Bảo hiểm thất nghiệp – còn những băn khoăn…

bhxh_ban_khoan_resize.jpgCơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc làm đã được Chính phủ đề ra kịp thời, tuy nhiên, con số chính xác về thất nghiệp chưa được khẳng định, còn “vênh” nhau giữa các cơ quan chức năng. Khi chưa có số liệu chính xác, cũng như chưa thấy “bức tranh” ở từng khu vực, việc thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động mất việc sẽ gặp những cản trở rất lớn.

 

 

Độ “vênh” giữa những con số

 

Nhận định về tình hình thất nghiệp, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đánh giá “tuy xảy ra trên diện rộng nhưng chưa nghiêm trọng lắm” (!)

 

Dựa trên báo cáo của một số địa phương và thông tin từ các bộ, ngành khác, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra con số thất nghiệp cuối năm 2008 gần 70 nghìn người, còn từ đầu năm đến nay, số thất nghiệp khoảng hơn 20 nghìn người, tổng cộng trên dưới 90 nghìn người.

 

Theo ước tính của ông Đồng, trong năm nay, nếu tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới còn diễn biến theo chiều hướng xấu, cả nước sẽ có khoảng 300 – 400 nghìn lao động bị mất việc làm. Con số này chỉ “chiếm tỷ lệ rất nhỏ” trong tổng số hơn 50 triệu lao động trong cả nước.

Ông Đồng cũng rất lạc quan khi đánh giá tình hình, quý 1 vừa qua nền kinh tế nói chung đã “chạm đáy” và kinh tế đất nước đang có những tín hiệu khả quan, có thể vực dậy trong quý 2 này. Theo phân tích của ông, ở TP Hồ Chí Minh, năm 2008 có khoảng 19 nghìn người mất việc, luỹ kế đến hết quý 1 khoảng 26 nghìn người, nhưng đặc biệt có tới 80% trong số đó đã tìm được việc làm mới. Còn “dòng chảy” lao động trở về quê cũng không lớn và đáng ngại cho lắm, ví dụ như Bến Tre có hơn 60 nghìn người đi làm ăn xa, dịp Tết chỉ có khoảng 30 nghìn người về quê ăn Tết, nhưng sau tết, có tới 29 nghìn lao động lại toả đi các nơi làm việc.

 

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại nhận định vấn đề không “lạc quan” như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, theo thống kê của 31 tỉnh, thành phố trong cả nước và 1 công đoàn ngành, đến giữa tháng 4, “đã có gần 124 nghìn lao động bị mất việc và thiếu việc.”

 

 Trong số này, chỉ tại một số tỉnh, thành phố có nhu cầu việc làm lớn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội,… công nhân còn có cơ may tìm được việc làm mới, còn những nơi khác, điều kiện không dễ dàng như thế. Nhưng ngay tại các thành phố có nhu cầu việc làm lớn, cũng không phải hầu hết lao động thất nghiệp đều tìm được việc, chẳng hạn ở Hà Nội, trong số hơn 42 nghìn người thất nghiệp, chỉ có khoảng 7.000 người là có việc làm trở lại.

 

Ông Lê Bá Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty Nec/Tokin trong KCN Long Bình (Loteco – Đồng Nai) cho biết: Trong giai đoạn này, chúng tôi chưa đặt ra vấn đề cho việc sa thải hoặc giảm lao động, mặc dù đang ở tình thế hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Nec-Tokin là một trong số hiếm các DN hoạt động bình thường trong giai đoạn suy thoái, còn đa phần các DN chúng tôi tìm hiểu đều gặp phải tình trạng không có việc làm, buộc phải đẩy công nhân “ra đường”.

Chúng tôi cho rằng, những con số trên chỉ là “phần vỏ”, chưa đủ thể hiện bản chất đa diện, phức tạp của vấn đề mất việc làm hiện nay, bởi những số liệu đó đều dựa trên những phép thống kê một cách tương đối, ước lệ. Sự “vênh” nhau của số liệu đến hàng chục nghìn người, vì thế cũng dễ hiểu.

