Bảo hiểm “gồng mình”

hoi_nghi_dn_bhpnt.jpgBất chấp khó khăn của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2008, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao khi đa số DN đều đạt được kết quả tốt. Với việc ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ, một loạt dự án bị cắt giảm, liệu DN bảo hiểm phi nhân thọ có duy trì được mức doanh thu cao?

6 tháng: doanh thu hơn 5.400 tỷ đồng

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, doanh thu bảo hiểm gốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2008. Tổng phí bảo hiểm gốc toàn thị trường ước đạt 5.486 tỷ đồng, tăng 41% so cùng kỳ năm 2007. Các công ty bảo hiểm trên thị trường đạt doanh thu bảo hiểm gốc lớn như: Bảo hiểm Bảo Việt đạt 1.675 tỷ đồng, tăng 50%; Pjico đạt 520 tỷ đồng, tăng 44%; Bảo Minh đạt 1.009 tỷ đồng, tăng 23,6%; PVI đạt 1.113 tỷ đồng, tăng 6,5%.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000,  tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ cao hơn tổng doanh thu toàn thị trường. Mặc dù từ ngày 1/1/2008, thực hiện lộ trình cam kết WTO, DN bảo hiểm nước ngoài được tham gia vào nhiều sản phẩm phi nhân thọ nhưng thị phần của các DN trong nước vẫn đang chiếm ưu thế: Bảo Việt: 35%, Bảo Minh: 21%, PVI: 18%, Pjico: 10,55%… Lợi nhuận của các DN bảo hiểm cũng đạt tương đối cao: PVI đạt 40,136 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 100,835 tỷ đồng; Bảo hiểm Bảo Việt đạt lợi nhuận 60 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm; Bảo Minh đạt hơn 72,775 tỷ đồng…

Điều đáng nói là kết quả khả quan trên đạt được trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát cao và những vụ tổn thất tăng cả về mức độ cũng như tần suất. Trong 6 tháng đầu năm 2008, bảo hiểm phi nhân thọ phải thực hiện một số vụ bồi thường lớn như: vụ thiết bị khoan Nacap (PVI thực hiện), ước tính tổn thất 785.000 USD; 3 vụ tổn thất của Xi măng Cẩm Phả (PTI/Pjico thực hiện), ước tính 1,7 triệu USD; vụ Xi măng Hạ Long (PTI thực hiện), ước tính tổn thất 1,8 triệu USD. Tổn thất hàng hóa với số ước bồi thường khoảng gần 12 triệu USD.

Khó khăn khi cắt giảm dự án

Nhằm kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế cắt giảm nhiều dự án chưa cần thiết, cấp bách. Chính vì thế, đây là yếu tố tác động trực tiếp đến doanh thu của các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Khi xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm 2008, các DN đều dựa vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,5% đến gần 9% và kế hoạch đầu tư, xây dựng của những DN lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều dự án đã bị đình hoãn.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi tập hợp kết quả kiểm tra và báo cáo của 36 bộ, cơ quan Trung ương, 64 địa phương, 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty 90 và 91, có tổng cộng 2.971 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 35.358 tỷ đồng trên toàn quốc bị đình hoãn khởi công mới, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008. Nhiều tập đoàn như Dầu khí, Bưu chính Viễn thông cắt giảm dự án làm tác động ngay đến doanh thu của những công ty bảo hiểm như PVI, PTI… Theo kế hoạch, năm 2008 tốc độ tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ đạt ít nhất phải bằng năm 2007 là 30% (doanh thu dự kiến 11.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, kết quả này khó đạt được.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT PVI cho biết, việc cắt giảm các dự án chắc chắn sẽ tác động đến doanh thu của các DN ngành bảo hiểm. “Chưa nói những hợp đồng ký mới, các hợp đồng đã ký rồi nhưng khách hàng vẫn chưa nộp tiền do dự án bị đình hoãn, nhất là những dự án ngành điện, giao thông”, ông Hùng nói và cho biết, qua 6 tháng đầu năm PVI  làm ăn vẫn tốt, nhưng có thể hết quý III sẽ phải xem xét việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam lại nhìn nhận tác động của lạm phát đến các DN bảo hiểm phi nhân thọ ở một góc độ khác, đó là yếu tố trượt giá. Ví dụ, tài sản bảo hiểm là ôtô, khi mua bảo hiểm thì giá trị thấp nhưng nếu hỏng một bộ phận nào đó, chi phí sửa chữa sẽ lớn do giá phụ tùng lên cao.

“Chúng tôi phải cắt giảm chi tiêu, giữ mức phí (không giảm phí bằng mọi giá) nhằm đảm bảo lợi nhuận”, giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.

Nếu các dự án đến hết năm 2009 mới được khởi động trở lại thì các DN bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng sẽ gặp khó khăn trong vòng gần 2 năm tới.

Theo Đầu tư Chứng khoán online 

Comments are closed.