
Có không ít BV phải tận dụng mọi không gian trong BV để cơi nới phòng khám, thêm chỗ cho BN ngồi đợi khám bệnh. Nhiều BV thuê bác sĩ về hưu, bác sĩ nội trú cộng tác để mở thêm dịch vụ khám chữa bệnh BHYT (BN chỉ đóng thêm phí khám bệnh từ 8.000-18.000đ, tùy BV) trong giờ, ngoài giờ, thứ bảy. Có nơi tổ chức cấp thẻ khám chữa bệnh ưu tiên cho BN 80 tuổi trở lên để người cao tuổi không phải chờ đợi lâu. Tất cả mọi cố gắng chỉ có thể phần nào giảm áp lực quá tải, về cơ bản các BV vẫn đang đứng trước vấn nạn: BN quá đông, khả năng BV có hạn.
Xếp sổ khám bệnh từ nửa đêm
4g30 sáng 8-7, tôi đến BV Q.Bình Thạnh. Lúc này đã có khoảng 20 BN đứng ngồi lố nhố trước cổng BV, hầu hết là người già trên 60 tuổi. Cạnh cổng ra vào đã có một chồng sổ khám bệnh BHYT được xếp sẵn từ lúc nào.
Nói chuyện với tôi, bác Trương Thái Bình (P.3, Q.Bình Thạnh) tỏ vẻ hài lòng: “Hôm nay tôi đi xếp sổ khám bệnh từ lúc nửa đêm nên sổ của tôi xếp số một. Tôi bị bệnh tim đập chậm, cứ 20 ngày đi tái khám để lãnh thuốc. Ngày nào tái khám tôi cũng phải thức dậy từ khuya để đi xếp sổ”.
Ở một góc lờ mờ ánh đèn đường, có một bà cụ đội chiếc nón lá cũ, vẻ mặt mệt mỏi, đứng co ro bên chiếc xe đạp cà tàng. Bà tên Nguyễn Thị Cúc (70 tuổi, đường Bình Quới Tây, Q.Bình Thạnh), bị bệnh thiếu máu cơ tim và huyết áp cao, thuộc diện BHYT người nghèo. Chồng bà mới mất, các con đều ở xa. “Tôi đạp xe đi từ 3g30. Lên tới đây 5g vì chỉ dám chạy từ từ. Cứ thấy chóng mặt, khó chịu trong người là phải dừng lại cho an toàn. Bác sĩ cho tôi thuốc 20 ngày. Hết thuốc thì đi tái khám để có thuốc uống tiếp” – bà Cúc tâm sự.
Cô Võ Thị Sa (54 tuổi, P.21, Q.Bình Thạnh) kể: “Tôi bị mỡ trong máu cao. Bác sĩ cho thuốc uống mười ngày, sau đó quay lại tái khám. 3g15 tôi có mặt ở đây mà sổ đã thứ 50. Tôi phải đi sớm để được khám bệnh sớm. Nếu 7g-8g mới đến BV phải đợi đến chiều mới được khám. Công ăn việc làm sẽ bị trễ theo”.
Đúng 5g15, bảo vệ BV Q. Bình Thạnh mở cổng cho BN vào. Cô Võ Thị Sa ôm chồng sổ hơn 100 quyển cùng nhiều BN khác tất tả chạy vào khu khám bệnh BHYT chờ đợi. Ngay lập tức, ở cửa ưu tiên cũng có hàng chục sổ được các BN vội vã đặt vào.
Không chỉ có BV Bình Thạnh, tại BV Q.Tân Bình người bệnh cũng phải đi xếp sổ khám bệnh từ 3g-4g sáng. Bác sĩ Lương Sĩ Minh – giám đốc BV Q.Tân bình – cho biết BN BHYT ở quận này cũng tự tổ chức, gom sổ khám bệnh với nhau và đợi ở ngoài cổng. Khi cổng BV vừa mở là có hàng trăm sổ khám bệnh được nộp vào. Có những BN là thương binh, đi từ Củ Chi hoặc Hóc Môn bằng xe lăn đến BV từ 5g sáng nhưng đến nơi có khi vẫn không khám được do số lượng BN nộp sổ đã quá nhiều. Theo bác sĩ Minh, năm 2007, số người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh tại BV Tân Bình lên tới hơn 150.000 người. Bình quân mỗi ngày BV tiếp nhận khám chữa bệnh hơn 1.000 BN. Mỗi bác sĩ phải khám khoảng 80 BN/ngày.
