(Webbaohiem) – Khái niệm “dữ liệu lớn” (big data) và cách sử dụng chúng không có gì xa lạ với ngành bảo hiểm. Mặc dù hiện tại có thể có những ngành nghề khác đang dẫn đầu trong lĩnh vực này song ngành bảo hiểm mới thực sự là người tiếp cận sớm nhất với dữ liệu lớn, đặc biệt là việc dựa trên nền tảng của “luật số lớn” và quá trình vận dụng vào thực tiễn của khoa học actuary.
Hẳn vậy, chỗ đứng của các chuyên gia đánh giá rủi ro bảo hiểm sẽ ở đâu nếu họ không am tường về dữ liệu lớn?
Chẳng hạn dữ liệu về quy mô tổn thất, số liệu thống kê về các công trình xây dựng, các biện pháp phòng chống hỏa hoạn và tình trạng thời tiết được các chuyên gia đánh giá rủi ro tiến hành nghiên cứu và phân tích định kỳ; số liệu về khiếu nại bảo hiểm và thương tật tại nơi làm việc là đối tượng tập hợp và phân tích của bảo hiểm bồi thường cho người lao động; rủi ro tích tụ được các nhà tái bảo hiểm theo dõi và phân tích nhằm đánh giá xu hướng các thảm họa; hay tỷ lệ tử vong là yếu tố phải lưu tâm hàng đầu đối với các hãng bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe. Qua đó có thể thấy ngành bảo hiểm thông qua việc áp dụng những cách thức khác nhau đã nỗ lực nắm bắt, khai thác và sử dụng khối lượng dữ liệu khổng lồ – dữ liệu lớn – vào rất nhiều ứng dụng quan trọng của mình.
Tuy nhiên, ngành bảo hiểm mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai nếu xét về khả năng thu thập và khai thác những dữ liệu then chốt từ kho dữ liệu lớn. Mặc dù các công ty trong ngành thu về một khối lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng trăm ngàn giao dịch hàng ngày, song điều đó không có nghĩa là họ đã nắm bắt và khai thác được những nội dung cốt lõi nhằm phục vụ cho công việc.
Đây chính là vấn đề mấu chốt về dữ liệu lớn mà ngành bảo hiểm chưa làm được, để giờ đây họ trở nên tụt hậu so với một số ngành kinh doanh khác. Thành công trông việc tập hợp và phân tích dữ liệu là chìa khóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thực hiện tốt marketing mục tiêu và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.
Trong khi đó, kỳ vọng của khách hàng đang ngày một tăng lên.Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề khác nhau đang tìm cách nắm bắt và sử dụng thông tin về tình hình hoạt động của mình (như bán hàng, marketing, phân phối và quản lý hoạt động), đồng thời đang xây dựng các công cụ phân tích sắc bén hơn để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động.Khách hàng ngày càng mong muốn các nhà môi giới và đại lý bảo hiểm “nói được tiếng nói của khách hàng” và cũng có được năng lực phân tích tương tự.
Xu hướng hiện nay đang chỉ ra rằng ngành bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa năng lực nắm bắt, phân tích và xử lý dữ liệu lớn có được từ chính hệ thống kênh phân phối. Thực tế cho thấy trong quá trình giao tiếp hàng ngày với khách hàng, đại lý và môi giới thu lượm một khối lượng lớn dữ liệu nhưng đa phần họ lại chưa khai thác và tận dụng được chúng nhằm phục vụ cho hoạt động của mình.
Nếu các hãng môi giới và đại lý có chiến lược thu thập, tập trung hóa và sử dụng dữ liệu phù hợp, họ sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động và đem lại giá trị lớn hơn cho khách hàng hiện tại và tiềm năng. Những tác dụng có thể kể đến như:
• Thu thập được và tập trung hóa tất cả dữ liệu khách hàng;
• Chuẩn hóa các chương trình phục vụ khách hàng theo dòng sản phẩm, theo khu vực địa lý, theo ngành nghề và theo quy mô;
• Xác định được vùng tăng trưởng và vùng có cơ hội;
• Đánh giá được hiệu quả hoạt động và khối lượng công việc của từng nhân viên;
• Mở rộng khả năng tiếp cận và kiến thức của nhà bảo hiểm về khách hàng và khách hàng tiềm năng;
• Nâng cao khả năng phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giới thiệu các sản phẩm mới, phát triển sản phẩm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Tuy nhiên cũng có không ít trở ngại mà các nhà môi giới và đại lý phải vượt qua. Để áp dụng các quy trình và công nghệ mới đòi hỏi phải có sự cam kết từ ban lãnh đạo cũng như có kế hoạch triển khai hiệu quả.
Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích dành cho những người tham gia vào quá trình ra quyết định mua công nghệ mới tại doanh nghiệp:
– Việc ra quyết định mua phải tiếp cận từ trên xuống: Đối với bất kỳ tổ chức nào, việc tiếp nhận công nghệ mới là một khoản đầu tư – không chỉ là đầu tư về tiền bạc mà còn là chi phí cơ hội mất đi do thời gian tiêu tốn vào quá trình triển khai. Vì vậy, lãnh đạo cấp cao cần phải có sự cam kết và thực sự ủng hộ việc triển khai.
– Sự tham gia của bộ phận CNTT: Việc ra quyết định mua công nghệ mới là quyết định kinh doanh quan trọng hàng đầu, do đó cần có sự tham gia của bộ phận CNTT ngay từ khi lựa chọn công nghệ cũng như trong quá trình triển khai.
– Hiểu về các thành viên trong tổ chức: Trong nhiều trường hợp, mặc dù công nghệ mới được ứng dụng vào hoạt động kinh doanh song giá trị mànó đem lại cho các thành viên trong tổ chức vẫn không được làm rõ. Vì vậy ngay từ những giai đoạn đầu, khi tiến hành lựa chọn công nghệ, cần tìm cách lôi cuốn sự tham gia của các đồng nghiệp ở tất cả các cấp quản lý và dịch vụ khách hàng. Điều này sẽ đảm bảo sự ủng hộ và chấp nhận của họ sau này, qua đó đảm bảo tính hiệu quả của quyết định đầu tư.
– Vượt qua nỗi nghi ngờ: Bất kỳ tổ chức nào cũng có những người không muốn chấp nhận sự thay đổi. Trong trường hợp đó, phương thức tiếp cận từ trên xuống sẽ giúp họ thêm tin tưởng, đồng thời việc tham gia vào suốt quá trình triển khai sẽ củng cố thêm niềm tin và sự ủng hộ của những người này.
– Khích lệ nguồn lực nội tại trong việc triển khai công nghệ mới:Thường sẽ là sai lầm lớn nếu doanh nghiệp quyết định thuê ngoài để triển khai công nghệ mới. Hãy sử dụng bộ phận CNTT và các nguồn lực nội tại của doanh nghiệp để tiến hành đào tạo và hướng dẫn nhân viên trong doanh nghiệp về hệ thống mới. Bởi lẽ các đối tác bên ngoài thường không thể hiểu được các đặc thù của tổ chức, từ đó làm chậm quá trình triển khai ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.
Tóm lại, “dữ liệu lớn” không phải là khái niệm xa lạ với ngành bảo hiểm và hiện đang có rất nhiều cơ hội đối với ngành này trong việc khai thác khối lượng dữ liệu khổng lồ từ chính các kênh phân phối của mình. Với định hướng tương lai, các nhà môi giới và đại lý bảo hiểm có thể nắm bắt các cơ hội này thông qua công nghệ và các công cụ phân tích, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thảo Phương (Theo Propertycasualty360).
Comments are closed.