
Khi chưa có số liệu chính xác, cũng như chưa thấy bức tranh ở từng khu vực, việc thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động mất việc sẽ gặp những cản trở rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thái kinh tế toàn cầu hiện nay rất cần cơ chế phối hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, ông Lê Bạch Hồng – Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ -CP ngày 12.12.2008, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2009), mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản số 18/BHXH-BT ngày 7.1.2009 hướng dẫn tạm thời việc thu bảo hiểm thất nghiệp làm cơ sở để bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện thu theo đúng quy định từ tháng 1.2009. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã xây dựng chương trình công nghệ thông tin để quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và nay đang xúc tiến xây dựng quy trình chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện chi trả cho người lao động có đủ điều kiện.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được Chính phủ đề ra kịp thời nhằm hỗ trợ rủi ro cho người lao động, nhưng để chính sách này đạt hiệu quả lại không dễ dàng. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Lê Bạch Hồng: Quyết định 30/QĐ -TTg và Nghị định 127/NĐ -CP là chủ trương, chính sách lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với người lao động. Tuy nhiên, khi triển khai tại các địa phương còn gặp những bất cập, phát sinh cần được bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp được lùi thời hạn thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 6 này. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, theo tôi cần phải có quy trình thực hiện từng chế độ cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong việc tổ chức thực hiện. Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định cơ quan lao động chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; BHXHVN chịu trách nhiệm thu và chi trả các chế độ; các trung tâm giới thiệu việc làm; cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề cho người thất nghiệp. Như vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan có vai trò hết sức quan trọng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chính sách này.
PV: Theo quy định, người lao động sẽ phải đóng 1% tiền lương cho bảo hiểm thất nghiệp, nhưng thực tế người lao động cũng chẳng biết khi nào mình thất nghiệp. Trong lúc khó khăn này, tiền vẫn đóng, liệu sau này có nhận được trợ cấp hay không, thưa ông?
Ông Lê Bạch Hồng: Theo quy định, nguồn hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp là người lao động đóng 1% tiền lương, doanh nghiệp đóng 1% quỹ tiền lương và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1%, cộng với tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác. Theo đó, người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội có việc làm trong thời gian sớm nhất. Nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của mình khi bị mất việc, người lao động sẽ hưởng ứng tích cực chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Về phía người sử dụng lao động, khi đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bớt đi gánh nặng chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc nên cũng được họ đồng tình, ủng hộ. Hơn nữa, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là quy định bắt buộc nên các đơn vị sử dụng lao động sẽ phải thực hiện nghiêm túc.
PV: Vậy khi thực hiện chính sách này có “làm khó” ngành bảo hiểm trong việc quản lý đối tượng và thu bảo hiểm thất nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Bạch Hồng: Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đồng thời là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, vì thế việc xác định, quản lý đối tượng sẽ không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ phần nào làm tăng thêm gánh nặng về chi phí cho người sử dụng lao động và người lao động. Điều đó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thu bảo hiểm thất nghiệp.
PV: Vậy đâu là giải pháp nhằm giải quyết chế độ cho người thất nghiệp nhanh và thuận lợi nhất?
Ông Lê Bạch Hồng: Đây là chính sách mới, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, do đó quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là giai đoạn đầu sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Để tổ chức tốt chính sách này cần phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người sử dụng lao động và người lao động nhằm tạo ra sự nhận thức và thực hiện đúng về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, bảo hiểm thất nghiệp gồm nhiều chế độ hỗ trợ như chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và bảo hiểm y tế, lại được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức. Do đó quy trình thực hiện từng chế độ là rất quan trọng. Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXHVN xây dựng quy chế phối hợp trong tổ chức thực hiện để đảm bảo sự thuận lợi nhất cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Theo báo Đời sống & Pháp luật
Comments are closed.