Bảo hiểm phi nhân thọ: Thận trọng kế hoạch kinh doanh 2009

bao_hiem_tai_san_resize.jpgTrải qua năm 2008 đầy biến động, bảo hiểm phi nhân thọ lại đứng trước những thách thức mới trong năm 2009. Không ít DN phải “xốc” lại lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thay vì trông chờ vào hoạt động đầu tư tài chính.

Thận trọng

Theo số liệu từ Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), năm 2008 doanh thu của DN này đạt hơn 2.694 tỷ đồng (bằng 103,6% kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế đạt 171,701 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý trong cơ cấu doanh thu của PVI là đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng khá lớn. Tổng vốn đầu tư đạt hơn 4.196 tỷ đồng, trong đó tiền gửi chiếm hơn 1.243 tỷ đồng; ủy thác quản lý vốn hơn 1.381 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu 125,150 tỷ đồng; góp vốn dự án 681,849 tỷ đồng…

Theo đánh giá của PVI, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do thị trường tài chính suy giảm nhanh, chính sách tiền tệ của Chính phủ thay đổi bất ngờ, doanh thu đầu tư của DN này vẫn đạt 504 tỷ đồng, tăng 177% so với năm 2007. Trong hoạt động tài chính, nếu tiền gửi mang lại lợi nhuận lớn (do lãi suất lên cao trong năm 2008) thì đầu tư chứng khoán lại làm PVI lỗ không nhỏ. Lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và dự phòng giảm giá chứng khoán của PVI là 160 tỷ đồng. Các khoản góp vốn vào một số quỹ với số tiền 682 tỷ đồng chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, việc chia cổ tức tại các quỹ như SSI, VF2 không đúng như kế hoạch do thị trường suy thoái cũng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận từ đầu tư tài chính của PVI.

Doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm chỉ ở mức thấp do tỷ lệ bồi thường của PVI khá cao: 38%. Bồi thường bảo hiểm năng lượng lên đến 43%, trong khi doanh thu ở lĩnh vực này chỉ chiếm 22% trong tổng doanh thu của PVI.

Năm 2009, PVI đặt kế hoạch doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng (bằng 112% so với năm 2008), lợi nhuận 218 tỷ đồng (bằng 127% so với năm 2008). Điểm đáng ghi nhận là PVI đặt mục tiêu tăng trưởng 923% lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm (từ 5,224 tỷ đồng năm 2008 lên 48 tỷ đồng năm 2009), trong khi đầu tư tài chính tăng không đáng kể (bằng 102% so với năm 2008).

Là DN hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Vinare (VNR) đã có một năm kinh doanh ấn tượng, bất chấp những khó khăn. Năm 2008, doanh thu phí giữ lại của VNR đạt hơn 1.088 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 205,094 tỷ đồng. Nhận định tình hình năm 2009 có nhiều khó khăn, VNR chỉ đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng doanh thu (giảm 8% so với năm 2008); lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng (tăng 2,44% so với năm 2008). DN này cũng không đặt kỳ vọng cao vào doanh thu tài chính, do môi trường đầu tư chưa có dấu hiệu ổn định trở lại.

Một đại diện ngành bảo hiểm niêm yết tại HOSE là Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) có tổng doanh thu năm 2008 đạt 1.988 tỷ đồng; doanh thu đầu tư tài chính đạt 254 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, bằng 106,6% kế hoạch năm và tăng 10% so với năm 2007. Dự kiến, năm 2009 BMI phấn đấu đạt doanh thu 2.150 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2008.

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo đánh giá của BMI, bước vào năm 2009, hoạt động kinh doanh của DN này chịu tác động xấu của kinh tế trong nước và khủng hoảng tài chính toàn cầu, doanh thu chưa đạt kết quả mong muốn. Doanh thu phát sinh lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2009 đạt 291,17 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch năm, giảm 9% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu phát sinh trong tháng 2 là 135,83 tỷ đồng, thấp hơn tháng trước (155,34 tỷ đồng).

Không riêng BMI, nhiều DN bảo hiểm khác cũng bị tác động tiêu cực khi suy giảm doanh thu. VNR đưa ra nhận định kém lạc quan so với năm 2008 khi ước tính tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ là 15%. Điều này không chỉ do tăng trưởng kinh tế chậm lại, mà do nội tại của ngành bảo hiểm hiện nay. Chẳng hạn, hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ thấp (chi phí, tỷ lệ bồi thường tăng, phí bảo hiểm giảm và điều kiện bảo hiểm mở rộng). Sự cạnh tranh khốc liệt của các DN trong ngành dẫn đến tình trạng hạ phí.

Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI thừa nhận, do tốc độ phát triển cao trong 3 năm liên tục khiến việc quản lý chưa theo kịp với yêu cầu kinh doanh. Một số lãnh đạo đơn vị thuộc PVI chạy theo doanh thu, chưa quan tâm đến hiệu quả kinh doanh.

Có một thực tế là khi DN và nhà đầu tư cắt giảm chi tiêu sẽ làm tỷ lệ phí bảo hiểm tụt giảm. Sự mất giá của các tài sản và thu hẹp phạm vi kinh doanh của các tập đoàn, DN và nhà đầu tư nước ngoài làm cho tài sản và trách nhiệm tham gia bảo hiểm giảm mạnh. Đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến doanh thu của DN bảo hiểm. Ngoài ra, tình trạng mất khả năng thanh toán của một bộ phận khách hàng giãn tiến độ đầu tư, đẩy công nợ phí bảo hiểm lên cao; người tiêu dùng tận dụng tối đa quyền lợi được bảo hiểm, kể cả trục lợi bảo hiểm làm tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tăng, đây là các yếu tố làm giảm hiệu quả kinh doanh bảo hiểm.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất ngân hàng giảm, tỷ giá tăng cao, thị trường bất động sản suy giảm, TTCK chưa hồi phục bền vững, giấy tờ có giá và khoản góp vốn đầu tư kém tính thanh khoản, mất khả năng thanh toán của khoản ủy thác đầu tư là nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả kinh doanh của DN bảo hiểm

Theo ATP Việt Nam

 

Comments are closed.