 

Không cần tranh cãi về những con số, quan trọng hơn cả vẫn là cách nhìn nhận, phân tích và đòi hỏi có đánh giá đúng, chuẩn xác vấn đề này trong tình hình hiện nay có thật sự nghiêm trọng và cấp bách không, để có ứng xử phù hợp, đề ra những giải pháp tháo gỡ triệt để, kịp thời.

 

Thất nghiệp có nghiêm trọng không?

 

Chính phủ đã nhận định tình hình kinh tế trong nước đang suy giảm và năm nay còn khó khăn hơn năm trước. Kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp tăng là hệ quả tất yếu. Do vậy, các cấp, ngành cần phải nhìn nhận tình trạng lao động mất việc làm hiện nay là khá nghiêm trọng và có diễn biến phức tạp, đòi hỏi thực hiện những giải pháp quyết liệt, linh hoạt và kịp thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù quý 1 năm nay có những dấu hiệu khả quan, song chừng ấy chưa đủ để chủ quan và xem nhẹ vấn đề như đã diễn ra ở một số nơi, mà chúng tôi đã nhận ra trong quá trình đi tìm hiểu, khảo sát thực tế.

 

Công nhân làm việc tại các KCN tập trung hiện nay phần lớn xuất phát từ nông thôn, là lao động phổ thông giản đơn, khi mất việc có thể trở về quê trước khi có cơ hội tìm việc làm mới. Áp lực của thất nghiệp chốn thị thành đang dồn “oằn vai” những vùng quê nghèo. Vùng nông thôn sẽ thêm một lần bị “bần cùng hoá” do nguồn thu nhập chính bị cắt, ruộng đất thu hẹp và điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn.

 

Cũng không nên quá vui mừng với con số tìm được việc trở lại được đưa ra, bởi vì người lao động sang công ty khác, mọi phấn đấu về tay nghề và thu nhập trước đó lại trở về “mo” và rất khó “trụ” được lâu dài. Hơn nữa, cung cách quản lý, theo dõi biến động của công nhân khá cũ kỹ, lạc hậu của cả cơ quan quản lý lẫn DN sử dụng lao động khiến người ta nghi ngờ những số liệu thống kê được đưa ra. Rất nhiều công nhân tìm được việc làm mới, khi chúng tôi hỏi đều lắc đầu ngán ngẩm, như cách họ nói chỉ là “chống móm” chứ đi làm vất vả (vì chưa quen việc mới), thu nhập lại giảm đi rõ rệt so với việc làm và nơi làm cũ.

 

Hãy tạm quên đi những con số khô khan đó để trắc ẩn với số phận hàng trăm nghìn người lao động, lúc có việc làm đã khổ, nay thất nghiệp còn bĩ cực đến đâu. Giai cấp công nhân lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vì thế, họ xứng đáng được các cơ quan quản lý từ cơ sở đến trung ương quan tâm .

 

 Những bất cập của chính sách

 

Quyết định 30/QĐ-TTg và Nghị định 127/NĐ-CP là chủ trương, chính sách lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với người lao động. Tuy nhiên, khi triển khai tại các địa phương còn gặp những bất cập, phát sinh cần được bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là chủ trương về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 

Ngày 12-12-2008, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009. Nguồn hình thành quỹ BHTN là, người lao động đóng 1% tiền lương, DN đóng 1% quỹ tiền lương và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1%, cộng với tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác. Theo đó, người thất nghiệp được hưởng BHTN khi đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp…

 

Theo phân tích của các cán bộ Ban Quản lý KCN, KCX thành phố Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng, BHTN thực hiện thu từ ngày 1-1nhưng đang đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết, người đóng BHTN phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp theo quy định mới được nhận trợ cấp. Trong khi đó, Luật quy định DN chịu trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động tính từ 31-12-2008 trở về trước, còn từ 1-1-2009 trở về sau thuộc phạm vi chi trả của Bảo hiểm xã hội. 

