Bảo hiểm niềm tin

nganhang.jpgCuộc chạy đua lãi suất đang diễn ra giữa các ngân hàng thương mại phản ánh một vấn đề cơ bản – đó là đánh đổi giữa rủi ro đạo đức và ổn định tài chính vĩ mô.

Tiền gửi được bảo hiểm hai lần

Hiện nay tại Việt Nam, đang tồn tại cùng một lúc hai trạng thái về bảo hiểm tiền gửi, công khai và ngầm định. Bảo hiểm tiền gửi công khai là do định chế Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được hình thành từ năm 2000 tiến hành. Mức bảo hiểm của định chế công khai này là không lớn, chỉ khoảng 50 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi.

Tuy nhiên, mức độ bảo hiểm tiền gửi ngầm định thì khá lớn. Lâu nay chúng ta đều có ý nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cả hệ thống ngân hàng thương mại sẽ không “khoanh tay làm ngơ” khi một ngân hàng nào đó bị mất khả năng thanh toán. Chính vì suy nghĩ như vậy, đã vô tình tạo ra một hệ thống bảo hiểm tiền gửi ngầm định của Việt Nam. Nói nôm na là người dân tin tưởng vào một “cam kết bảo kê” (bail-out) của NHNN và Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng. Qua những trường hợp đối phó với những vụ khủng hoảng tại ACB và các vụ mất khả năng thanh toán tạm thời của các ngân hàng nhỏ, NHNN đã tạo lập niềm tin cho người gửi tiền, nhưng đồng thời cũng tạo ra một rủi ro đạo đức (moral hazard) cho họ: đó là chỉ cần ngân hàng nào đưa ra lãi suất cao thì gửi, chứ không quan tâm ngân hàng đó có thể mất khả năng thanh toán hay không.

Điều này có thể thấy qua việc người gửi tiền rút tiền từ ngân hàng lớn lãi suất thấp hơn sang gửi ở ngân hàng nhỏ “siêu lãi suất”. Các ngân hàng “siêu lãi suất” hiện tại, phần đông là những ngân hàng bị thiếu hụt vốn, cần phải thu hút vốn bằng bất cứ giá nào. Những mức lãi suất 12% trở lên là những mức lãi suất rất cao. Liệu người gửi tiền có nghĩ làm sao các ngân hàng này trả nổi mức lãi suất đó? Với một chi phí vốn vay cao như vậy, ngân hàng phải tiến hành cho vay với lãi suất cao hơn đáng kể mới mong duy trì được lợi nhuận. Mà muốn cho vay lãi suất cao thì phải chấp nhận cho vay những dự án rủi ro hơn, cũng giống trường hợp tín dụng nhà ở dưới chuẩn của Mỹ. Đây chính là nơi phát xuất rủi ro đạo đức của các ngân hàng thương mại: buộc phải chạy theo những dự án rủi ro hơn thay vì phải đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Ngân hàng cũng được bảo hiểm

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái, thì không thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam tạo ra những tăng trưởng thần kỳ và vì thế, khả năng các dự án được cho vay tạo ra mức lợi nhuận đủ để trả lãi vay giảm hẳn đi. Trong tình hình như thế, ngân hàng dễ rơi vào trạng thái thua lỗ và khủng hoảng thanh khoản. Như vậy, rõ ràng xuất hiện một cơ chế chuyển rủi ro đạo đức từ người gửi tiền, thông qua kênh cạnh tranh lãi suất, dẫn đến rủi ro đạo đức của ngân hàng. Kết quả của kênh truyền động này khiến hệ thống ngân hàng đứng trước rủi ro cao hơn nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến đã so sánh tình hình hiện nay với việc sụp đổ hệ thống tín dụng nhiều năm trước.

