(Webbaohiem) – Theo một báo cáo mới từ Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), công nghệ blockchain có thể đem lại một số lợi ích tiềm năng cả về hoạt động và kinh tế cho ngành bảo hiểm.
Bản báo cáo có tựa đề “The First All-Blockchain Insurer”, cho biết, doanh thu phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) toàn cầu đã tăng trưởng hơn 2 nghìn tỷ USD trong năm 2016. Blockchain có thể giúp ngành bảo hiểm P&C giảm tỷ lệ hoạt động kết hợp xuống từ 5 đến 13 điểm phần trăm, trong khi tạo ra hơn 200 tỷ USD lợi nhuận kỹ thuật từ mức tăng trưởng hiện tại.
Mặc dù quá trình ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động bảo hiểm đang diễn ra chậm nhưng theo chiều hướng tích cực. Ông Kaj Burchardi, Giám đốc điều hành BCG, cho biết “Nhìn chung, trong sáu tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến một số công ty bảo hiểm trên toàn thế giới tăng hoạt động blockchain của họ”.
Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Liberty, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt
Báo cáo BCG chỉ ra tác động tiềm tàng của công nghệ blockchain đến các nghiệp vụ bảo hiểm cụ thể. Ví dụ:
– Công ty bảo hiểm xe cơ giới (hoàn toàn bằng công nghệ blockchain) có thể sử dụng dữ liệu trên blockchain để giảm tỷ lệ tổn thất, cắt giảm chi phí giao dịch khách hàng và cải thiện khả năng phát hiện gian lận bảo hiểm. Với những lợi ích đó, công ty bảo hiểm này có thể giảm tỷ lệ kết hợp từ 10 đến 13 điểm so với các công ty bảo hiểm xe cơ giới truyền thống.
– Công ty bảo hiểm hàng hóa (hoàn toàn bằng công nghệ blockchain) có khả năng giảm chi phí hoạt động và quản lý rủi ro. Công ty này có thể cải thiện chất lượng quản lý rủi ro nếu hợp đồng bảo hiểm và hệ thống theo dõi vệ tinh của công ty vận tải hàng hóa (khách hàng bảo hiểm) tồn tại trên cùng một blockchain. Sau đó, hãng bảo hiểm có thể tự động phát hiện rủi ro tăng thêm và tự động điều chỉnh phí bảo hiểm.
– Doanh nghiệp tái bảo hiểm có thể phân tích dữ liệu kết hợp trên một blockchain để, chẳng hạn, chỉ ra sự tập trung rủi ro trong một khu vực xác định. Một blockchain cũng có thể tự động hóa giao dịch rủi ro giữa các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trên một hợp đồng cụ thể.
Báo cáo của BCG cũng trình bày các rào cản đối với việc áp dụng blockchain quy mô rộng trong bảo hiểm, bao gồm các trở ngại về quản lý và kỹ thuật. Ví dụ, việc hợp tác có thể sẽ là vấn đề vì các công ty bảo hiểm có thể phải bắt tay với các đối thủ cạnh tranh và từ bỏ chiến lược dị biệt hóa trên thị trường. Ngoài ra, hầu hết các công ty bảo hiểm chưa quen với blockchain và chưa nắm được khả năng hỗ trợ mang tính chiến lược của công nghệ.
Ngoài ra, những doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng các blockchain tư nhân đòi hỏi một mức độ quản trị khác với các blockchain công cộng. Khả năng mở rộng và khả năng tính toán là vấn đề lớn, như bảo mật, độ mạnh phần mềm, các tiêu chuẩn và giao thức.
Mặc dù blockchain mới chỉ xuất hiện không lâu, song BCG khuyến cáo rằng sẽ là sai lầm đối với các công ty bảo hiểm nếu họ vẫn tiếp tục duy trì trạng thái “chờ đợi và quan sát”. BCG cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm nên bắt đầu phát triển các khả năng cần thiết ngay từ bây giờ.
Ông theo Burchardi nhận định, không có nhiều người có kỹ năng và kinh nghiệm về blockchain vì đây là công nghệ mới. “Vì vậy, các công ty bảo hiểm sẽ phải đào tạo nhân sự cho mục đích này”, ông giải thích. “Điều này cần có thời gian, và chắc chắn doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó tránh khỏi sai lầm trong việc xác định đúng các trường hợp sử dụng, chọn đúng nền tảng cũng như thiết kế mô hình kinh doanh và quản trị thích hợp. Họ cần có thời gian để thử nghiệm ở quy mô nhỏ hơn”.
Báo cáo BCG cũng chỉ ra các bước tiếp theo cho doanh nghiệp bảo hiểm muốn tham gia vào blockchain. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm nên xác định các ưu tiên kinh doanh, đánh giá được mình đang ở đâu và làm thế nào để blockchain đưa họ tới đích mong muốn, đồng thời cần ưu tiên những trường hợp có thể sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cần lựa chọn công nghệ phù hợp để đạt được các mục tiêu cụ thể của mình.
Trần Lâm (Sưu tầm và dịch).