BHYT Việt Nam: Thực hiện theo lộ trình, cần quyết tâm hơn

Tại Hội nghị Phổ biến Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và xin ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT do Bộ Y tế tổ chức vừa qua đã có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu được nêu ra. Những ý kiến yêu cầucần quyết tâm hơn nữa để thực hiện lộ trình BHYT Việt Nam có hiệu quả.

Còn nhiều khó khăn để thực hiện

Theo thống kê Bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta, tính đến thời điểm này đã có 49.720.000 đối tượng tham gia, trong đó đối tượng tham gia bắt buộc đạt 47%, tham gia tự nguyện là 11% với tỷ lệ bao phủ là 57%, và dự kiến hết năm 2009 sẽ đạt tỷ lệ 58%.

Việc Luật BHYT được ban hành đã mở ra một giai đoạn mới về chính sách BHYT ở Việt Nam. Nhiều nội dung quan trọng được quy định trong Luật BHYT so với Điều lệ BHYT hiện hành, sẽ là cơ sở để triển khai Luật đạt hiệu quả như: Việc quy định lộ trình thực hiện cho từng nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc kể từ khi Luật có hiệu lực cho đến năm 2014; Từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT một cách hợp lý, và toàn diện; Mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, bao gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi và sự lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT; Mức đóng BHYT được xác định là không quá 6% mức tiền lương, tiền công hay mức lương tối thiểu và Chính phủ sẽ có quy định cụ thể trong từng giai đoạn cho phù hợp. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng BHYT đối với người nghèo hay cận nghèo…

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó ban Thực hiện Chính sách BHXH, BHXH Việt Nam đứng trên phương diện là đơn vị tổ chức thực hiện cũng đã xây dựng những giải pháp để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Ông Sơn cũng cho biết, mặc dù chúng ta đã đi được quá nửa chặng đường, nhưng nửa chặng đường còn lại là rất gian nan. Và Luật BHYT đã đưa ra những cái mốc, những lộ trình mà BHXH Việt Nam phải có trách nhiệm biến những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống trong quá trình thực hiện.

Như thế, theo lộ trình đến năm 2014, sẽ có 29 nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc chiếm khoảng 78%, chỉ còn lại khoảng 2% là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, với tỷ lệ bao phủ là 80% dân số.

Tuy nhiên, sẽ có không ít những khó khăn vướng mắc mà cơ quan tổ chức thực hiện phải đối mặt như: nhận thức, hiểu biết của một số bộ phận không nhỏ trong cộng đồng dân cư về BHYT xã hội còn hạn chế, vẫn còn mang tính tư lợi nhiều, cùng với đó là sự tuân thủ của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa cao, hay bản thân chính sách BHYT hiện hành cũng chưa thực sự hấp dẫn về năng lực dịch vụ y tế, thủ tục hành chính phiền hà…Đây là những khó khăn và thách thức lâu dài đối với các ngành chức năng để xây dựng và thực hiện hiệu quả theo lộ trình BHYT Việt Nam.

Nhiều ý kiến trong đóng góp Dự thảo Nghị định

Được biết, thời điểm từ nay đến khi Luật BHYT có hiệu lực cũng không còn dài, hiện Bộ Y tế đã và đang khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn, bao gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn về một số nội dung chuyên môn kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh… để các văn bản trên sớm được ban hành bảo đảm việc tổ chức thực hiện Luật từ ngày 1/7/2009.

Tuy nhiên, ngay tại Dự thảo lần thứ 4 lấy ý kiến Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT cũng còn rất nhiều các ý kiến khác nhau.