Đợi năm ngày mới được siêu âm
Nhiều BN BHYT bị ung thư vú ở các tỉnh đến tái khám ở BV Ung bướu TP.HCM ngày 25-6 đã phải chờ đợi từ sáng đến chiều mới tới lượt khám. Nếu có chỉ định siêu âm, BN phải đợi năm ngày sau (30-6) mới được làm. Ai muốn làm sớm thì đi siêu âm theo diện dịch vụ ngoài giờ với giá cao (150.000đ). Có BN ở tỉnh xa lên, thẻ BHYT hết hạn vào ngày 30-6, bác sĩ chỉ cho thuốc đúng năm ngày. Khi BN thắc mắc, bác sĩ giải thích đó là qui định của BHYT, không thể làm khác.
Bác sĩ Phạm Lý Giang – khoa khám bệnh BV Ung bướu TP – cho biết: “Qua theo dõi tôi biết bệnh của một số người rất ổn định. Nếu được phép, tôi có thể kê toa từ 3-4 tháng để BN đỡ phải đi lại nhiều lần. Thế nhưng chúng tôi chỉ có quyền kê toa tối đa một tháng. Nhiều khi nhìn BN bị ung thư vú từ Nha Trang, Đắc Lắc, Cà Mau… đến TP.HCM khám bệnh mà cảm thấy rất tội. Họ phải bỏ công ăn việc làm, đi lại vất vả, tốn kém tiền xe, tiền ăn 500.000-600.000đ để có được 30 viên thuốc uống trong một tháng với giá hơn 100.000đ. Là bác sĩ điều trị, chúng tôi muốn được tôn trọng và tin tưởng, được quyền cho thuốc BN theo tình trạng bệnh lý của họ”.
Dược sĩ Hà Thu Điểm – phó giám đốc BV Ung bướu TP – cũng cho rằng thực tế có những bệnh như bệnh tuyến giáp, thay đổi sợi bọc tuyến vú… có thể cho thuốc BN ba tháng. Nhưng BV không thể làm sai qui chế chung.
Có bác sĩ kể: “Khi chúng tôi cho thuốc BN hơi nhiều hoặc thời gian dài thì bị chính lãnh đạo BV hoặc cán bộ giám định BHYT chất vấn: tại sao anh cho nhiều thế này? Cho như vậy là vượt chi, vượt chi!”. Khi bác sĩ giải thích cho thuốc nhiều là để BN đỡ đi lại nhiều lần và cũng để hạn chế quá tải thì cán bộ giám định lập tức “răn đe”: “Chúng tôi sẽ xuất toán”.
Nhiều giải pháp nhưng vẫn… bế tắc!
Trước tình trạng quá tải BN, nhiều BV phải tự “vẫy vùng”. Dược sĩ Hà Thu Điểm cho biết việc BN siêu âm phải chờ đợi lâu là do BN quá đông. BV đã tăng cường máy siêu âm và bổ sung nhân lực nhưng vẫn không thể giải quyết xuể. BV đã tự tháo gỡ bằng cách mở dịch vụ siêu âm ngoài giờ, mở cửa khám bệnh từ 6g sáng và đang nghiên cứu tổ chức khám bệnh thông tầm (không nghỉ trưa).
Bác sĩ Phạm Bảo Lâm – giám đốc BV Q.Bình Thạnh – nói BV không chỉ tiếp nhận BN BHYT thuộc địa bàn quận mà nhiều BN ở các nơi khác như Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, Q.2 cũng đăng ký khám chữa bệnh tại đây. BV đã tổ chức khám chữa bệnh BHYT ngoài giờ hành chính và thứ bảy, giúp BN tiện sắp xếp thời gian khám bệnh, bổ sung máy vi tính và nhân sự phòng phát thuốc nhưng BN vẫn phải chờ đợi khám bệnh rất lâu.
Áp lực quá tải không chỉ làm khổ BN mà còn ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh của các bác sĩ. Khám nhanh để “giải phóng” BN sẽ khó đảm bảo chẩn đoán chính xác, khám chậm thì “gây ùn tắc” và BN kêu ca. Trước thực trạng này, có BV chọn giải pháp hạn chế số lượng khám trong ngày nhưng cũng bị BN phản ứng.
Lãnh đạo các BV cho rằng nếu ngay từ bây giờ ngành y tế không được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức, tăng thêm nhân lực, củng cố – nâng cao năng lực chuyên môn tuyến y tế cơ sở, đẩy mạnh phòng bệnh… thì các BV sẽ còn phải đối diện với những khó khăn hơn nữa trong tương lai. Nhất là khi cả nước thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2010.
LÊ THANH HÀ (Tuổi trẻ online)
Comments are closed.