Bảo hiểm ôtô: Giữa mê hồn trận…

oto_2.jpgĐi ôtô phải mua bảo hiểm – điều đó đương nhiên chủ nhân chiếc xe nào cũng biết. Nhưng để hiểu đúng về các loại hình bảo hiểm ôtô để lựa chọn bảo hiểm có thể đảm bảo quyền lợi cho mình trong mọi trường hợp thì không phải ai cũng biết.


Thực chất, tham gia bảo hiểm khi mua ôtô là một quy định bắt buộc để xe được phép lưu thông. Loại bảo hiểm này đuợc gọi là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với nhiều mức phí. Trong đó, mức cơ bản thấp nhất là 50.000.000 VNĐ. Ngoài ra, khách hàng có thể tham gia nhiều gói bảo hiểm bổ sung và tự nguyện khác nhau… Tuy nhiên, mức phí bảo hiểm thoạt nghe khá đắt đỏ đã dẫn tới tình trạng phân vân của khách hàng.

Mua “trâu” nên mua “cọc”?

Về cơ bản, các mục và điều khoản của các hình thức bảo hiểm ôtô giữa các công ty bảo hiểm tương đối giống nhau vì đều dựa trên Quyết định số 23/2007/QĐ – BTC do Bộ Tài chính ban hành. Sự khác biệt chủ yếu do biểu giá và quy định trách nhiệm của từng đơn vị bảo hiểm (khoảng hơn 10 công ty) áp dụng cho các loại hình, mức phí khác nhau.

Nhưng thực tế, việc lựa chọn loại hình bảo hiểm nào, mức phí bao nhiêu lại không hề đơn giản với khách hàng.

Anh Thanh Phong, chủ nhân một chiếc Honda Civic cho biết, anh chọn loại xe để mua thì rất nhanh. Chỉ cần xác định túi tiền và mục đích sử dụng của mình là xong. Nhưng để quyết định mua loại bảo hiểm nào thì anh mất gần trọn một tuần, bởi có nhiều loại bảo hiểm và nhiều mức giá khác nhau khiến cho những người mua ôtô lần đầu như anh không dễ quyết định. Nói đến đây, anh tặc lưỡi: “Đắn do mãi, tôi cũng quyết định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm vỏ xe có khấu hao thay mới. Vẫn biết, chỉ mua như thế thì khi xảy ra mất mát mình không được gì nhưng mức giá đó phù hợp với túi tiền của mình. Để có bảo hiểm vỏ xe có khấu hao thay mới cũng mất đến gần 2% giá trị cái Honda Civic”.

Khi tôi đặt giả thuyết nếu bị mất xe thì anh Phong trả lời: “Nguy cơ mất xe lúc nào cũng có nhưng túi tiền của tôi có hạn. Thôi thì may nhờ rủi chịu…”.

Tâm trạng đắn đo và cuối cùng lựa chọn hình thức bảo hiểm ôtô rẻ nhất nhằm tiết kiệm chi phí như anh Phong thực chất rất phổ biến. Nhưng theo các chuyên gia bảo hiểm, hình thức bảo hiểm vỏ xe có khấu hao thay mới chỉ phù hợp nếu xe đã cũ hoặc giá thành mua thấp. Ngược lại, xe mới giá trị cao – đặc biệt những dòng xe hiếm trên thị trường – cần mua bảo hiểm vật chất xe. Một chuyên viên có kinh nghiệm lâu năm của hãng Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: “Với những xe “xịn”, đặc biệt là siêu xe, mỗi phụ tùng nhỏ nhất đã có giá tới hàng ngàn USD. Bảo hiểm vật chất xe không khấu hao thay mới sẽ đảm bảo những phụ tùng mới nhất cũng như quyền lợi cao nhất cho chủ xe khi cần thiết. Mức giá cả gói không rẻ nhưng trả theo từng thời điểm đã trở nên khá nhẹ nhàng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mối quan tâm khi mua bảo hiểm của người sử dụng còn nằm ở chỗ: hình thức bảo hiểm nào được tự chọn ga-ra sửa chữa, sau đó được công ty Bảo hiểm thanh toán theo quy định. Thực tế, hầu hết các công ty bảo hiểm đều xây dựng điều khoản này trong một số loại hình của mình. Tuy nhiên, không ít khách hàng chỉ mua bảo hiểm vỏ xe có khấu hao thay mới mà không mua gói có Bảo hiểm tự chọn ga-ra sữa chữa, không khấu hao thay mới. Nguyên nhân thường xuất phát từ cả hai phía: người mua muốn lựa chọn gói dịch vụ rẻ còn nhân viên bán bảo hiểm thì giới thiệu không đầy đủ.

Bởi thế, theo nhiều chuyên gia bảo hiểm, lời khuyên chung cho tất cả khách hàng là hãy yêu cầu nhân viên bảo hiểm tư vấn mọi hình thức bảo hiểm và quyền lợi liên quan. Tất cả sẽ giúp khách hàng tránh được tình huống, dám mua “trâu” nhưng không mua “cọc”, đến khi xảy ra sự cố lại tiếc nuối vì không có “cọc” mà mất cả “trâu”.

