Bảo hiểm thất nghiệp: “Rất cần cơ chế phối hợp”

bhtn01_resize.jpgỞ khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đây là một chính sách lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm trợ giúp cho người lao động bị rủi ro mất việc làm trong cơ chế thị trường. Nhưng để chính sách đó phát huy hiệu quả tốt trong thực tiễn cuộc sống chắc hẳn không dễ dàng nhất là trong trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Lê Bạch Hồng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, cần phải có quy trình thực hiện từng chế độ cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong việc tổ chức thực hiện.

Thưa ông, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp xem ra không hề đơn giản, dù Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp doanh nghiệp được lùi thời hạn thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 6 này?

Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội có việc làm trong thời gian sớm nhất.

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2009, nên ngoài việc triển khai nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp cho bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, ngay từ tháng 12/2008, Bảo hiểm xã hội Việt Namđã tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tuyên truyền sâu rộng về chính sách này.

Do có sự chủ động thực hiện nhiệm vụ nên sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009), mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết, nhưng Bảo hiểm xã hộiViệt Nam đã có văn bản số 18/BHXH-BT ngày 7/1/2009 hướng dẫn tạm thời việc thu bảo hiểm thất nghiệp làm cơ sở để bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện thu theo đúng quy định từ tháng 1/2009.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng chương trình công nghệ thông tin để quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và nay đang xúc tiến xây dựng quy trình chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện chi trả cho người lao động có đủ điều kiện.

Để tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong toàn ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố ngay trong những tháng đầu năm 2009.

Ông có nghĩ rằng việc đóng 1% tiền lương cho bảo hiểm thất nghiệp có được sự hưởng ứng tích cực của người lao động cũng như của người sử dụng lao động không?

Tôi nghĩ người lao động sẽ hưởng ứng tích cực bởi chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của họ khi bị mất việc. Về phía người sử dụng lao động, khi đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bớt đi gánh nặng chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc nên cũng được họ đồng tình, ủng hộ. Hơn nữa, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là quy định bắt buộc nên các đơn vị sử dụng lao động sẽ phải thực hiện nghiêm túc.

Vậy theo ông, có những khó khăn gì cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chính sách này?

Sự đồng thuận của người lao động và người sử dụng lao động là một trong những thuận lợi cho chúng tôi. Một thuận lợi khác là hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với gần 20 năm kinh nghiệm, được  tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến cấp huyện.

Hơn nữa, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đồng thời là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, vì thế việc xác định, quản lý đối tượng sẽ không gặp khó khăn gì.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, do đó quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là giai đoạn đầu sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Để tổ chức tốt chính sách này cần phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người sử dụng lao động và người lao động nhằm tạo ra sự nhận thức và thực hiện đúng về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
 
Mặt khác,bảo hiểm thất nghiệp gồm nhiều chế độ hỗ trợ như chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và bảo hiểm y tế, lại được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức. Do đó cần phải có quy trình thực hiện từng chế độ cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong việc tổ chức thực hiện.

Hơn nữa, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ phần nào làm tăng thêm gánh nặng về chi phí cho người sử dụng lao động và người lao động. Điều đó sẽ ít nhiều ảnh ưởng đến công tác thu bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông cần một cơ chế phối hợp như thế nào cho hợp lý giữa ngành lao động và ngành bảo hiểm xã hội để việc thực hiện giải quyết chế độ cho người thất nghiệp được thuận lợi?

Nghị định 127/2008/NDD-CP quy định cơ quan lao động chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thu và chi trả các chế độ; các trung tâm giới thiệu việc làm; cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề cho người thất nghiệp. Như vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan có vai trò hết sức quan trọng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chính sách.

Để có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp trong tổ chức thực hiện để đảm bảo sự thuận lợi nhất cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Theo VnEconomy

Comments are closed.