Vấn đề đặt ra là nếu người lao động ký hợp đồng 1 năm (từ 2-2008 đến 2-2009) mà không ký tiếp, sẽ không được hưởng BHTN do mới tham gia đóng BHTN được 2 tháng của năm 2009, cũng không được nhận trợ cấp thôi việc như mọi năm bởi vì chỉ đóng 10 tháng năm 2008. Thậm chí nếu ký hợp đồng từ tháng 1-2008 cũng không được nhận khoản trợ cấp nào. Đây là một bất hợp lý.

 

Trường hợp khác, nếu người lao động ký hợp đồng từ tháng 11 hoặc tháng 12-2008, đến tháng 11 hoặc 12-2009 kết thúc hợp đồng, dạng này cũng không được nhận trợ cấp thôi việc vì chỉ đóng 1-2 tháng của năm 2008 và không được BHTN chi tiền do chỉ đóng 10 hoặc 11 tháng năm 2009.

 

Hiện nay, do khó khăn, các DN đang được giãn chưa đóng BHTN, sau này nếu truy thu một lần thì nhiều DN sẽ “méo mặt” vì khoản tiền khá lớn phải đóng,… Nếu DN phá sản trước khi Nhà nước quyết định truy thu thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đóng góp phần này cho BHTN.

 

Còn đối với người lao động, tuy đã dùng khoản 1%BHTN theo luật định nhưng cũng chẳng biết khi nào mình thất nghiệp nên cũng băn khoăn. Trong lúc khó khăn này, tiền vẫn phải đóng vào, chẳng biết sau này có nhận được trợ cấp hay không nên cũng không “hào hứng” cho lắm.

 

Các lao động tại những DN nhỏ dưới 10 lao động cũng không nằm trong đối tượng được thụ hưởng chính sách BHTN mà số DN nhỏ này ở nước ta chiếm khá lớn. Tại các đơn vị sản xuất nhỏ, sẽ rất khó có hợp đồng để đủ điều kiện tham gia BHTN…

 

Còn nhiều những thắc mắc nảy sinh mà chúng tôi không thể nêu ra hết. Các bộ, ngành trung ương đề ra chính sách và cơ quan thực thi tại cơ sở nên lắng nghe tiếng nói của người lao động, để tìm cách giải quyết thấu đáo những phát sinh khi bắt tay vào thực hiện, không để những bất hợp lý của chính sách tồn tại như hạt bụi rơi vào mắt, khiến một chủ trương đúng mà khi triển khai lại không được hưởng ứng nhiệt tình.

 

Sự quản lý về lao động hiện nay còn rất “thủ công”, cần được cải cách theo hướng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới. Người lao động hiện nay biến động rất lớn, nay đây mai đó, việc quản lý lao động theo kiểu cũ đã trở nên quá lạc hậu và không còn phù hợp thực tế.

 

Đã đến lúc phải nghĩ đến việc quản lý lao động bằng một tấm thẻ lao động cá nhân được “số hoá” như thẻ ngân hàng, thống nhất quản lý trong toàn quốc, từ đó có thể theo dõi và quản lý lao động bằng phần mềm một cách chặt chẽ, chính xác, bảo đảm được quyền lợi và trách nhiệm người lao động. Đây là việc hoàn toàn khả thi và không quá khó trong điều kiện hiện nay.

 

Việc làm cho người lao động trong thời điểm này vẫn còn diễn biến phức tạp, phụ thuộc nhiều vào diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động tại nhiều địa phương còn rất chậm, thậm chí chưa triển khai do còn trông chờ sự hướng dẫn cụ thể từ cấp trên. Khi một chính sách chậm đi vào cuộc sống hoặc khó triển khai trong thực tế, thì những thiếu sót ở những người giữ vai trò xây dựng và thực thi chính sách.

 

Theo Baomoi.com

 

 

Comments are closed.