Biến đổi khí hậu và ngành Bảo hiểm – Từ bị động tới chủ động thích ứng

alt

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Là một trong năm nước chịu tác động lớn của BĐKH, hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam vô cùng nghiêm trọng và là nguy cơ hiện hữu cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ngành bảo hiểm vốn được biết đến với như một công cụ quản lý rủi ro, trong bối cảnh BĐKH là một rủi ro mới, quy mô tác động lớn, nếu không chủ động thích ứng, ngành bảo hiểm sẽ đối mặt với những thiệt hại đáng kể và mất cơ hội phát triển trong tương lai. Nghiêm trọng hơn, vai trò quản trị rủi ro của ngành bảo hiểm có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, cho tới nay, dù đối mặt với không ít rủi ro và thách thức liên quan tới rủi ro BĐKH, các nhà bảo hiểm Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc, hầu như chưa có nghiên cứu nào liên quan tới các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm ứng phó với rủi ro BĐKH được triển khai.

I. Việt Nam: một trong năm nước chịu tác động lớn nhất của BĐKH

Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH thì “BĐKH là những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học, gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế – xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người”. 

Các biểu hiện chính của BĐKH có thể nhận thấy trên quy mô toàn cầu gồm: Gia tăng nhiệt độ khí quyển – Trái đất nóng lên, Lượng mưa thay đổi, Mực nước biển dâng lên do sự tan băng ở hai cực và các vùng núi cao, Các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, giá rét, bão lũ, hạn hán…) xảy ra với tần suất, độ bất thường, và có thể cả cường độ, tăng lên.

alt

Bản đồ nguy cơ ngập khu vực ven biển Việt Nam ứng với mực nước biển dâng 1m

(Nguồn: Bộ TNMT, 2011)

Theo Stern Review, mực nước biển dâng 20-80 cm (do nhiệt độ Trái Đất tăng 3-4 độ C) sẽ khiến thêm 7-300 triệu người đối mặt với rủi ro lũ lụt hàng năm. Nếu không có các biện pháp thích ứng, số dân cư ở 136 thành phố lớn trên khắp thế giới gánh chịu bão lốc sẽ tăng từ 40 triệu (2005) lên 150 triệu (những năm 2070) và tài sản thiệt hại có thể tăng từ 3000 tỷ đô lên 35 nghìn tỷ đô. Báo cáo của UNEP FI (2006) ước lượng tổn thất do các hiện tượng thời tiết gây ra sẽ tăng 6%/năm và tăng gấp đôi toàn cầu cứ trung bình 12 năm. 

Theo đánh giá của WB (2007), Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông sẽ bị tác động nặng nề nhất. Nếu mực nước biển dâng 1,0 m: Khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10,2%, 10,9% diện tích đô thị bị ảnh hưởng; Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ tính riêng năm 2010, thiên tai đã làm 355 người chết và mất tích; gần 600 người bị thương, hơn 2,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 579 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước; 30 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng; trên 100km đê, kè và gần 1,9 nghìn km đường giao thông cơ giới bị vỡ, sạt lở và cuốn trôi; hơn 11 nghìn cột điện bị gãy, đổ. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2010 ước tính 11,7 nghìn tỷ đồng.

II. Ngành bảo hiểm thế giới và BĐKH: 

Những hành động để thích ứng với diễn biến BĐKH

Tổn thất được bảo hiểm liên quan tới rủi ro thời tiết có xu hướng tăng từ 1990, kéo theo đó là nhu cầu bảo hiểm gia tăng. Thay vì bị động trong kinh doanh, gánh chịu các thiệt hại phải bồi thường khi rủi ro xảy ra, việc hoàn thiện, phát triển các sản phẩm mới sẽ đưa doanh nghiệp ở vị thế chủ động, vừa hạn chế được tổn thất vừa khai thác được một thị trường mới còn bỏ ngỏ. Nhu cầu bảo hiểm cho các rủi ro BĐKH, từ đó, tạo ra một thị trường tiềm năng mới.

