(ANTĐ) – Tại cuộc gặp mặt với các đại biểu Quốc hội ngành y tế nhân Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII vừa diễn ra, Bộ Y tế một lần nữa bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ chia sẻ với Bộ để việc đổi mới cơ chế tài chính, nhất là chính sách viện phí mới sớm được thông qua. Nhiều khả năng ngay trong năm 2011 này, mức giá viện phí mới sẽ được áp dụng.
Tăng là cần thiết
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức nhấn mạnh, mức giá viện phí đang áp dụng tại các BV hiện nay là quá thấp bởi trong hơn 15 năm qua, giá thuốc men, vật tư tiêu hao, các chi phí dịch vụ phục vụ khám chữa bệnh như điện nước, rác thải… đều tăng giá gấp nhiều lần trong khi giá viện phí chưa hề điều chỉnh. Thậm chí một số dịch vụ thu không ra thu, miễn không ra miễn, chẳng hạn như giá mổ, phẫu thuật, giá khám bệnh, giường bệnh…
Cũng theo ông Quyết, phân tích rõ hơn sẽ thấy, chính giá viện phí thấp là nguyên nhân gây ra nhiều tiêu cực trong ngành y tế như vấn đề đạo đức của y bác sĩ, thái độ với người bệnh, hay một số BV “lách luật” bằng cách đưa ra nhiều việc làm khác để tăng mức thu viện phí. Bên cạnh đó, giá viện phí thấp là nguyên nhân làm chậm sự phát triển của nền y tế nước nhà vì không đủ nguồn lực để tăng cường tái đầu tư cho y tế, các đơn vị đáp ứng dịch vụ không tốt, không phát triển mạnh các kỹ thuật cao… Ngoài ra, giá viện phí thấp hiện nay gây mất cân bằng trong khám chữa bệnh, bởi mức thu viện phí quá thấp hiện nay chẳng khác gì “bao cấp” cho người giàu.
Tương tự, TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cũng cho rằng, viện phí tăng là cần thiết trong bối cảnh chi phí đầu vào đối với khám chữa bệnh ngày càng tăng cao, song tăng cần phải có lộ trình. Cũng cần nhấn mạnh rằng việc tăng viện phí là để tái đầu tư vào y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chia sẻ gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho đầu tư vào y tế chứ không phải nhằm tăng lợi nhuận cho BV, tăng thu nhập cho cán bộ y bác sĩ.
Hiện tại, để phát triển y tế, Chính phủ có chủ trương cho các BV tiến hành xã hội hóa để tăng nguồn thu, song việc này vẫn khiến các BV gặp rất nhiều khó khăn trong tự chủ tài chính. “Chẳng hạn như với BV Phổi Trung ương, mỗi năm ngân sách nhà nước đầu tư cho BV là 2,5-3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, còn lại phải xã hội hóa, trong khi đó có những dịch vụ, thiết bị y tế rất cần thiết, nhu cầu sử dụng cao nhưng không kêu gọi được xã hội hóa (bởi không thu được lợi nhuận). “Ví dụ như máy thở, loại thiết bị rất cần thiết đối với BV chuyên về lao phổi như BV của chúng tôi, song hiện toàn BV chỉ có 10 máy thở trong đó chỉ còn 3 máy hiện sử dụng được (7 máy đã hỏng nhiều lần)” – ông Phú phân tích.
Vẫn nhiều nỗi lo
Từ giữa năm 2010, sau khi Bộ Y tế trình dự thảo giá viện phí mới thay cho khung giá viện phí đã được áp dụng từ năm 1995 đến nay, trong đó đề xuất tăng giá khoảng 350 trên tổng số hơn 3.000 dịch vụ mà các BV đang áp dụng đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Sau nhiều lần lấy ý kiến từ các BV, từ dư luận, công chúng và các cơ quan liên quan, nhiều khả năng giá viện phí mới sẽ được áp dụng trong năm nay. Khi đó, giá khám bệnh ban đầu tại BV hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2 sẽ tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/lượt hiện nay lên khoảng từ 20.000 – 30.000 đồng/lượt; giá tiền giường bệnh tại BV viện hạng 1, hạng đặc biệt giá với các bệnh phải mổ từ 8.000 – 10.000 đồng/ngày tăng lên 70.000 – 100.000 đồng/ngày; các thủ thuật nội soi thanh quản, lấy dị vật từ 20.000 – 60.000 đồng tăng lên 300.000 – 350.000 đồng…
Nhiều chuyên gia phân tích, dù hiện tại nước ta đã đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm nhưng thực tế trong đó chỉ vài phần trăm dân số thu nhập cao, số lớn còn lại chia nhau một phần GDP quá nhỏ. Với mức tăng viện phí gấp 3-7 lần như dự thảo đề ra trong hoàn cảnh lạm phát gia tăng, đồng lương và thu nhập của người lao động đơn giản ở nước ta chưa theo nổi như hiện nay, chắc chắn sẽ có không ít khó khăn cho người dân.
Nhất là vẫn còn rất nhiều đối tượng phải đồng chi trả BHYT, ngay cả người nghèo vẫn phải trả thêm một khoản chi phí đáng kể cho các loại thuốc không được BHYT thanh toán cũng như các chi phí gián tiếp khác. Hay như phân tích của ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, với người có BHYT đến khám bệnh đúng tuyến hiện nay, BV vẫn thu phí theo quy định là 3.000 đồng/lần nhưng theo tính toán của BV, chi phí cho một lần khám bệnh tối thiểu mà người bệnh phải trả cũng rơi vào 50.000 đồng và giá tiền giường là 100.000 đồng/người/ngày điều trị.
Hơn nữa, viện phí tăng liệu chất lượng khám chữa bệnh có thật sự tăng cùng? PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, viện phí tăng có lộ trình, nghĩa là phải tăng tịnh tiến với mức lương, thu nhập bình quân của người dân, sự phát triển của kinh tế xã hội. Và “khi giá viện phí đã tăng cao, nếu các BV phục vụ không tốt, chất lượng dịch vụ không nâng cao hơn thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm với nhà nước”. Song ngoại trừ số ít những BV có điều kiện để thực hiện tốt như BV Việt Đức, với đa phần các BV còn lại, việc thực hiện ra sao và chịu trách nhiệm như thế nào, khó ai đảm bảo được. Và như vậy, rõ ràng người dân không khỏi không lo lắng.
Duy Tiến
Báo An ninh Thủ đô
Comments are closed.