Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

thatnghiep_resize.jpgBáo cáo của Bộ LÐ-TB và XH cho biết: Việt Nam hiện có 44,16 triệu người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, có thêm từ 1,2 đến 1,5 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động. Theo các nhà khoa học lao động, với tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị khoảng 5%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn gần 6%, và cộng dồn số lao động nhiều năm chưa tìm được việc làm, thì cả nước luôn “tích trữ” gần tám triệu lao động không hoặc thiếu việc làm, hoặc làm những việc nay còn mai mất, những việc làm mùa vụ, bấp bênh.

Báo cáo tổng hợp của Bộ LÐ-TB và XH cũng chỉ ra rằng, trên thị trường lao động nước ta hiện nay, cung lao động vẫn lớn hơn cầu lao động; lao động không nghề, hoặc lao động tay nghề thấp nhiều hơn và phổ biến hơn lao động có nghề, lao động kỹ thuật cao. Vì thế, tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm càng thêm trầm trọng, bởi, có thể, thị trường lao động vẫn cần việc làm, nhưng bản thân người lao động không đủ tay nghề hoặc trình độ không đáp ứng được công việc đòi hỏi. Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LÐ-TB và XH) Nguyễn Ðại Ðồng, cho biết: Năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, tác động một phần đến nền kinh tế Việt Nam, một số doanh nghiệp trong nước, nhất là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị đình đốn hoặc thu hẹp sản xuất, đã bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, một số khu công nghiệp, khu chế xuất… làm hàng chục nghìn lao động mất việc làm và thu nhập. Theo dự báo của các nhà khoa học lao động, tình trạng lao động mất việc hoặc thiếu việc làm là áp lực đè nặng lên vấn đề giải quyết việc làm trên cả nước vốn đã phải chịu nhiều sức nặng. Năm 2009, dự báo có gần 400 nghìn lao động trong nước mất việc làm. Không những thị trường lao động trong nước sụt giảm do tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, mà thị trường lao động ngoài nước cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều thị trường lao động của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a… do sản xuất đình đốn hoặc thu hẹp, gần 10 nghìn lao động Việt Nam cũng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn hợp đồng.

 

Trong điều kiện kinh tế-xã hội gặp khó khăn, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, một chế độ mới trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước đi vào hoạt động, có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2009. Ðó là chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Ngày 12-12-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 127/2008/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHTN. Theo quy định của NÐ127, người lao động (NLÐ) tham gia BHTN là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động (HÐLÐ), hợp đồng làm việc (HÐLV) với người sử dụng lao động, gồm: HÐLÐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; HÐLÐ không xác định thời hạn; HÐLV xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, và HÐLV không xác định thời hạn.

 

Người sử dụng lao động (NSDLÐ) tham gia BHTN là NSDLÐ có sử dụng từ 10 NLÐ trở lên tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị – xã hội, và tổ chức xã hội khác; doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư; Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho NLÐ; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam có sử dụng lao động Việt Nam.

 

Tuy nhiên, do điều kiện khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền đã lùi thời hạn đóng bảo hiểm thất nghiệp đến 1-7-2009. Ðồng chí Nguyễn Ðại Ðồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LÐ-TB và XH) cho biết: Nghị định 127-2008/NÐ-CP ban hành đúng lúc xuất hiện tình trạng mất việc làm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu tác động nền kinh tế nước ta. Nếu thực hiện tốt các quy định của NÐ127 về BHTN, sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, NLÐ có cơ hội có lại việc làm, hoặc tìm được việc làm mới. BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. NLÐ được hưởng chế độ BHTN khi đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Mức đóng BHTN của NLÐ là 1% tiền lương, tiền công/tháng, NSDLÐ đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công/tháng của những người tham gia đóng BHTN. NLÐ được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là ba tháng, nếu có đủ 12 tháng đến duới 36 tháng đóng BHTN; sáu tháng, nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; chín tháng, nếu có đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; một năm, nếu có đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

 

Gần đây, Thông tư liên Bộ LÐ-TB và XH, Bộ Tài chính quy định, người lao động mất việc làm, ngoài việc được hưởng các quyền lợi kể trên, còn được hỗ trợ học nghề mức 300 nghìn đồng/tháng trong sáu tháng để có cơ hội tìm việc làm mới. Quỹ BHTN được hình thành từ 1% mức đóng BHTN của NLÐ; 1% của NSDLÐ; hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ Ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ, và một số nguồn thu hợp pháp khác. Theo BHXH Việt Nam, BHTN là loại hình đóng bảo hiểm bắt buộc theo Luật BHXH, cho nên, hiện tại, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động nào đã đóng chế độ BHXH và BHYT thì đương nhiên phải đóng chế độ BHTN.

 

Theo BHXH Việt Nam, số thu BHXH trên cả nước năm 2008 đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng, thu BHYT đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Nếu thực hiện tốt việc thu chế độ BHTN, hằng năm cũng sẽ thu được khoản tiền không nhỏ hỗ trợ lao động mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
 
Theo Nhandan.com

 

Comments are closed.