Bảo hiểm phi nhân thọ: Dìm nhau!

bao_hiem_phi_nhan_tho_dim_nhau_resize.jpgTrong năm 2008, một công ty xuất nhập khẩu lương thực, vốn là khách hàng truyền thống của Bảo Việt xin huỷ hợp đồng bảo hiểm đã ký với Bảo Việt. Lý do được công ty này đưa ra là họ bị một ngân hàng cho vay vốn “ép” phải mua bảo hiểm từ công ty bảo hiểm thành viên của ngân hàng này.

 

Đây chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ về việc các công ty bảo hiểm tranh giành khách hàng của nhau bằng mọi cách, trong đó cạnh tranh về phí bảo hiểm là phổ biến nhất, như một quan chức Cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm thừa nhận.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc đại đa số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã phải chịu lỗ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Chú trọng mục tiêu mở rộng thị phần, áp lực về doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm “chạy đua” hạ mức khấu trừ, mở rộng điều khoản bảo hiểm dẫn tới mức phí thu được không tương xứng với mức độ rủi ro. Năm 2008, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lỗ tới 163 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 7,24%, thấp hơn mức 8,27% của năm 2007.

Trong cuộc họp của ngành bảo hiểm mới đây, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, nên hạn chế cấp phép thêm doanh nghiệp bảo hiểm mới.

Trong năm 2008, đã có 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới được cấp phép, nâng tổng số doanh nghiệp lên con số 27.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Toshiaki Egashira, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Mitsui Sumitomo Insurance Group (MSIG) cho biết, vấn đề hiện nay của thị trường không phải là có nhiều hay ít doanh nghiệp.

“Điều quan trọng nhất là nhận thức của người dân về bảo hiểm chưa cao, dẫn tới thị trường không thể mở rộng nhanh được. Các công ty bảo hiểm nên tập trung nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, qua đó mở rộng thị trường, chứ không phải cạnh tranh bằng việc giảm phí bảo hiểm”, ông Egashira nói.

Vấn đề cấp phép doanh nghiệp bảo hiểm từ xưa tới nay luôn được tiến hành với sự cẩn trọng cao. Tiêu chí cấp phép của cơ quan quản lý được khẳng định là “đáp ứng đủ điều kiện là sẽ được cấp phép”.

Về lý thuyết, có thêm doanh nghiệp mới sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường trở nên gay gắt hơn và các doanh nghiệp phải phục vụ khách hàng tốt hơn với giá rẻ hơn. Ngay cả trong trường hợp nhiều doanh nghiệp do giảm phí phải chịu lỗ, xét từ góc độ thị trường, người tiêu dùng đã được đền bù nhiều hơn số tiền đã đóng bảo hiểm.

Vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay chính là việc bán bảo hiểm một cách không chuyên nghiệp. Cơ quan quản lý thị trường từng thừa nhận, việc bán bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chủ yếu thông qua thủ tục hành chính như: quen biết, thư tay hay thông qua… chỉ đạo của cấp trên. Đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức tới chất lượng dịch vụ, bởi lẽ chất lượng chưa chắc đã đóng vai trò quyết định trong việc bán bảo hiểm. Khó khăn này chắc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài là hiểu rõ nhất. Đành phải chờ thời gian!

 

Theo Sanotc.com

 

Comments are closed.