Theo Sở Lao Động – Thương Binh và Xã hội (LĐTB & XH ) TP.HCM, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2007, số vụ giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2006 (6 tháng đầu năm 2006 xảy ra 44 vụ). Tuy nhiên, bước qua tháng 7, chỉ trong vòng một tháng, trên địa bàn TP đã xảy ra đến 10 vụ TNLĐ làm 10 người chết. Điều đáng nói, theo phân tích của Sở LĐTB & XH, các lỗi vi phạm để xảy ra tai nạn chết người phần lớn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp… Người lao động bị thiệt mạng oan
Đây là do sự tắc trách và buông lỏng của một số doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn TP trong thời gian qua. Các đơn vị đã không thực hiện đầy đủ công tác tự kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, tổ chức bộ máy bảo hộ lao động cơ sở không có hoặc chưa hiệu quả.
Điển hình là vụ TNLĐ làm chết anh Lâm Thanh Hải (24 tuổi), công nhân Công ty Cổ phần Kỹ thuật An Pha (Q.10). Vụ việc xảy ra tại công trình xây dựng chung cư cao cấp A View, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Ngày 24.3, trong lúc vận chuyển vật tư lên sàn thao tác từ tầng 7 (tại giếng trời) lên tầng 9, anh Hải đã bị té ngã xuống tầng 1 và chết tại chỗ.
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân tai nạn là do giá đỡ, sàn thao tác trong công trình không có thiết kế, không được cấp thẩm quyền phê duyệt; khi đưa vào sử dụng không được kiểm tra, nghiệm thu từ đó có các lỗi kỹ thuật giữa sàn thao tác và sàn tầng; công trình cũng không có biện pháp che chắn chống vật rơi tại các lỗ trống kỹ thuật và giếng trời; điều đáng nói là tại các khu vực nguy hiểm có nhiều nguy cơ ngã cao, công trình cao tầng này không cảnh báo cho người lao động biết.
Thiết bị của doanh nghiệp sử dụng lao động không đảm bảo an toàn đã dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Lời, công nhân của cơ sở Hùng Kỳ. Công ty Saitex International (SI-Q.9) ký hợp đồng thuê máy phát điện 3 pha 125KV của cơ sở Hùng Kỳ. Ngày 26.5, anh Lời cùng một công nhân nữa được cơ sở Hùng Kỳ cử xuống vận hành máy phát trên. Sau cơn mưa, 15 giờ cùng ngày, bảo vệ Công ty SI phát hiện anh Lời đang nằm gục gần máy. Mặc dù được hô hấp nhân tạo nhưng anh Lời đã thiệt mạng. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân là thiết bị máy phát điện không đảm bảo an toàn, khi hoạt động gây rò rỉ và điện đã giật chết người công nhân vận hành…
Theo phân tích của Sở LĐTB & XH, trong 6 tháng đầu năm 2007, nguyên nhân xảy ra TNLĐ có đến 44,8% do thiết bị không bảo đảm an toàn (13/29 vụ), kế đến là điều kiện làm việc không an toàn chiếm tỷ lệ 13,8% (4/29 vụ), không có quy trình, biện pháp an toàn chiếm tỷ lệ 17,24% (5/29 vụ).
Và những sơ suất không đáng có…
Lúc 0 giờ 30 ngày 28.3, tại cơ sở Ngọc Thuý (Q.8), anh Phan Văn Quý (34 tuổi, công nhân cơ sở) tháo bộ phận che chắn cơ cấu truyền động moteur máy kéo sợi để cân chỉnh dây curoa. Tuy nhiên, sau đó, anh Quý không gắn lại và quay lưng lại để làm công việc xúc keo vào bao. Bất ngờ, áo và quần anh Quý bị vướng vào dây curoa của máy. Máy vận hành, anh Quý bị kéo và đập vào tường chết tại chỗ. Các cơ quan chức năng sau đó xác định nguyên nhân TNLĐ là do anh Quý vi phạm nội quy lao động của đơn vị này.
Trường hợp thương tâm hơn là vụ anh Nguyễn Minh Thiện (16 tuổi) khi mới vào làm việc chưa được một ngày, chỉ vì vi phạm nội quy vận hành tời nâng hàng (thiết bị nâng tự chế có cơ cấu vận hành như thang máy) đã bị chết oan uổng. Vụ việc được những người chứng kiến tại DNTN Huê Anh (Q.5) kể lại, sáng 10.6, Thiện đến xin làm, sau đó khi thấy tời nâng hàng nằm dưới đất dùng để chuyển hàng lên các tầng trên, Thiện tò mò chui vào và bật công tắc cho tời nâng di chuyển. Đến tầng thứ 2, Thiện chồm người ra ngoài để nhìn xuống phía dưới thì bị kẹt vào thanh ngang của khung tời nên thiệt mạng.
Mặc dù theo đánh giá của cơ quan chức năng, lỗi một phần do thiết bị máy tời nâng hàng không bảo đảm an toàn, không thực hiện đăng ký. Tuy nhiên lỗi đáng tiếc nhất vẫn là do công nhân vi phạm nội quy vận hành tời nâng…
Sở LĐTB&XH TP.HCM dự báo, trong các tháng còn lại của năm 2007, tình hình TNLĐ trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tai nạn lao động do yếu tố điện, do ngã từ trên cao còn rất lớn tập trung ở các doanh nhiệp xây dựng, sản xuất cơ khí, công nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, để phòng ngừa có hiệu quả TNLĐ trong các tháng còn lại, Sở LĐTB&XH cũng thông báo các quận, huyện, tổng công ty, công ty cấp trên doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động…
Theo Thanh Nien
Comments are closed.