Hành động 1: Thiết kế các sản phẩm bảo hiểm mới 

Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, các nhà bảo hiểm có xu thế ra mắt các sản phẩm cùng các gói bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu mới của người tiêu dùng. Ngay từ đầu những năm 1930, một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ đã thực hiện triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Tới năm 1950, loại hình bảo hiểm này bắt đầu mở rộng ra nhiều quốc gia khác. Từ những năm 1990, nhiều sản phẩm bảo hiểm tiên tiến khác như bảo hiểm lũ lụt, bảo hiểm cao ốc xanh cũng được giới thiệu trên thị trường và từng bước phát triển, đi kèm với đó là những cải tiến về thiết kế sản phẩm và các dịch vụ gia tăng cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Đi tiên phong trong cung cấp các sản phẩm tiên tiến này là những DNBH/môi giới quốc tế như Fireman Fund, AON, Lloyd’s…

Thông qua việc nghiên cứu và phát triển loại hình bảo hiểm thích ứng BĐKH, các nhà bảo hiểm đã từng bước phát triển kỹ thuật đánh giá và phân tích rủi ro, áp dụng các điều khoản bảo hiểm phù hợp, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới thích ứng với rủi ro mới, tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh độ tin cậy của dịch vụ bồi thường; củng cố khả năng tư vấn hạn chế tổn thất, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, từ đó, tăng cường khả năng:

– Quản lý rủi ro thông qua các biện pháp, công cụ đối phó và thích ứng;

– Tân dụng cơ hội kinh doanh mới và đầu tư bền vững;

– Trợ giúp khách hàng trong việc quản lý rủi ro và hạn chế tổn thất thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và dịch vụ tư vấn;

– Thay đổi hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường.

Ví dụ: Bảo hiểm cao ốc xanh

Khí nhà kính là một trong những nguyên nhân gây BĐKH. Nhu cầu giảm thải khí nhà kính và tiết kiệm nguyên liệu đã khiến các cao ốc thân thiện môi trường trở thành một lĩnh vực kinh doanh bất động sản hấp dẫn. Các tiêu chuẩn xây dựng bền vững như tiêu chuẩn LEED và Địa cầu xanh kéo theo các chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro hoặc sự xuất hiện của các rủi ro mới như sự rò rỉ từ mái nhà dạng thảm thực vật đã dẫn tới sự ra đời của sản phẩm bảo hiểm này. Ngành bảo hiểm đã thích ứng ngay lập tức với các sản phẩm hướng tới những đặc trưng của cao ốc xanh. 

Sản phẩm Bảo hiểm cao ốc xanh hiện đang được AON cung cấp trên thị trường quốc tế. Đơn bảo hiểm này bồi thường chi phí thay thế và sửa chữa các “tòa nhà sinh thái” hoặc nâng cấp các tòa nhà thông thường theo hướng thích nghi với môi trường sau khi tổn thất xảy ra. Sản phẩm được phát triển từ đơn bảo hiểm tài sản và bảo hiểm văn phòng hiện thời của Công ty có bổ sung thêm điều khoản bảo hiểm cho các tài sản thân thiện môi trường đã hoặc chưa có chứng chỉ xác nhận, đồng thời chi trả chi phí để sửa chữa/thay thế toàn bộ các cấu phần thân thiện với môi trường đáp ứng tiêu chuẩn hoặc để nâng cấp chúng thành các cấu phần thân thiện môi trường. Theo đó, đơn bảo hiểm đảm bảo các vật liệu được sử dụng và các nâng cấp trong quá trình sửa chữa, thay thế sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của một “cao ốc xanh”, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận xây dựng được áp dụng rộng rãi ở Mỹ hoặc Châu Âu. 