Đừng mất tiền oan vì thiếu hiểu biết…

Những rắc rối liên quan tới bảo hiểm xe ôtô không chỉ dừng ở đây. Chỉ cần lướt một vòng trụ sở, chi nhánh hoặc bộ phận có chức năng thanh toán bảo hiểm sẽ thấy nhiều trường hợp tranh cãi dở khóc dở cuời… Lỗi từ phía bảo hiểm cũng có nhưng chủ yếu, nguyên nhân xuất phát từ sự hiểu biết thiếu đầy đủ của khách hàng. Trong đó, vi phạm của khách hàng về giấy phép lái xe, đăng kiểm, mua bảo hiểm cao hoặc thấp hơn giá trị thực tế của xe chính là những cái “chết” phổ biến nhất hiện nay.

Tại trụ sở Bảo Việt (Hà Nội), một Việt kiều tại Mỹ đang đỏ mặt tranh cãi với nhân viên công ty do bị từ chối bảo hiểm. Cụ thể, vị khách này có bằng lái xe quốc tế (về nguyên tắc, có giá trị tại tất cả các quốc gia – PV), đã thuê một chiếc Mitsubisi Jolie lái tại Việt Nam và gây tai nạn với một chiếc môtô khác. Hậu quả, hai người trên xe môtô bị thương, xe ôtô thiệt hại khoảng 78 triệu VNĐ. Sau tai nạn, người này đã yêu cầu Bảo Việt giải quyết bồi thường mà không biết rằng, bằng lái xe quốc tế hiện có của mình không hợp lệ.

Nhân viên bảo hiểm khẳng định: theo quy định, bằng lái quốc tế chỉ có hiệu lực khi người có bằng tới cục Đường bộ đề nghị đổi sang bằng Việt Nam”. Nếu hiểu được điều này, thiệt hại 78 triệu VNĐ và phí bồi thường cho hai nạn nhân sẽ được nhanh chóng giải quyết. Tất nhiên, những tranh cãi nảy lửa sẽ không còn.

Sai phạm về giấy phép lái xe càng phổ biến hơn khi nhiều khách hàng vô tư “lướt” cùng chiếc xe không phù hợp với tấm bằng mình sở hữu. Ví dụ, khách hàng có bằng A1 nhưng lái xe A2. Hoặc, người sử dụng có bằng thông thường nhưng lái xe tương đồng dùng cho mục đích kinh doanh; người có bằng lái quân sự nhưng lại điều khiển xe dân sự… Tất cả đều dẫn đến kết quả chung: khách hàng không được giải quyết bảo hiểm ngay khi đã mua bảo hiểm.

Một thiệt thòi đáng tiếc không kém là hiện trạng rất ít lái xe thực hiện đăng kiểm đúng thời hạn. Dù giấy phép lái xe có giá trị, bảo hiểm mua loại “xịn” nhất nhưng đăng kiểm quá thời hạn sẽ làm “cánh cửa” bảo hiểm đóng sập ngay trước mặt.

Đó là chưa kể hiện tượng, không ít chủ xe cố tình mua bảo hiểm cao hoặc thấp hơn giá trị thực tế của xe nhằm trục lợi bảo hiểm. Nguyễn Tuấn Th., chủ nhân một chiếc Transit 2.4 mới cứng hứng khởi: “Giá xe hơn 32.000 USD. Tôi chỉ mua bảo hiểm vật chất xe bằng 80% giá trị thôi. Đỡ tốn tiền mà biết đâu lại được bảo hiểm đúng giá trị thực tế”. Nói rồi, Th cười sảng khoái. Nhưng tôi tự hỏi, nụ cười của Th sẽ kéo dài bao lâu nếu biết: khi xảy ra sự cố, Th sẽ chỉ được đền bù bằng đúng giá trị bảo hiểm đã mua, dù thiệt hại có cao hơn mức nhiều lần. Mặt khác, ngay cả trường hợp mua bảo hiểm cao hơn giá trị xe thực tế, khi xảy ra sự cố, khách hàng cũng chỉ được đền bù đúng bằng giá trị thật của xe hoặc phụ tùng.

Chị Hương Giang, công ty bảo hiểm Bảo Minh, thẳng thắn: “Đây là một khúc mắc điển hình khiến nhân viên bảo hiểm phải giải thích, thậm chí bị khách hàng chỉ trích, đe dọa”.

Tuy nhiên, theo nhiều nhân viên có kinh nghiệm, những sự việc đáng tiếc trên sẽ được hạn chế đáng kể nếu khách hàng được tư vấn kỹ và giải thích triệt để về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm của mình. Bên cạnh đó, bản thân khách hàng phải là người đầu tiên chủ động tìm hiểu và tuyệt đối tránh mọi thủ thuật nhằm trục lợi bảo hiểm. Tất cả sẽ giúp cả hai phía khách hàng và công ty bảo hiểm hạn chế những rắc rối, tranh cãi không cần thiết về sau.

Một số chú ý:

+ Ngoài bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ xe nên mua bảo hiểm vỏ xe có khấu hao thay mới nếu xe đã cũ, giá trị thấp; mua bảo hiểm vật chất xe nếu giá mới, giá trị cao hoặc là siêu xe. Cả hai loại xe trên nên mua bảo hiểm ngậm nước vì xe thường thiệt hại rất nặng nếu nhiễm nước.

+ Khi xảy ra tai nạn, lái xe cần giữ nguyên hiện trường và gọi tới điểm bảo hiểm gần nhất hoặc số Hotline (thường ghi sau thẻ bảo hiểm) của công ty đã lựa chọn.

Theo Thúy Hằng (Autonet)

Comments are closed.