Bảo hiểm nông nghiệp thất bại cũ, thách thức mới

dong_lua_resize.jpgTại Nghị quyết 24 NĐ-CP ngày 28/10/2008 về Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), trình Chính phủ trong quý II/2009.

Thực tế, không phải đến bây giờ, loại hình này mới được quan tâm mà cách đây hơn 20 năm, loại hình BHNN đã được triển khai đến các hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, loại hình bảo hiểm này gần như không còn tồn tại do quy mô sản xuất nông nghiệp cả nước còn manh mún, nhỏ lẻ. Và trong lĩnh vực này, câu hỏi đặt ra là: bao giờ cung mới gặp cầu?

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia BHNN ở Việt Nam còn rất thấp, chiếm chưa đến 1% tổng diện tích cây trồng, số vật nuôi. Mặc dù, BHNN đã được triển khai ở Việt Nam từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, và năm 1983, Tập đoàn Bảo Việt cũng đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000 ha lúa, nhưng đến năm 1999 thì phải bỏ cuộc vì không có lãi (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14,4 tỷ đồng). Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính Phùng Ngọc Khánh cho rằng BHNN chưa phát triển được một phần là do chưa có một phương pháp đánh giá nào chính xác giúp doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro và phân định thiệt hại một cách khách quan. Muốn phát triển BHNN thì phải có mô hình mới chứ không thể theo mô hình bảo hiểm truyền thống nữa.

 

Thực tế, trong đề án “Tam nông”, Bộ NN&PTNT cũng đã kiến nghị cần có chính sách bảo hiểm cho nông dân. Theo Phó cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Tăng Minh Lộc, với mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, thì bảo hiểm sẽ giảm bớt rủi ro và động viên được doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp. Lâu nay, khi gặp thiên tai, Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần thiệt hại cho nông dân, phần ngân sách này không nhỏ nhưng khi chia đến mỗi người dân lại chẳng được bao nhiêu. Do vậy, cần phải giúp nông dân tham gia đóng bảo hiểm để họ có trách nhiệm cao hơn trong sản xuất và khi rủi ro họ sẽ được bồi hoàn xứng đáng.

 

Vướng mắc đối với cả doanh nghiệp lẫn nông dân khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp hiện nay chính là quy mô sản xuất của nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc cho rằng nguyên tắc bảo hiểm là số đông tham gia thì bù cho số ít bị thiệt hại. Cách đây 20 năm khi còn tồn tại mô hình hợp tác xã nông nghiệp thì việc triển khai loại bảo hiểm này rất dễ, chỉ cần chủ nhiệm hợp tác xã quyết định mua bảo hiểm là xong. Nay người nông dân sản xuất theo cơ chế thị trường, phải tự quyết định và chấp nhận rủi ro, phải nhận biết được rủi ro và nếu thấyvượt quá khả năng của mình thì phải mua bảo hiểm. Nông dân rất ít khi nghĩ đến việc mua bảo hiểm, kể cả tuyên truyền vận động dân cũng rất khó. Nhưng nếu sản xuất lớn, có đầu ra ổn định thì nhất định người dân sẽ cân đối được thu nhập và khả năng thiệt hại, từ đó sẽ ý thức được việc phải trích một phần lợi nhuận để mua bảo hiểm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai loại hình bảo hiểm nông nghiệp có thể nên bắt đầu từ các trang trại, vùng chuyên canh, bởi những đối tượng này có đầu tư lớn, trình độ nhất định, quy mô sản xuất tương đối lớn, sẵn sàng áp dụng kỹ thuật.

 

Phó cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Tăng Minh Lộc cũng đồng tình, chủ trương bảo hiểm nông nghiệp là đúng nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu đang là bài toán khó. Chúng ta phải xây dựng được các điều kiện như quy mô sản xuất thế nào? Áp dụng với loại sản phẩm gì? Quy trình sản xuất ra sao? Hệ thống nào để giám sát quá trình sản xuất cơ bản? Hệ thống nào đánh giá nhanh, khách quan khi xảy ra rủi ro? Doanh nghiệp bảo hiểm phải có vốn, đội ngũ cán bộ ra sao mới được kinh doanh loại bảo hiểm này? Khi có vi phạm chế tài xử phạt như thế nào? Ở đây, vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia bảo hiểm trong thời gian đầu là rất quan trọng, có tính chất đón đầu nhưng Nhà nước không nên bao cấp. Về hình thức, BHNN có thể áp dụng: Bảo hiểm toàn phần, bảo hiểm từng phần bao gồm cả loại bắt buộc lẫn tự nguyện.

 

Kinh nghiệm cho thấy, BHNN chỉ có thể thực hiện thành công khi nó trở thành một chính sách của Nhà nước. Theo các chuyên gia, Việt Nam có quá nhiều thiên tai, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu Nhà nước trích một phần nguồn ngân sách Nhà nước và hình thành quỹ để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai BHNN thì sẽ hiệu quả hơn.

 

Theo Nongdan24g.com

Comments are closed.