Bảo hiểm thời khủng hoảng

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2009 vẫn đạt mức khá, dù không bằng năm 2008. Hoạt động khai thác bảo hiểm gốc tăng 11% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13,5%, nhân thọ tăng 8,4%.
Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giảm đi rất nhiều, dù chưa phải là đã hết… Ngành bảo hiểm Việt Nam là một trong số ít ngành may mắn đang vượt qua khủng hoảng.

Phi nhân thọ vẫn thuộc về doanh nghiệp nội

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính, nhận xét rằng: cuộc khủng hoảng tài chính có tác động đến ngành bảo hiểm Việt Nam nhưng không nặng nề.

Những nghiệp vụ được xem là chịu tác động đáng kể nhất như: bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản cho các công trình xây dựng lớn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hải bởi đây là những ngành không có khả năng đóng phí bảo hiểm hoặc nợ đóng phí bảo hiểm với số lượng lớn.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do khó huy động vốn từ bên ngoài. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng gặp khó khăn trong khai thác, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, một số ít khách hàng tham gia bảo hiểm không còn đủ khả năng đóng phí bảo hiểm.

Doanh thu mới của bảo hiểm nhân thọ cũng vì thế giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mới, kể cả trong nước và nước ngoài đều cân nhắc kỹ hơn về kế hoạch đầu tư vào thị trường bảo hiểm.

Mặc dù vậy, theo ông Hoan, bảo hiểm vẫn tăng trưởng cao do chủ động áp dụng các biện pháp đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính, kết hợp với các biện pháp thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, lành mạnh.

Minh chứng cho sự tăng trưởng đó là những con số khá lạc quan. Năm 2008, hoạt động khai thác bảo hiểm gốc duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 21.194 tỷ đồng, tăng 18,68% so với năm 2007. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ đạt 10.855 tỷ đồng, tăng 32%, bảo hiểm nhân thọ đạt 10.339 tỷ đồng, tăng 9,3%.

6 tháng đầu năm 2009, kết quả cũng khả quan với hoạt động khai thác bảo hiểm gốc vẫn tăng trưởng, đạt 11.918 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2008 – trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 6.286 tỷ đồng, tăng 13,5%, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 5.362 tỷ đồng, tăng 8,4%.

Theo ông Phùng Đắc Lộc- Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, dưới tác động của khủng hoảng, các nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu lớn, chiếm tỷ trọng cao đều tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2008.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2009, toàn thị trường đạt doanh thu 6.442 tỉ đồng, tăng 15,8%, trong đó bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu doanh thu với 2.147 tỉ đồng, tăng 26,3%.

Mặc dù, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã có nhiều cơ hội hơn trong việc bán các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc (vốn trước đây chỉ dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước), song miếng bánh thị phần xem ra vẫn chưa có thay đổi nhiều.

Thị phần chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới vẫn thuộc về ba doanh nghiệp lớn là Bảo Việt, Bảo Minh và PJICO, trong đó Bảo Việt dẫn đầu với doanh thu phí 584 tỉ đồng, Bảo Minh: 313 tỉ đồng, PJICO: 305 tỉ đồng.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 771 tỉ đồng, tăng 28,2%, trong đó PVI đạt 253 tỉ đồng, Bảo Việt 223 tỉ đồng, Bảo Minh 130 tỉ đồng.

Bảo hiểm y tế và tai nạn con người đạt doanh thu 714 tỉ đồng, tăng 22,3%, trong đó Bảo Việt đạt 297 tỉ đồng, Bảo Minh đạt 161 tỉ đồng, PVI đạt 69 tỉ đồng.

Bảo hiểm xây dựng lắp đặt đạt doanh thu 707 tỉ đồng, tăng trưởng 54,7%, trong đó PVI đạt 187 tỉ đồng, Bảo Việt đạt 123 tỉ đồng, Bảo Minh đạt 120 tỉ đồng.