Bằng việc cung cấp các sản phẩm toàn diện hỗ trợ sự phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội và các nỗ lực quản lý môi trường, Chương trình bảo hiểm tài sản cho các tòa nhà thân thiện môi trường của AON sẽ cho phép chủ sở hữu vượt qua những hạn chế về vị trí địa lý để hướng tới sự thân thiện với môi trường. Phạm vi bảo hiểm của lựa chọn mới này bao gồm các chi phí cần thiết để sửa chữa, thay thế tài sản theo tiêu chuẩn LEED (tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng và môi trường trong thiết kế) của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ, hệ thống xếp hạng và đánh giá Sáng kiến Địa cầu xanh trong xây dựng cao ốc hay các tiêu chuẩn tương đương khác; chi phí sửa chữa hay thay thế các thiết bị điện, điện tử đáp ứng yêu cầu chất lượng Energy Star – chứng nhận của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA); chi phí thuê kiến trúc sư hay chuyên gia thiết kế đạt chứng nhận của LEED; tài trợ chương trình tái xác nhận “cao ốc xanh” và vụn tái chế từ các thiệt hại được bảo hiểm.

Hành động 2: Lồng ghép các điều khoản, dịch vụ mới vào các đơn bảo hiểm truyền thống

Một trong những giải pháp thích ứng với những rủi ro BĐKH mà các công ty bảo hiểm hiện đang sử dụng đó là bổ sung thêm các quy định, điều khoản nhằm hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra ở những khu vực có nguy cơ cao. Thay vì đưa ra mức phí bảo hiểm cao hoặc không cung cấp dịch vụ, các công ty áp dụng biện pháp mới: bổ sung các điều kiện bắt buộc mà người tham gia bảo hiểm cần đạt được nếu muốn mua bảo hiểm. Tại Úc và Nhật Bản, chính phủ đã ban hành bộ quy tắc cho các công trình nhà dân sinh, trong đó quy định cụ thể về cấu trúc nhà, kích thước vật liệu sử dụng, đặc biệt ở các khu vực thường xuyên hứng chịu các thiệt hại do BĐKH như: động đất, lốc xoáy, sóng thần…Căn cứ theo đó, các công ty bảo hiểm đưa ra quy định buộc khách hàng tại những khu vực có nguy cơ cao này phải tuân thủ các quy định xây dựng kể trên khi tham gia bảo hiểm nhà ở, văn phòng do công ty cung cấp. Trong một số trường hợp, để hạn chế tổn thất, các công ty bảo hiểm cũng có thể xây dựng, phát triển thêm các quy định, quy tắc mới để sàng lọc khách hàng, hướng tới nhóm khách hàng rủi ro thấp và đáp ứng được các quy định hạn chế tổn thất. 

Ví dụ: “Bảo hiểm xanh” dành cho xe cơ giới

Bảo hiểm xe cơ giới là một trong những sản phẩm phổ thông nhất trong cuộc sống. Để cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo hiểm cho các phương tiện thân thiện với môi trường đóng vai trò quan trọng như một động lực giúp khách hàng quan tâm hơn bảo vệ môi trường bằng chế độ giảm phí. Các công ty bảo hiểm đang tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm thân thiện với môi trường từ các khía cạnh khác nhau như: phí bảo hiểm phụ thuốc vào số km sử dụng, mức độ tiết kiệm nhiên liệu hay quá trình sửa chữa sử dụng nguyên liệu tái chế. Chẳng hạn:

Allianz thực hiện chế độ giảm phí cho khách hàng tham gia bảo hiểm với những phương tiện phát thải thấp (sản phẩm bảo hiểm Eco-bonus) và cung cấp cả những sản phẩm bảo hiểm, trong đó khách hàng có thể lựa chọn đền bù lượng phát thải cho phương tiện của mình thông qua mua bảo hiểm. Theo đó, một phần phí bảo hiểm sẽ được trích ra đầu tư vào các dự án cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Allianx Elementar Áo áp dụng chế độ giảm 10% phí bảo hiểm xe ô tô hàng năm cho những khách hàng sử dụng phương tiện giao thông công cộng vé năm.

Progressive đưa ra mức phí thấp cho những phương tiện an toàn và thân thiện môi trường. Một thiết bị phát tín hiệu nhỏ được gắn vào xe sẽ cho phép công ty theo dõi mức độ và thời gian sử dụng xe. Những chiếc xe được sử dụng ít hơn và an toàn hơn (không tai nạn, tiết kiệm nhiên liệu…) sẽ hưởng mức phí thấp hơn.

