Bệnh nhân BHYT vẫn thiệt thòi

Cần tháo gỡ những vướng mắc để người tham gia BHYT không bị thiệt thòi - Ảnh: Thanh TùngSau gần một năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều vấn đề vướng mắc, nảy sinh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Luật BHYT được triển khai vào tháng 7.2009. Theo quy định của luật, trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến (khám không đúng với nơi đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu) thì người bệnh được hưởng mức thanh toán theo hạng bệnh viện (BV) mà không phụ thuộc đối tượng tham gia BHYT là ai. Cụ thể: bệnh nhân được thanh toán 30% chi phí khám chữa bệnh nếu khám ở BV hạng 1; 50% tại BV hạng 2 và 70% nếu khám điều trị tại BV hạng 3.

Nhiều bệnh viện vẫn thu 100% chi phí điều trị

Thế nhưng, theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT: “Thực tế nhiều BV chưa chủ động thực hiện quy định này, vẫn thu 100% chi phí điều trị của người bệnh. Việc này gây thiệt thòi cho người tham gia BHYT”.

Để bảo đảm quyền lợi bệnh nhân, ông Sơn cho biết Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã làm việc với các BV theo hướng: bệnh nhân được trừ ngay khoản viện phí được BHXH chi trả trong trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến. BHXH cũng đã chỉ đạo các giám định viên tại các BV xác định kịp thời tỷ lệ viện phí mà các bệnh nhân được hỗ trợ (30-70% tùy tuyến điều trị như nêu trên) khi khám chữa bệnh trái tuyến, để BV đưa ra mức thu hợp lý.
Trong thực tế, tại nhiều BV không phải lúc nào cũng có bác sĩ giám định BHYT. Một bác sĩ là lãnh đạo của BV tại Q.3, TP.HCM thông tin: “Hiện nay, tình trạng thiếu bác sĩ giám định BHYT (là người trực thuộc BHXH đóng tại các BV) dẫn đến nhiều trường hợp cần ý kiến từ bác sĩ giám định để quyết định người bệnh ấy có được chi trả BHYT hay không, thì lại không có mặt giám định viên, gây khó khăn cho cả BV và người bệnh”.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng phân biệt về sử dụng thuốc điều trị giữa BV tuyến quận, huyện và BV tuyến TP trong khám chữa bệnh BHYT. Có những loại thuốc BV tuyến dưới không được cấp mà chỉ dành cho BV tuyến trên, trong khi nhiều người muốn được khám chữa bệnh ở tuyến trên nên phải chấp nhận chi trả khoản chênh lệch, vì ngại ở BV tuyến dưới không đủ thuốc men, điều kiện.

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi tại TP.HCM, hằng ngày tại các BV có nhiều người bệnh mua BHYT gặp phải khó khăn bởi chiếc thẻ BHYT. Vì thẻ BHYT được in bằng giấy rất đơn giản, dễ bị hư, nhòe tên, năm sinh; có những trường hợp thẻ bị in sai tên, tuổi… nên các BV không dám nhận.

Không phạm luật mới được chi trả

Đặc biệt, việc chi trả cho người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông (TNGT) hiện vẫn chưa được thống nhất, chưa có sự đồng thuận giữa Bộ Y tế và phía BHXH.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế): “Hiện đang xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị TNGT, theo hướng người bị TNGT có tham gia BHYT khi nhập viện sẽ được thanh toán đầy đủ quyền lợi theo quy định. Sau đó, cơ quan BHXH có trách nhiệm xác minh, nếu người bị TNGT vi phạm luật giao thông thì sẽ thu hồi lại phần chi phí đã chi trả trước đó”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH VN, phản ứng: “Thu lại tiền từ người bệnh sau khi xác minh là không khả thi”. Theo ông Thảo, chỉ có thể thực hiện theo hướng: quy định các nhóm đối tượng sẽ được BHYT chi trả ngay nếu người bị TNGT là trẻ em dưới 16 tuổi, người có công cách mạng, người cao tuổi… Còn với các đối tượng khác vẫn cần phải chứng minh sự tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.

“Khoảng 80% vụ TNGT có liên quan đến người vi phạm luật giao thông. Thực tế, vừa qua một số địa phương đã làm rất tốt việc xác nhận đối với người bị TNGT. Không thể có giải pháp hoàn hảo, nhưng quy định chỉ thanh toán chi phí điều trị cho người bị TNGT không vi phạm pháp luật là điều cần thiết, đảm bảo sử dụng quỹ BHYT chi trả đúng đối tượng”, ông Thảo nói.

Liên Châu –  Thanh Tùng
Báo Thanh Niên

Comments are closed.