Báo động tai nạn lao động trong ngành xây dựng

tai_nan_xay_dung_resize.jpgThời gian qua, ngành xây dựng ở nước ta luôn đứng đầu danh sách về số vụ tai nạn lao động có số người chết và bị thương cao.

Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra trên 160 vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, làm chết 170 người và hàng chục người khác bị thương, gây thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế  đến mức thấp nhất số vụ tai nạn lao động, tuy nhiên, tình hình vẫn không giảm. 

Chỉ lo mua, bán thầu

TP HCM hiện có trên 10.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động của thành phố và các tỉnh, thành khác.

Mỗi năm, thành phố có hàng trăm dự án xây dựng, riêng các quận, huyện cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cho khoảng 20.000 trường hợp khác. Đây được xem là mảnh đất mầu mỡ cho các DN trong ngành xây dựng có… “đất dụng võ”. Nhiều DN xây dựng làm ăn chân chính, đã chủ động đầu tư và áp dụng các trang, thiết bị, công nghệ hiện đại chuyên dụng, phục vụ cho các công trình và nâng cao năng lực quản lý thi công, năng lực quản lý an toàn vệ sinh lao động. Các DN này đề cao trách nhiệm, chịu sự giám sát của các nhà tư vấn lớn trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường hình thành một số DN đơn thuần chỉ mang tư cách pháp nhân để đứng ra nhận thầu, hoặc mua thầu của các đơn vị khác. Đáng  lo ngại là một số chủ thầu xây dựng không có vốn, trình độ, bằng cấp chưa tới đâu, chỉ dựa vào kinh nghiệm, lại liều lĩnh lập ra DN để làm ăn theo kiểu mua, bán thầu. Do vậy, phần lớn các DN xây dựng này đều không biết hoặc không quan tâm đến các qui định pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Theo thống kê của Thanh tra ngành Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, trong số 160 vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng của những năm gần đây, có đến 65 – 70% lỗi thuộc về người sử dụng lao động là các DN nhỏ và vừa, các chủ thầu xây dựng không có tư cách pháp nhân. Họ thuê lao động theo thời vụ, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, ngay chính bản thân họ cũng không được trang bị kiến thức về vệ sinh, an toàn lao động, chỉ đến khi xảy ra sự cố tại nạn lao động, họ mới biết là sai .

Một thành viên trong đoàn thanh tra lao động cho biết, ngành xây dựng hiện nay phổ biến tình trạng “bán thầu”. Công ty trúng thầu công trình lớn rồi bán lại cho các nhà thầu phụ, sau đó các nhà thầu phụ giao từng phần cho các đội. Đến phần mình, các đội “bán” công việc cho các tổ, các tổ giao lại công việc cho các nhóm. Các nhóm lại giao phần mình nhận được cho cá nhân theo hình thức “khoán” công việc. Như vậy, chẳng cần tiền, chẳng cần bằng cấp, tư cách pháp nhân, chỉ cần trong tay có vài thợ sẽ dễ dàng trở thành ông chủ xây dựng.

‘Sinh nghề, tử nghiệp’

Phải nhờ đến công an khu vực và mất hai ngày tìm kiếm, chúng tôi mới xác định được nơi trú ngụ của ông Ngô Thanh Tư (chủ thầu xây dựng ở huyện Bình Chánh). Ông Tư theo nghề xây dựng trên 20 năm, từng sắm được một căn nhà biệt thự khá khang trang. Không may, trong một lần leo lên dàn giáo kiểm tra thì bị té, chấn thương cột sống, liệt  cả hai chân. Sau 5 năm nằm liệt một chỗ, vợ, con ông thủ thỉ dụ ông ký giấy bán ngôi biệt thự, rồi ôm hết gia sản, bỏ mặc ông một thân, một mình ở xóm trọ nghèo nàn. Giờ đây, ngày ngày ông phải ngồi xe lăn bán từng tờ vé số để kiếm sống.

“Chỉ một phút sơ sẩy, chủ quan mà ra nông nỗi này”, ông Tư, “thầu xây dựng” có tiếng một thời nghẹn ngào nói. Vụ sập công trình xây dựng căn nhà lô D11 – D12 trong khu quy hoạch Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tại huyện Hóc Môn xảy ra năm 2007 làm cho cả người sử lao động và người lao động rơi vào cảnh tù tội, chết chóc.
 
Nguyên nhân, Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ Tam Bình do ông Lê Quyền làm Giám đốc không tuân thủ các quy định an toàn trong lao động, dẫn đến khi đổ bê tông tầng trệt, làm sập giàn giáo, khiến một người chết, hai người bị thương. Ông Quyền sau đó đã bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, bị tòa tuyên án 18 tháng tù treo và bị cấm hoạt động trong ngành xây dựng hai năm.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2006 – 2010, với tổng kinh phí 467 tỷ đồng. Thế nhưng, đã ba năm trôi qua, tốc độ tai nạn trong ngành xây dựng không hề giảm mà vẫn tăng theo cấp số nhân. 

Mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 3.000 – 4.000 vụ tai nạn lao động, cướp đi sinh mạng hàng trăm lao động, thiệt hại hàng trăm ngàn ngày công và gây tổn thất kinh tế hàng trăm tỷ đồng… Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm khoảng 65 – 70%). Nguyên nhân là do người sử dụng lao động vi phạm các qui định về an toàn lao động, chiếm 60% và người lao động vi phạm các tiêu chuẩn, qui phạm về kỹ thuật an toàn trong lao động, chiếm 40%…  

Xuân Hùng

Theo BAODATVIET

Comments are closed.