Thời hạn truy thu Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang đến gần. Mặc dù chính thức hiệu lực từ ngày 1/1/2009, tuy nhiên do nền kinh tế trong nước bước đầu gặp nhiều khó khăn nên được tạm hoãn và bắt đầu thực hiện vào tháng 6 tới. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần có những “liều thuốc” mạnh hơn nữa để trị những doanh nghiệp cố tình lách luật nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, đồng thời, cần xác định đúng đối tượng được hưởng BHTN.
Những đối tượng có nguồn thu nhập được xem là thất nghiệp
Để xác định những đối tượng được hưởng BHTN còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Trước hết thất nghiệp được hiểu là những người mong muốn có việc làm nhưng không thể có việc làm. Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ước tính 4,65%. Được biết, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2008 ước tính 45 triệu người, tăng 2% so với năm 2007.
Trước tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước ít nhiều đã chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Vì vậy Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp chậm nộp BHTN trong năm và truy nộp vào thời điểm 6 tháng cuối năm 2009. Đến năm 2010, nhiều khả năng sẽ có cá nhân được thụ hưởng từ loại hình BHTN khi thất nghiệp.
Được biết, mỗi 1 năm công tác, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp bằng 60% mức lương bình quân. Tiền lương tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Ngoài ra, trong thời gian thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề nếu có nhu cầu thông qua các cơ sở dạy nghề.
Khác với những quốc gia khác, người dân Việt Nam có nhiều nguồn thu khác nhau. Do đó người lao động mất việc chưa hẳn đã mất nguồn kiếm sống. Một thực tế, hằng ngày có rất nhiều người dân trên địa bàn TP HCM nói riêng và cả Việt Nam nói chung thường hay “ngồi đồng” ở các quán cà phê. Thế nhưng, những đối tượng này chưa hẳn đã thất nghiệp và mất nguồn thu nhập.
Tại những nơi này, người dân có thể thỏa thuận những giao dịch, các thương vụ mua bán, làm ăn với nhau và tạo ra được thu nhập từ những nghề “tay trái”. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Bộ môn Bảo hiểm Trường đại học Kinh tế TP HCM cho biết: “Để xác định được đối tượng thất nghiệp thì cần phải quản lý được lực lượng lao động và quản lý được nguồn thu của người lao động”.
Theo thống kê, dân số trung bình cả nước năm 2008 ước tính 86,16 triệu người, tăng 1,18% so với năm 2007. Theo đó, nam giới gồm 42,35 triệu người, chiếm 49,1% tổng dân số; nữ 43,81 triệu người, chiếm 50,9%.
Trong tổng dân số cả nước, dân số khu vực thành thị là 24 triệu người, tăng 2,85% so với năm trước, chiếm 27,9% tổng dân số; dân số khu vực nông thôn là 62,1 triệu người, tăng 0,55% và chiếm 72,1%. Thực hiện BHTN được xem là một trong những bước mang tính đột phá, giúp người lao động tăng cơ hội có thêm việc làm. Qua đó, tạo sự bình đẳng giữa các nguồn lực lao động ở nông thôn và thành thị.
Chây ỳ, nợ đọng BHXH thường xuyên
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì Công ước 102 năm 1952 chỉ rõ, BHXH bao gồm 9 chế độ chủ yếu. Trong đó, chăm sóc y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thai sản, trợ cấp tàn tật và trợ cấp tử tuất.
Như vậy, thực chất BHTN là một trong những chế độ của BHXH. Tùy theo nhu cầu sống và làm việc tại mỗi quốc gia, việc đưa BHXH đến với người lao động sẽ hoàn toàn khác nhau. Chung quy lại, BHXH hướng đến việc mở rộng đối tượng cả về số lượng lẫn các chế độ thực hiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc áp dụng thực hiện BHTN xem ra quá khó.
Theo thống kê từ Bảo hiểm Xã hội TP HCM, tính từ đầu năm đến nay đã có 15 doanh nghiệp bị kiện vì nợ BHXH, có dấu hiệu “quịt” và cố tình vi phạm luật BHXH. Trong đó, đông nhất vẫn là các công ty đến từ Hàn Quốc với 7 công ty, kế đến là các công ty Việt Nam – 5 công ty, Đài Loan có 2 công ty và Singapore – 1 công ty.
Tính chung từ năm 2008 đến nay, đã có 23 công ty bị BHXH TP HCM khởi kiện ra tòa vì chây ỳ tiền BHXH. Hiện TP HCM có khoảng 1,8 triệu lao động tham gia BHXH từ 28.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên số doanh nghiệp chây ỳ và nợ đọng tiền BHXH trên 70 doanh nghiệp với số tiền hơn 50 tỉ đồng.
Theo nhận định của giới chuyên môn, cần có những biện pháp chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài nhằm đảm bảo một cách rõ ràng quyền lợi cho người lao động. Một thực tế, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH và thậm chí chiếm dụng tiền BHXH của người lao động như căn bệnh “chưa có thuốc chữa” và tỏ ra xem thường pháp luật.
Đồng hành với việc triển khai BHTN, việc truy thu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) cũng sẽ giúp BHTN phát triển mạnh mẽ. Hai loại hình này có tính hỗ trợ nhau về nhiều mặt. Cũng bởi, đối với những cá nhân có hợp đồng lao động rõ ràng và phải đóng thuế TNCN cụ thể. Đơn cử, một công dân có đóng thuế thu nhập hằng tháng sẽ dễ dàng kiểm soát được nguồn thu nhập và được hưởng trợ cấp khi mất việc.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Bộ môn Bảo hiểm Trường đại học Kinh tế TP HCM cho biết thêm: “Ở hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới, việc đánh thuế TNCN được thực hiện ngay khi một công dân làm ra “một đồng tiền công đầu tiên” trong cuộc đời”. Vì vậy thuế TNCN được xem là một công cụ và cũng là những viên gạch đầu tiên để phát triển loại hình BHTN bền vững
Theo CAND.com
Comments are closed.