Bảo hiểm cho cây xanh – Người bị nạn đỡ khổ nhưng phải chờ chủ trương

aaa1.jpgCứ vào mùa mưa, cây xanh tét nhánh, bật gốc đè trúng người dân nhưng lâu nay các sự cố đều được quy về cho thiên tai. Đã có ý tưởng đề nghị mua bảo hiểm cho cây xanh để giảm thiểu thiệt hại cho người bị nạn.

Cơn mưa chiều ngày 26.5 đã làm cho một cây xanh trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) tét nhánh. Tính từ đầu mùa mưa (đầu tháng 5.2008) đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã có khoảng 20 vụ gãy cành, ngã cây. Theo dự báo, mùa mưa năm nay có nhiều diễn biến phức tạp kèm theo gió lốc là nguy cơ gây ra nhiều vụ gãy, ngã cây xanh đe doạ đến an toàn về tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia lưu thông trên đường.

Chỉ hỗ trợ, không bồi thường

Ông Trần Thiện Hà, giám đốc công ty Công viên cây xanh TP.HCM, nơi đang chăm sóc, duy tu bảo dưỡng khoảng 60.000 cây xanh, cho biết việc xuất hiện nhiều nhà cao tầng làm thay đổi hướng gió tạo nên lốc xoáy cục bộ. Khi hướng gió thay đổi đột ngột sẽ làm đổi hướng dao động của cành dễ làm ngã cây, gãy cành, tét nhánh. Việc chỉnh trang vỉa hè, bê tông hoá cũng ảnh hưởng đến phát triển của cây, hạn chế sự phát triển của rễ; đồng thời nhiều rễ bị xén cụt, làm cây dễ bị bật gốc.

Ông Hà khẳng định: “Những sự cố gãy cây, tét nhánh nói trên đều là cây còn xanh tươi, không có nhánh cây khô”. Vì ngay từ đầu tháng 3.2008 công ty đã kiểm tra cây xanh trên toàn thành phố, nhất là những nơi thường có cây ngã đổ. Qua đó đã cắt thấp 110 cây, lấy nhánh khô khoảng 650 cây, đốn hạ gần 1.050 cây chết, sâu bệnh, cây tạp.

Tuy vậy, ông Hà thừa nhận, nhiều trường hợp cây bộng, khô, sâu bệnh hay rễ mục nằm dưới mặt đất, trong thân cây, không thể phát hiện được. Đây là những trường hợp bất khả kháng và hơn nữa, công ty thực hiện phương án chăm sóc theo kế hoạch đã được cơ quan quản lý thuộc sở Giao thông công chính phê duyệt, kiểm tra. “Những sự cố xảy ra là bất khả kháng, công ty không có nghĩa vụ phải bồi thường khi có sự cố xảy ra”, ông Hà nhắc lại.

Ông Hà cho hay, tuỳ vào từng trường hợp mà công ty sẽ xem xét mức hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, ông Hà từ chối thông tin việc hỗ trợ dựa trên nguyên tắc nào, mức hỗ trợ tối đa cho người dân chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với tổng thiệt hại. Mỗi năm có hàng chục vụ cây xanh tét nhánh, trốc gốc đè trúng người đi đường nhưng tổng mức hỗ trợ chỉ khoảng 60 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Bá Dũng, trưởng phòng quản lý Công viên cây xanh, sở Giao thông công chính TP.HCM nhìn nhận dù gì chăng nữa, người bị hại cần nhận được khoản bồi thường để giảm thiểu thiệt hại.

Vẫn chờ chủ trương mua bảo hiểm cho cây xanh

Từ thực tế đó, ông Lê Ngọc Hùng, phó giám đốc khu Quản lý giao thông đô thị số 2, người đề xuất ý tưởng mua bảo hiểm cho cây xanh. Ông Hùng nói: “Chỉ có mua bảo hiểm cho người thứ ba do cây xanh gây ra thì mới có thể giảm thiểu các thiệt hại”.

Theo luật sư Bùi Đức Trường (phụ trách pháp lý của công ty bảo hiểm Bảo Minh), với quy định hiện nay, các công ty bảo hiểm được chủ động xây dựng, triển khai một sản phẩm bảo hiểm vật chất và chỉ cần báo cáo cho bộ Tài chính, không phải xin phép như trước. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phùng Đắc Lộc, tổng thư ký hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết thêm hiện chưa có sản phẩm bảo hiểm cho người thứ ba khi xảy ra tai nạn do cây xanh gây ra. Đối với một sản phẩm bảo hiểm thì phải thống nhất được giới hạn trách nhiệm bảo hiểm với một số tiền nhất định và biểu phí bảo hiểm. Tuỳ theo mức độ rủi ro, số tiền bồi thường mà có mức phí cụ thể và nó phải phù hợp để người mua và doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận.

Theo ông Dũng, hiện nay mua bảo hiểm cho cây xanh chỉ dừng ở ý tưởng, trước khi thực hiện phải xin chủ trương. Tuy nhiên, theo ông Lộc, nếu có một sản phẩm bảo hiểm như đề nghị nêu trên là điều tốt, cũng nên nghiên cứu cần thực hiện thí điểm.

Theo SGTT

 

Comments are closed.