề rất lớn của các DN. Tuy nhiên BLĐ đang cố gắng tìm cách để làm thế nào quản lý được số lao động này.

Nên bỏ quy định trợ cấp thôi việc

Theo các DN, nếu thực hiện BHTN và bỏ đi quy định về trợ cấp mất việc làm thì sẽ rất tốt, và có lợi cho cả người lao động và DN. Từ trước đến nay DN gặp rất nhiều khó khăn, gây ra tranh chấp lao động trong quá trình thực hiện trợ cấp thôi việc. Một thực tế của chính sách này là nếu người lao động càng di chuyển nhiều DN thì lại càng được thêm chế độ về trợ cấp này. Chính sách BHTN này là phù hợp, chính xác, trả đúng người, đúng việc cho những lao động không may bị thất nghiệp. Nếu có sự điều chỉnh và quy định chặt chẽ sẽ có tác động tốt về mặt XH. Nếu như thực hiện được chính sách này thì DN cũng đỡ tốn một khoản quỹ phải lưu lại tại DN.

Một vấn đề nữa được nhiều DN trao đổi xung quanh nghị định là theo quy định của nghị định này, số lượng lao động phải tham gia BHTN trong một DN phải có tối thiểu từ 10 lao động trở lên. Theo nhiều DN, vấn đề chênh lệch về lao động là rất lớn, từ lao động giản đơn cho đến lai động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nếu để số lương này sẽ rất bất hợp lý bởi có những DN chỉ dưới 10 lao động nhưng lại có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho XH thì lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo. Bên cạnh đó lại có những DN rất đông lao động nhưng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nếu phải đóng BHTN cũng rất khó khăn.

 

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Comments are closed.