Hành động 3: Dịch vụ khách hàng/tư vấn hạn chế tổn thất

Ví dụ 1: Dịch vụ hỗ trợ khách hàng tham gia bảo hiểm xe cơ giới 

Phát thải CO2 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH. Do đó, mục tiêu cắt giảm lượng khí nhà kính (Co2, SO2…) là mục tiêu chung của thế giới nhằm giảm tác động của BĐKH trong tương lai, ngành bảo hiểm cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Rất nhiều dịch vụ, sản phẩm đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu mới này.

Việc mua và sử dụng một chiếc xe ô tô là quyết định của các nhân nhưng kéo theo những tác động lớn về môi trường, xã hội. Bằng việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng online Greensafe Car Profiler, đặc biệt là nhóm khách hàng có xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, Công ty bảo hiểm NRMA thuộc tập đoàn bảo hiểm Úc IAG giúp khách hàng so sánh các dòng xe theo tiêu chí an toàn và thân thiện với môi trường. Ngoài việc phục vụ nhu cầu mới của khách hàng, dịch vụ này cũng gián tiếp điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách hàng, góp phần nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, AIG cũng cung cấp tiện ích online mang tên Climate help – Hỗ trợ môi trường. Khách hàng khi truy nhập vào website của công ty bảo hiểm này và khai báo thông tin kĩ thuật của xe và mức độ sử dụng, từ đó tính toán lượng khí nhà kính do phương tiện này phát thải và tính toán lượng tiền bồi thường cho khách hàng trực tuyến. Khách hàng có thể tự nguyện đăng kí tham dự chương trình tín dụng carbon do AIG bằng việc thanh toán một khoản chi phí nhỏ (tương ứng với lượng phát thải của phương tiện). 100% số tiền huy động sẽ được sử dụng cho chương trình tín dụng carbon, phục vụ cho các dự án trồng rừng trong vòng 100 năm. 

Ví dụ 2: Dịch vụ tư vấn quản lý rủi ro

Hiểu đặc điểm và mức độ rủi ro, thiệt hại của các thảm họa tự nhiên do BĐKH gây ra đặc biệt có ích cho việc giảm thiểu tối đa các thiệt hại này. Với nhận thức ngày càng cao của công chúng, ngành bảo hiểm đã tập trung khai thác mảng dịch vụ đề phòng, hạn chế tổn thất và phát triển các công nghệ đánh giá rủi ro thảm họa tự nhiên từ những kinh nghiệm và kiến thức có được. 

Norwich Union (Aviva) Anh đã chạy bản đồ lũ lụt điện tử ở Anh, từ đó giúp tăng cường nhận thức của người dân về rủi ro đối với tài sản của họ. Công ty này cũng phát triển các mô hình nhà chống lũ, mô hình này được dự đoán sẽ giảm đáng kể thiệt hại do lũ gây ra do sử dụng hệ thống cảnh báo lũ và hệ thống chống lũ.

IAG cùng phát triển quan hệ đối tác với nhà hoạch định chính sách New Zealand để xác định các cấp độ lũ lụt trong lương lai. IAG cung cấp những kết quả trong đó chỉ rõ những thay đổi về lượng mưa, chính quyền địa phương sẽ sử dụng những kết quả này để tính toán những thay đổi về cấp độ lũ trong tương lai. Những thay đổi này sau đó sẽ được đưa vào chương trình hành động thích ứng lũ lụt. 

Lloyd’s cũng chạy một website mới để cung cấp thông tin cho khách hàng về rủi ro sóng thần và những lời khuyên, tư vấn để chuẩn bị khi rủi ro xảy ra cùng với những thông tin thời tiết cập nhật từ Dow Jones.

Munich Re phát triển công cụ xác định rủi ro tự nhiên toàn cầu, cho phép người sử dụng dễ dàng nắm bắt thông tin về các rủi ro tự nhiên và ảnh hưởng khí hậu cũng như đánh giá những rủi ro tự nhiên từ góc độ địa lý và khoa học.

