Bảo hiểm “lấn sân” ngân hàng

bh_lan_san_nh.jpgNguy cơ giảm sút và thua lỗ trong nghiệp vụ chính nên các doanh nghiệp bảo hiểm âm thầm “lấn sân” hoạt động cho vay tiêu dùng, tín chấp…

Ngành bảo hiểm (BH) VN đang đứng trước thách thức lớn vì chịu sự tác động trực tiếp từ 2 vấn đề chính là lạm phát và lãi suất. Theo các doanh nghiệp (DN) BH, chưa khi nào thị trường lại khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời điểm hiện nay.

Từ những cái “bắt tay” …

Thực ra nguồn lợi nhuận chính đem lại doanh thu cho các công ty BH trong thời gian qua không phải từ kinh doanh BH mà chủ yếu từ các hoạt động khác như đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ, gửi ngân hàng (NH)… Tuy nhiên, năm 2008, nền kinh tế rơi vào bối cảnh khó khăn nên nguồn thu từ các hoạt động trên của các DN BH phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Đó là thách thức duy trì về sự tăng trưởng, nguy cơ và rủi ro khi số lượng hợp đồng bị ngưng trệ, bị phá vỡ… Hiện nay VN là thị trường có tỉ lệ bỏ hợp đồng BH cao nhất thế giới, khoảng 30%.

Chính những lo ngại trên khiến không ít DN BH tìm hướng đi mới. Hiện đã có không ít công ty BH hợp tác với NH để cung cấp các sản phẩm BH qua NH ngày càng phổ biến. Đã có khá nhiều cái “bắt tay” của các đối tượng này như ACE và DongABank, ABIC và Agribank, Bảo Việt và HSBC… để hai bên cùng có lợi, tháo gỡ khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc DongABank, khi hợp tác với NH thì các công ty BH có thể cung cấp những sản phẩm BH đa dạng và linh hoạt (BH tai nạn cá nhân, BH du lịch, BH quản lý rủi ro cho chính bản thân hoặc DN…) qua hệ thống mạng lưới các chi nhánh NH trên cả nước. Từ đây, các công ty BH đã tận dụng được mạng lưới hoạt động rộng lớn của NH để làm kênh phân phối các sản phẩm BH, giúp các công ty BH có được một lượng khách hàng lớn từ các NH. Riêng các NH cũng muốn sử dụng các sản phẩm BH để gia tăng tiện ích, tạo ra các sản phẩm tài chính trọn gói cho khách hàng.

…Đến “lấn sân”

Tuy nhiên, các công ty BH nước ngoài không chỉ dừng lại từ chuyện hợp tác mà đang tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, tín chấp đối với khách hàng cá nhân – một thị phần béo bở, vốn là độc quyền của các NH trước nay. Hiện Công ty Tài chính Prudential VN (PruFC) mạnh tay cho vay tín chấp (vay mua nhà ở, mua ô tô và hỗ trợ mua sắm: sửa- xây nhà, mua đồ dùng…) với những thủ tục đơn giản. Hiện mỗi ngày công ty này tiếp nhận hơn 400 hồ sơ đề nghị vay của khách hàng. Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một NH cho biết, thoạt nhìn có thể thấy PruFC khá liều lĩnh, nhưng thực tế đây lại là chiêu thức cạnh tranh khá chuyên nghiệp của các DN BH vì hiện nay các NH đều khóa cửa vay này. Đây cũng là đối thủ đáng gờm của các NH VN trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng vì họ luôn trường vốn, công nghệ dịch vụ tốt, nhân lực cao, kinh nghiệm quản lý dày dạn…

Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nếu bỏ ra 5 tỉ đồng để cho 500 người vay vốn, nếu có bị rủi ro thì chi phí rủi ro vẫn còn quá thấp so với chi phí quảng bá thương hiệu. Thêm vào đó, các NH phải lo đối phó với dự trữ bắt buộc, tín dụng 30%… nên kênh này hoàn toàn bỏ ngỏ khiến cầu thì có mà cung không.

Theo NLĐ

 

Comments are closed.