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ, tại hội nghị của Bộ Y tế, Ban soạn thảo đã lấy ý kiến các đại biểu trong đó có nhiều vấn đề khiến các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến như: Vấn đề mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT của ngân sách. Hiện có hai phương án được đưa ra: Phương án một, là năm 2009 mức đóng sẽ như hiện hành, và từ 1/1/2010 sẽ nâng mức đóng lên 4,5% tiền lương, tiền công, tiền lương tối thiểu… Phương án này được nhiều đại biểu ủng hộ, vì thực hiện phương án này sẽ giữ được ổn định chính sách và phù hợp với khả năng đóng góp của các doanh nghiệp, người lao động trước những khó khăn về tài chính của năm 2009, đồng thời với phương án này Chính phủ sẽ không phải trình Quốc hội điều chỉnh dự toán Ngân sách năm 2009. Với phương án này năm 2009, dự báo quỹ bội chi khoảng 2.000 tỷ, và phải đến hết năm 2010 quỹ mới cân đối được. Phương án hai là tăng mức đóng, ngay từ 1/7/2009, với phương án này năm 2009 quỹ BHYT sẽ kết dư 1.364 tỷ đồng gần đủ để bù cho năm 2008. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu BHXH địa phương cho rằng, mức đóng này sẽ gây khó khăn khi tình hình kinh tế năm 2009 có nhiều biến động như hiện nay.

Về mức hưởng quyền lợi BHYT cũng là vấn đề có nhiều ý kiến, nhất là trường hợp khám, chữa bệnh không đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc khám chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, mức hưởng không phân biệt đối tượng mà quy định mức hưởng theo tuyến chuyên môn kỹ thuật. Có đại biểu cho rằng những mức chi 70% đối với trường hợp khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, 50% đối với tuyến tỉnh, 40% đối với tuyến Trung ương là hợp lý, người bệnh có nhu cầu chọn nơi chữa bệnh thì cũng phải có mức chi tương ứng. Nhưng cũng có đại biểu cho rằng mức chi đó là cao.

Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến như việc áp dụng phương thức thanh toán giữa quỹ BHYT và cơ sở khám, chữa bệnh như việc tổ chức khám, chữa bệnh ở tuyến xã, phường, thị trấn… để thuận lợi trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, thanh toán theo định suất đối với trạm y tế xã, cơ quan BHXH nên ký hợp đồng với bệnh viện huyện hay trung tâm y tế… Hay việc sử dụng và phân bổ quỹ thế nào cho hợp lý…Tất cả những ý kiến này sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp lại để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất.

Thực hiện theo lộ trình – Cần quyết tâm

Để bám sát việc thực hiện lộ trình theo Luật định, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Cơ quan BHXH sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành chức năng như Bộ LĐ-TB&XH, Thuế, Y tế, GD&ĐT… để đảm bảo tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT, nâng cao tính tuân thủ, khai thác triệt để. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp thu để nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, sẽ phát triển và đa dạng hóa các hình thức tự nguyện tham gia BHYT, bước quá độ cho lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc…

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách như: Đa dạng hoá các hình thức BHYT để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong đó, Nhà nước chỉ làm BHYT xã hội bắt buộc, đảm bảo các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân với mức phí phù hợp để mọi người dân tham gia được. Phát triển hình thức BHYT bổ sung nhằm thực hiện các quyền lợi cao, mà BHYT xã hội không làm để người dân lựa chọn tham gia. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện BHYT bổ sung; Cùng với đó, là việc ban hành chế tài đủ mạnh để nâng cao sự tuân thủ pháp luật về BHYT. Chính phủ giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức thực hiện BHYT cho toàn dân; Cần đổi mới mới cơ cấu, cơ chế cấp và sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế; Sửa đổi chính sách viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng và cải thiện tính hấp dẫn của chính sách BHYT; Đặc biệt chú trọng nâng cao nguồn nhân lực cho hệ thống y tế và BHXH…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng cho rằng, để thực hiện Luật hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành… bởi đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, mà các Bộ, ngành, các cấp đảng, chính quyền đều phải có trách nhiệm triển khai thực hiện. Thứ trưởng cũng yêu cầu, trong quá trình thực hiện, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, theo hướng giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh, rà soát, bãi bỏ những thủ tục trái quy định chuyên môn và những thủ tục, giấy tờ không cần thiết cả về phía cơ sở y tế và BHXH Việt Nam.

Theo Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

 

Comments are closed.