Swiss Re phát triển công cụ CatNet, hệ thống bản đồ và thông tin rủi ro tự nhiên trực tuyến để khách hàng đánh giá rủi ro tự nhiên cho bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.

DNBH: Từ bị động tới chủ động quản lý các rủi ro 

Với sự ra đời của các sản phẩm bảo hiểm mới, cách tiếp cận của ngành bảo hiểm thế giới đã và đang chuyển dịch từ thế bị động sang chủ động ứng phó với những rủi ro mới. Từ chỗ hứng chịu những tác động tiêu cực và chi trả những khoản thanh toán đắt đỏ do BĐKH gây ra, ngành bảo hiểm đã có những bước tiển chủ động, đặt nền tảng cho những cơ hội kinh doanh mới trong tương lai. Hầu hết các DNBH hàng đầu thế giới đều xác định BĐKH là ưu tiên hàng đầu của họ trong chiến lược kinh doanh dài hạn. BĐKH là những rủi ro, ngành bảo hiểm là ngành quản lý rủi ro, do đó, sự ra đời của các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm cho rủi ro biến đối khí hậu là chiến lược kinh doanh chủ động của các DNBH.

Thị trường tiềm năng, dẫn đầu xu hướng

BĐKH kéo theo nhiều rủi ro và tổn thất mới. Nhu cầu quản lý rủi ro của cộng đồng cũng ngày càng cao, từ đó mở ra cơ hội kinh doanh mới cho ngành bảo hiểm. Ngoài sự xuất hiện của những rủi ro mới thì nhận thức của cộng đồng về BĐKH cũng gia tăng. Họ ý thức được tác động tới môi trường trong mỗi hành vi tiêu dùng của mình. Vì vậy, tiêu dùng xanh đang là xu hướng tiêu dùng chủ đạo của thế giới. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt mà còn muốn sản phẩm đó an toàn và thân thiện với môi trường. Ngày càng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một sản phẩm cùng loại nhưng thân thiện với môi trường. Các sản phẩm bảo hiểm xanh với đối tượng được bảo hiểm là những tài sản, thiết bị thân thiện với môi trường (VD như: bảo hiểm cao ốc xanh, dịch vụ tư vấn rủi ro, hỗ trợ khách hàng), với những điều khoản góp phần cổ vũ xu hướng tiêu dùng xanh, làm giảm phát thải khí nhà kính (chế độ phí ưu đãi áp dụng trong bảo hiểm xe cơ giới) đã thể hiện sự thích nghi với xu thế mới này.  

Marketing xanh: Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp 

Marketing xanh (Green Marketing) là những thuật ngữ tương đồng dùng để chỉ hoạt động marketing các loại sản phẩm được cho là tốt cho môi trường. Do nhu cầu “phát triển bền vững”, xu hướng tiêu dùng xanh phát triển, hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, marketing xanh trở thành chiến lược được nhiều doanh nghiệp vận dụng hiệu quả. Bằng việc thay đổi thiết kế sản phẩm, điều chỉnh các điều khoản bảo hiểm theo hướng thân thiện với môi trường, đáp ứng “nhu cầu xanh” của người tiêu dùng và xã hội, các DNBH tạo dựng lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ, xây dựng hình ảnh đẹp về thương hiệu, sản phẩm, gián tiếp góp phần thúc đẩy doanh số, đặc biệt trong điều kiện nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ môi trường, thay đổi khí hậu, dịch bệnh…

Đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm, thức tỉnh và thỏa mãn “nhu cầu xanh” của người tiêu dùng và của xã hội là mục tiêu lớn nhất mà marketing xanh hướng tới. Việc đưa ra những điều khoản bảo hiểm xanh là quyết định “chủ động đón đầu” của doanh nghiệp, hướng tới đánh thức nhu cầu xanh của người tiêu dùng và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp với xã hội.

Hết Phần 1, mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2

Vũ Trung Hiếu

(Bảo Việt)

 {flike}

Comments are closed.