Bên cạnh các nghiệp vụ giữ được mức tăng trưởng tốt thì có những nghiệp vụ bảo hiểm giảm như: bảo hiểm hàng hóa vận chuyển giảm 12%, bảo hiểm hàng không giảm 47%, bảo hiểm cháy nổ giảm 65%.

Các doanh nghiệp có doanh thu cao là Bảo Việt 1.667 tỉ đồng (tăng 0,54%); PVI đạt 1.520 tỉ đồng (tăng 35,2%), Bảo Minh đạt 909 tỉ đồng (giảm 8,8%), PJICO đạt 542 tỉ đồng (tăng 6,2 %).

Như vậy, thị trường ngày càng có thêm nhiều “tân binh”, song vị trí những doanh nghiệp đứng đầu hầu như không thay đổi. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài với kinh nghiệm hàng trăm năm nhưng thị phần vẫn chưa đạt được mức hai con số. Và như thế, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ xem ra vẫn thuộc về doanh nghiệp nội.

Bảo hiểm nhân thọ khó khăn hơn trong khai thác

Khác với phi nhân thọ, lĩnh vực nhân thọ tỏ ra chật vật hơn trong nửa đầu năm 2009.

“Suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người lao động Việt Nam từ người làm công ăn lương đến những tiểu thương, tiểu chủ và chủ doanh nghiệp. Điều này làm cho nguồn khách hàng tiềm năng giảm sút. Không ít khách hàng tham gia bảo hiểm gặp khó khăn về kinh tế không đủ khả năng đóng phí bảo hiểm muốn chấm dứt trước thời hạn”, ông Lộc giải thích.

Tuy nhiên, khi lãi suất tiền gửi giảm nhanh, đầu tư chứng khoán và bất động sản mạo hiểm và bấp bênh tạo cho người dân có suy nghĩ đúng hơn về bảo hiểm nhân thọ – một kênh đầu tư an toàn, lâu dài và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tài chính tương lai với những công việc không thể không làm trong cuộc đời.

Bên cạnh đó, một số người bị thôi việc, giãn việc đã tìm cơ hội việc làm bằng cách tham gia đại lý bảo hiểm nhân thọ. Những điểm tích cực này, theo ông Lộc đã góp phần đưa bảo hiểm nhân thọ vượt qua sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tổng doanh thu phí 6 tháng năm 2009 toàn thị trường đạt 5.499 tỉ đồng, tăng 8,69%, trong đó doanh thu phí khai thác mới trong 6 tháng đầu năm đạt 1.203,5 tỉ đồng tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường vẫn là những gương mặt quen thuộc như: Prudential (với doanh thu phí đạt 2.182 tỉ đồng, chiếm 39,69% thị phần), Bảo Việt Nhân thọ (với 1.812 tỉ đồng chiếm 32,95% thị phần), Manulife (với 568,5 tỉ đồng, chiếm 10,34% thị phần).

Các chỉ tiêu khác so với cùng kỳ năm 2008 đều tăng như: tổng số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng chính) đạt 284.792 hợp đồng, tăng 4%, tổng đại lý đạt 82.432 người, tăng 17%; tổng mức trách nhiệm mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang nắm giữ là 250 nghìn tỉ đồng, tăng 15%.

Cũng theo ông Lộc, sở dĩ thị trường bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm giữ được mức tăng trưởng là do những tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh tế quý 2/2009.

Theo đà đi lên của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5, các sản phẩm đầu tư (gồm liên kết chung và liên kết đơn vị) là nhóm sản phẩm tăng trưởng cao nhất và cũng là nhóm sản phẩm có số lượng hợp đồng khôi phục nhiều nhất.

Công ty Bảo hiểm quốc tế Mỹ (AIA) và Công ty Bảo hiểm nhân thọ ACE là những công ty chiếm thị phần và tăng trưởng cao trong nhóm sản phẩm này.

Nguồn: VnEconomy (Báo Điện tử – Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Comments are closed.