Bảo hiểm lại “xé rào” vào trường học

t8b.gifNhiều năm qua, Bảo Việt An Giang (BVAG) vẫn cứ “ngoéo tay” với ngành giáo dục để thâm nhập vào trường học.

Ép học sinh mua bảo hiểm

Dù đã từng bị UBND tỉnh An Giang nhắc nhở về việc sử dụng các văn bản hành chính ép buộc học sinh tham gia bảo hiểm (BH), nhưng vào ngày 6.8.2008, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT An Giang Võ Thiện Hữu lại ký “Thông báo liên ngành” với Giám đốc BVAG Trầm Mậu Xuân về việc mua BH trong ngành GD-ĐT. Theo đó, tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên công tác trong ngành là đối tượng mua BH tai nạn, ốm đau, thương tật, nằm viện… của BVAG. “Thông báo liên ngành” số 123/2008/TB.LN đã được gửi khắp nơi trong tỉnh An Giang. Nội dung (tóm tắt) như sau: “Được sự ủy nhiệm của Ban giám đốc Sở GD-ĐT An Giang (…), nay Công đoàn ngành GD-ĐT và BVAG thống nhất hướng dẫn thực hiện BH cho cán bộ, công chức ngành GD (cho thời hạn từ 25.12.2008 đến hết ngày 24.12.2009)… Thời hạn nộp phí trước ngày 15.11.2008 để Sở GD-ĐT An Giang ký hợp đồng BH cho toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành GD với BVAG trước ngày 25.12.2008”.

Nội dung bản “Thông báo liên ngành” còn nêu rõ “quyền lợi” của Công đoàn ngành GD-ĐT An Giang khi mua BH cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn ngành tại BVAG, gồm: được trích 8% gây quỹ tình thương của ngành; Công đoàn cơ sở được chia hoa hồng 8% và Công đoàn GD An Giang được chia hoa hồng 2% trên tổng phí BH. Có lẽ chính khoản hoa hồng khá lớn này đã khiến Công đoàn ngành GD-ĐT nhiều lần “xé rào” ký “thông báo liên ngành” với BVAG, dù đã từng bị nghiêm cấm, phê bình, nhắc nhở…

Trên phê bình, dưới phản đối

“Thông báo liên ngành” phát đi đã vấp phải sự phản ứng của nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh. Ông Lê Thành Tân – Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh An Giang, bức xúc nói: “Hôm rồi tôi đi họp phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm nói BH là tự nguyện nhưng lại không tự nguyện. Trên giao chỉ tiêu xuống coi như là bắt buộc giáo viên, học sinh phải tham gia. Bởi vì, lãnh đạo còn tính tới cả chuyện thi đua nữa. Kiểu này ngặt quá. Công đoàn GD An Giang và BVAG đã làm không trúng với quy định chung. Tôi sẽ có ý kiến trong kỳ họp HĐND tới đây”.

 

“Một số doanh nghiệp BH sử dụng các biện pháp hành chính mang tính áp đặt người tham gia BH phải mua BH tại một hoặc một số doanh nghiệp BH được chỉ định. Việc làm này vi phạm quy định tại Luật Kinh doanh BH và Luật Cạnh tranh… Bộ Tài chính sẽ kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo các quy định của pháp luật”. (Công văn số 10767/BTC-BH do Vụ trưởng Vụ BH – Bộ Tài chính Trịnh Thanh Hoan ký gửi các doanh nghiệp BH phi nhân thọ ngày 13.8.2007)

Trong khi đó, tiến sĩ Hồ Việt Hiệp – Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, khẳng định: “Năm nay lãnh đạo Sở không có chỉ đạo, không có ký kết liên tịch gì hết. Các trường, các cán bộ, giáo viên, học sinh nhận thấy doanh nghiệp BH nào tốt thì cứ tự nguyện đăng ký mua. Anh Hữu làm kiểu này rồi BVAG sẽ chủ quan trong việc giảm bớt các cơ chế cạnh tranh gây thiệt hại cho giáo viên lẫn học sinh. Tôi sẽ làm việc ngay với anh Hữu để chấn chỉnh…”. Ông Hiệp nhấn mạnh: “Anh Võ Thiện Hữu không có bàn bạc với lãnh đạo Sở nhưng lại tự ý đưa vào thông báo liên tịch câu được sự ủy nhiệm của Ban giám đốc Sở GD-ĐT An Giang là không đúng”.

Khi chúng tôi đưa ra các văn bản có liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang (LĐLĐAG) cầm đọc rất kỹ. Ông Nhiên cho biết ông Võ Thiện Hữu hiện là Thường vụ LĐLĐAG. “Anh Hữu ký thông báo liên ngành như vậy là không đúng. Công đoàn ngành GD nếu có văn bản gửi cho Công đoàn GD cơ sở thì nên nói về lợi ích chung của việc mua BH. Giáo viên, học sinh muốn mua ở đâu, của ai thì tùy, không nên định hướng, ép buộc. Tôi sẽ báo lại Thường vụ LĐLĐ tỉnh để làm việc với anh Hữu. Nếu điều chỉnh kịp, chúng tôi sẽ có văn bản điều chỉnh ngay. Năm tới, anh Hữu đừng ký liên tịch nữa. Ai muốn mua của ai thì cứ mua. Anh Hữu ra văn bản độc quyền cho BVAG vừa dở, vừa dễ dẫn đến tiêu cực” – ông Nhiên nói thẳng.

 Quang Minh Nhật (Thanh Niên Online)

 

Comments are closed.