Bảo hiểm học sinh: “Mua cho cô giáo… hài lòng!”

baohiemhcinh.jpgThị trường bảo hiểm học sinh (BHHS) thời gian gần đây phát triển mạnh, với sự tham gia của nhiều DN bảo hiểm. Tuy nhiên, do ham “hoa hồng” nhiều trường đã cùng lúc cho 2-3 DN vào bán bảo hiểm nhưng không giải thích rõ từng loại hình; rồi chất lượng bảo hiểm kém, chi trả chậm khiến các bậc phụ huynh kêu trời.

Nhà trường đưa danh sách đóng tiền học đầu năm, có 2 khoản bảo hiểm đều nói tự nguyện, nhưng hầu hết chúng tôi đều mua cho cô giáo hài lòng. Tới khi đưa con đi khám bệnh mới thấy mình… bé cái nhầm”- một phụ huynh tâm sự.  

“Nhầm” và chậm

Đầu tháng 11-2007, đưa con gái đi khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), chị Trần Thị Giang mới vỡ lẽ mình đã mua “nhầm” thẻ bảo hiểm cho con. Thẻ bảo hiểm toàn diện (BHTD) cho học sinh mà chị mua cho con với giá 40.000 đồng/năm không có giá trị thanh toán tại Trung tâm Y tế này và tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước khác như thẻ BHYT. Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng – phụ huynh học sinh Trường THCS Phủ Lý B – thị xã Phủ Lý (Hà Nam) cũng vừa đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam kể: “Trước khi khám họ bắt mua phiếu khám và trả tiền như thường. Tôi đưa thẻ BHTD của Bảo Việt ra thắc mắc, họ quát: mua BH của Bảo Việt thì cầm phiếu tính tiền đến Bảo Việt mà thanh toán”.

Tại Viện Nhi T.Ư, trường hợp cha mẹ bệnh nhân “nhầm” như vậy xảy ra khá thường xuyên. Một cán bộ phòng kế hoạch tổng hợp, BV Nhi T.Ư cho biết: rất nhiều phụ huynh chìa tấm thẻ của Bảo Việt hoặc Bảo Minh ra để đăng ký khám chữa bệnh miễn phí. Họ nói: Nghe tên BHTD và bảo hiểm thân thể học sinh (BHTT) nên tưởng nó sẽ được thanh toán toàn diện trong trường hợp ốm đau, ai dè!

Ngay cả khi “hiểu quy trình” để thanh toán BH khi con ốm, nhiều phụ huynh cũng phát ngán vì nhiêu khê. Cô giáo Trần Thị Tâm- phụ trách vấn đề bảo hiểm của Trường THCS Lương Khánh Thiện, thị xã Phủ Lý (Hà Nam) cho biết, cuối tháng 8-2007, một học sinh lớp 8A của trường vừa phải đi mổ mắt ở Viện Mắt T.Ư.

Ngày 13-9, cô Tâm tới trụ sở của Bảo Việt ở Hà Nam làm thủ tục thanh toán cho học sinh thì nhận được thông điệp là “chờ!”. Mấy tuần sau, Bảo Việt vẫn chưa có hồi âm. “Vậy mà lúc đến chào hàng, họ nói thủ tục chi trả bảo hiểm nhanh gọn chỉ 3 ngày đến một tuần là xong. Thực ra tiền thanh toán cũng chẳng đáng bao nhiêu, ngay như con tôi nằm viện 8 ngày mà chỉ được 42.000 đồng. Nhưng dù ít cũng phải thanh toán đúng quy định chứ?”, cô Tâm bức xúc.

Mua bảo hiểm tù mù!

Chị Nguyễn Thị Hồng – phụ huynh học sinh Trường Phủ Lý B, thị xã Phủ Lý (Hà Nam) bày tỏ: “Đi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm ghi hết các khoản đóng tiền ở trên bảng và nói rằng BHYT và BHTD là 2 khoản đóng tự nguyện, không giải thích cụ thể gì thêm nữa. Thấy liệt kê tiền trên bảng nên chúng tôi đóng thôi nhưng thường không mấy ai mua cả 2 loại BH vì … tốn tiền”.

Anh Lê Tuấn Anh (phường Trần Hưng Đạo, thị xã Phủ Lý, Hà Nam) cũng khẳng định: “Tôi chỉ mua cho cháu BHTD của Bảo Việt vì rẻ, mọi năm 18.000 đồng, năm nay tăng lên 36.000 đồng/năm. Giáo viên chỉ nói giá, còn bảo hiểm như thế nào thì chịu, không được phổ biến mà tôi cũng không mấy quan tâm. Mấy năm tôi mua BHTD liên tục cho con nhưng ốm đau có dùng đến bảo hiểm đâu bởi quá phiền phức, mua cho cô giáo hài lòng là chính”.

Cùng lý do “mua cho cô giáo hài lòng”, anh Hoàng Văn Nam – phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Hùng Sơn (Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết: “Tâm lý chung của phụ huynh là tham gia ít nhất 1 loại hình bảo hiểm với mong muốn cô giáo quan tâm hơn đến con mình”.

Điều đáng nói là đa số thầy cô giáo cũng không biết hoặc không được cung cấp thông tin về quyền lợi của từng loại bảo hiểm cho học sinh để giải thích cho phụ huynh. Cô giáo Trần Thị Tâm cho biết: “Thường thì chỉ giáo viên phụ trách về BH mới biết, thực ra quyền lợi của người tham gia BHYT hay BHTD, BHTT cơ bản giống nhau, có một điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là ở việc chi trả bảo hiểm. BHYT chi trả ngay tại cơ sở khám chữa bệnh, BHTD, BHTT thì không như vậy mà phải đến cơ sở bảo hiểm mới được thanh toán”.

Phần nhiều giáo viên chỉ biết số tiền của từng loại bảo hiểm “để thu cho dễ”. Một giáo viên chủ nhiệm cho biết: 2 loại hình bảo hiểm có 2 mức đóng chênh lệch, nếu tham gia BHYT cho học sinh, đóng 80.000 đồng/học sinh/năm; đóng BHTD của doanh nghiệp (gồm Bảo Việt, Bảo Minh, P-Jico) chỉ từ 25.000- 40.000 đồng/học sinh/năm.

Nếu phụ huynh mua cả 2 loại BH thì đóng 105.000-120.000 đồng/học sinh/năm. Đầu năm học, nhiều khoản tiền đóng góp nên đa số phụ huynh chặc lưỡi quyết định chọn mua BH giá rẻ hơn, 25.000-40.000 đồng.

Theo quy định của đa số doanh nghiệp kinh doanh BHHS hiện nay, thẻ BHTD, BHTT chỉ được thanh toán sau khi ra viện với đầy đủ hồ sơ chứng từ và khống chế với mức rất… hẻo. Với trường hợp ốm nằm điều trị nội trú, được thanh toán nhiều nhất là 60 ngày/năm, số tiền thực lĩnh tối đa khoảng 1 triệu đồng cho cả đợt điều trị. Bên cạnh đó, cũng có quy định khắt khe về việc trả “một cục” cho chi phí phẫu thuật. Chẳng hạn, cắt 1/3 cánh tay thanh toán 270.000 đồng, cắt dạ dày thanh toán tối đa 1 triệu đồng! 

Theo Tin tuc Online

 

Comments are closed.