Bảo hiểm nông nghiệp: Sẽ thực hiện bài bản

Người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra. Ảnh: Thế Lập - TTXVN“Trước đây, cũng đã thực hiện BHNN nhưng không chặt chẽ và bài bản như lần này mà chủ yếu là do địa phương tự làm. Lần này, sẽ tiến hành tập trung, chỉ đạo bài bản theo hệ thống nhà nước”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí.Xin ông cho biết việc thực hiện BHNN có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Trước tiên, BHNN sẽ góp phần giải quyết được hai mâu thuẫn lớn trong sản xuất nông nghiệp của nước ta: Mâu thuẫn giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao và mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn. Hai mâu thuẫn này thực sự là thách thức lớn đối với nông nghiệp của nước ta. Một trong những giải pháp để giải quyết, khắc phục được mâu thuẫn này là phải thực hiện bảo hiểm, hay còn gọi là “giá đỡ” cho nông dân khi sản xuất nông nghiệp. Nếu BHNN được triển khai ra diện rộng sẽ làm cho nông dân yên tâm trong quá trình canh tác.

Thứ hai, chính sách này đưa ra nhằm giúp đỡ đối tượng trực tiếp là người nghèo. Khi tham gia bảo hiểm, người nghèo được Chính phủ hỗ trợ 100%, người cận nghèo được hỗ trợ 80%, những người khác tham gia bảo hiểm được hỗ trợ 60%. Như vậy vừa giải quyết được chính sách chung, vừa tập trung cho đối tượng người nghèo để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
Thứ ba, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia vì cả doanh nghiệp làm bảo hiểm và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều được hỗ trợ. Điều này có nghĩa vô cùng to lớn.

Theo ông, để thực hiện thành công chính sách bảo hiểm này thì các địa phương cần phải làm gì?

Đầu tiên, các địa phương phải chọn đúng địa bàn thí điểm có tính khả thi cao để sau này nhân rộng ra. Phải chọn những vùng sản xuất tập trung, không lựa chọn hình thức phân tán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải tính toán rất kỹ mức thu, mức chi bảo hiểm, hình thành được các Quỹ bảo hiểm. Trong quỹ đó tính rõ phần của dân, phần của doanh nghiệp và phần của Nhà nước.

Hiện nay, có nhiều cách để thành lập Quỹ bảo hiểm. Chẳng hạn, với loại hình sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm chúng ta xuất khẩu 6,8 triệu tấn lương thực. Nếu mỗi 1kg gạo xuất khẩu, chỉ cần đóng 10 đồng bảo hiểm thôi thì một năm Quỹ bảo hiểm có 68 tỷ đồng. Cứ 1 tấn lúa đóng 50 đồng bảo hiểm thì cộng hai khoản này cũng được trên 100 tỷ đồng. Đây là hình thức để doanh nghiệp có thể tham gia vào bảo hiểm, góp phần tạo ra sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp thông qua bảo hiểm. Phải hình thành được những loại quỹ như thế mới mang tính ổn định lâu dài được.

Hiện nay có khá nhiều nông dân chưa nắm bắt được nhiều thông tin về BHNN. Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch gì tuyên truyền về vấn đề này?

Đúng vậy, thực sự cho đến bây giờ còn khá nhiều nông dân chưa hiểu gì về BHNN. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền cho rõ, đừng có nôn nóng làm đại trà ngay, nhất là với những tỉnh trọng điểm. Bản thân tỉnh đó cũng phải chọn những vùng điểm, địa bàn điểm để làm. Làm ở địa bàn nào phải nói cho dân rõ. Đồng thời phải tuyên truyền cho người dân rõ nếu làm tốt trong quá trình chăn nuôi thì có lợi hơn so với nhận bảo hiểm, tránh tư tưởng muốn lấy tiền bảo hiểm mà con người để xảy ra dịch bệnh là rất nguy hiểm.

Sau khi ra được dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện BHNN, Bộ NN&PTNT sẽ mời ngay các địa phương theo từng khối một, ví dụ như các địa phương liên quan đến lúa, thủy sản, chăn nuôi ngồi lại với nhau để bàn về cách làm như thế nào cho hiệu quả. Thứ hai là lên kế hoạch tuyên truyền để từ nay đến năm 2013, việc thực hiện BHNN đạt được chủ trương của Nhà nước.

Hữu Vinh
Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam.

Comments are closed.