Bảo hiểm cho các bệnh do ô nhiễm môi trường: Tại sao không?

o_nhiem_moi_truong_resize.jpgÔ nhiễm môi trường sống, môi trường lao động ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe con người và số bệnh phát sinh từ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng như: viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi chiếm 40,26%; các bệnh đường tiêu hóa chiếm 14,35%, bệnh cơ xương khớp chiếm 12%… Tại nước ta tồn tại song song 2 loại ô nhiễm của việc sử dụng công nghệ “cổ điển” như: bụi, khói, khí, tiếng ồn…và điện từ trường, bức xạ ion hóa hay dùng các chất đồng vị phóng xạ để cân, đo, đong, đếm… trong việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại.

Đại diện Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động, cho biết: Kiểm tra môi trường lao động của hơn 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát hiện, ô nhiễm chiếm từ 68 đến 72%. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nhiệt – 68%, ô nhiễm bụi – 20% và ô nhiễm hơi khí độc hại – 17%. Nhiệt độ không khí bên trong các cơ sở sản xuất công nghiệp thường cao hơn bên ngoài từ 1,5 – 6 độ C. Độ ẩm tương đối luôn trên 75%, nhất là các cơ sở chế biến thủy sản, thực phẩm, độ ẩm thường xuyên cao hơn 80%. Dưới tác động của nhiệt và độ ẩm cao sẽ làm cho khí độc, khói bụi… vượt tiêu chuẩn cho phép gây cho người lao động có cảm giác khó chịu, mệt mỏi, giảm năng suất lao động. Ngoài ra, nhiệt độ nóng sẽ làm cho hệ tuần hoàn và hô hấp của người hoạt động nhanh hơn làm cho hơi độc, khói bụi xâm nhập vào các bộ phận trong cơ thể nhiều hơn. PGS.TS Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động khẳng định: Tiêu chuẩn của Nhà nước về môi trường lao động vẫn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là yếu tố ô nhiễm nhiệt ít được quan tâm. Cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, kiểm soát và xử lý các DN gây ô nhiễm môi trường như: bụi, khói, khí, tiếng ồn, điện từ trường, bức xạ ion hóa hay dùng các chất đồng vị phóng xạ để cân, đo, đong, đếm… chưa rõ ràng, mặc dù chúng ta đã có luật Bảo vệ Môi trường làm chuẩn. Về hình thức, những quy định về tiêu chuẩn của Nhà nước về môi trường đều đầy đủ, thế nhưng, thực tế, các DN vẫn “lách luật” để vi phạm mà không bị xử lý. Khi kiểm tra một DN, có rất nhiều vấn đề đặt ra, có những vi phạm lớn hơn, cụ thể hơn nên người ta xử lý trước, còn vấn đề ô nhiễm môi trường mang tính định lượng, định tính, muốn biết cụ thể phải làm các giám định, kết quả rất lâu nên nhắc nhở là hướng xử lý mà nhiều thanh tra đưa ra sau kiểm tra. Hơn nữa, chế tài xử phạt của chúng ta cũng chưa nghiêm. Cụ thể, quy định hình phạt đối với một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nước thải ra một dòng sông cao nhất là 20 triệu đồng. Trong khi, để làm hệ thống xử lý nước của nhà máy này hết từ 2-3 triệu USD. Chính vì hình phạt nhẹ nên chủ DN sẵn sàng nộp tiền chứ không xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Hiện có một thực tế là người lao động chưa sử dụng hết và đúng quyền của mình nên cũng là nguyên nhân quan trọng để DN không đầu tư cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường lao động. Đó là quyền từ chối làm việc ở những nơi môi trường lao động ô nhiễm. Nhà nước có chế độ bảo hiểm cho những người bị mắc bệnh nghề nghiệp làm việc ở những nơi nguy hiểm, độc hại gây ra chứ chưa có bảo hiểm cho khám chữa bệnh cho những lao động bị mắc bệnh bởi ô nhiễm môi trường lao động gây ra. Các bệnh nghề nghiệp chủ yếu mà người lao động mắc phải là bụi phổi Silic, điếc nghề nghiệp và viễm phế quản mãn tính, còn các bệnh khác nghiêm trọng như viêm phổi, viêm xương khớp, cơ… không được bảo hiểm. PGS.TS Lê Vân Trình cho rằng: Cần phải đưa tất cả những loại bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra vào danh sách được bảo hiểm khám chữa bệnh. Chi phí cho khám chữa bệnh này DN phải đóng góp để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. DN nào có nhiều lao động khám, chữa bệnh thì phải đóng góp nhiều…

Quế Ngân

Tại các nước châu âu, có từ 90 đến 100 bệnh được bảo hiểm, Trung Quốc có 119 bệnh trong khi Việt Nam chỉ có 25 bệnh. Đã vậy, khâu xác định bệnh của nước ta cũng rất chậm. Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường thì có gần 6.000 cơ sở sản xuất bị đưa vào danh sách “đỏ” phải di dời vì ô nhiễm môi trường.

Theo Báo Pháp Luật và Đời Sống Online

Comments are closed.