Trước rủi ro hệ thống bị mất ổn định, rủi ro đạo đức của nhà điều hành chính sách cũng phát sinh. Một lãnh đạo hệ thống ngân hàng TPHCM đã phải nghĩ tới giải pháp “hành chính” trong kiềm chế cuộc đua lãi suất, chỉ vì cuộc đua lãi suất đã đưa hệ thống vào tình trạng nguy hiểm. Đây là tín hiệu của “rủi ro đạo đức kiểu Việt Nam” trong việc đối phó với những tình huống bất lợi của nhà thực thi và điều hành chính sách: dù có chuyện gì thì cũng còn “giải pháp hành chính” hậu thuẫn. Một ví dụ rõ nhất gần đây là việc bắt buộc các ngân hàng mua tín phiếu để thu hút tiền về qua kênh thị trường mở. Do từ trước tới nay, hiệu quả trung hòa lượng tiền đồng dùng để mua đô la thông qua kênh thị trường mở quá kém, nên để đối phó với tình huống khẩn cấp, NHNN đã dùng ngay đến công cụ cuối cùng của mình: biện pháp hành chính. Như vậy, chính tư duy điều hành chính sách của chúng ta cũng đã hình thành một dạng rủi ro đạo đức.

Cân bằng đánh đổi rủi ro đạo đức và ổn định tài chính vĩ mô bị phá vỡ

Trong việc thiết kế các định chế bảo hiểm tiền gửi, NHNN đã xác định là sẽ đánh đổi rủi ro đạo đức của người gửi tiền và ổn định tài chính vĩ mô. Theo đó, có bảo hiểm tiền gửi (dù là ngầm định hay công khai) thì người gửi tiền sẽ ít bị hoảng loạn hơn, không đến ngân hàng rút tiền vô cớ, không tạo ra những vụ tháo chạy rút tiền khỏi ngân hàng. Như vậy, NHNN sẽ đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và tài chính vĩ mô không bị xáo động, chấp nhận đánh đổi việc rủi ro đạo đức sẽ phát sinh ở người gửi tiền. Rõ ràng, cân bằng này phát huy tác dụng trong những năm gần đây khi mà hệ thống ngân hàng thương mại phát triển ổn định. Lúc này, lợi ích từ ổn định tài chính vĩ mô đã vượt qua chi phí do rủi ro đạo đức tạo ra cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay, với việc thắt chặt chính sách tiền tệ và hình thành cuộc chạy đua lãi suất, cân bằng này có nguy cơ bị phá vỡ. NHNN đang phải nhắm tới một mục tiêu ổn định tài chính vĩ mô khác là giảm lạm phát, và đã “sao nhãng trong phút chốc” cái nguy cơ bất ổn định hệ thống ngân hàng. Việc thiên vị một mục tiêu mới so với mục tiêu lâu nay đã khiến cân bằng trong đánh đổi rủi ro đạo đức và ổn định tài chính vĩ mô bị phá vỡ.

Chi phí mà rủi ro đạo đức tạo ra cho xã hội hiện nay là những cuộc chiến lãi suất không ngừng giữa các ngân hàng, rủi ro mất khả năng thanh khoản của cả hệ thống và sức ép chi phí lãi vay lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí của rủi ro đạo đức đã quá lớn trong khi mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng hiện nay cũng bị đe dọa, chỉ vì chúng ta dùng hai chi phí này để đánh đổi cho một lợi ích mới: nhắm tới lạm phát thấp. Nhưng liệu nếu hệ thống ngân hàng bị mất khả năng thanh khoản, thì NHNN có quay lại cứu hệ thống hay không? Mà nếu NHNN cung tiền ra cứu hệ thống ngân hàng, thì chính sách lạm phát có được đảm bảo hay không? Đây chính là cái “bẫy thanh khoản” (liquidity trap) tạo ra cho chính sách, dễ dàng dẫn đến trạng thái cân bằng cũ của hệ thống bị phá vỡ tạm thời, khiến cho lạm phát vẫn tăng lên, hệ thống ngân hàng bất ổn, hình thành một trạng thái cân bằng mới: mất ổn định tài chính vĩ mô và rủi ro đạo đức của người gửi tiền giảm xuống. Nói cách khác, trạng thái đó là một trạng thái mất ổn định kinh tế và khủng hoảng niềm tin của người dân với chính sách.
Theo TBKTSG

 

Comments are closed.