Bảo Minh bị khách hàng kiện vì từ chối trả bảo hiểm

Tranh chấp chủ yếu nảy sinh từ số tiền 4 triệu USD mà Bảo Minh cho rằng mình không có trách nhiệm phải trả.Tuy nhiên, khách hàng của họ là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất lại không đồng ý với quan điểm này.Sự việc bắt đầu nảy sinh từ cuối năm 2006 khi Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Bảo Minh (HOSE: BMI) ký với nhau một hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro cho việc đóng mới một tàu chở dầu trọng tải hơn 100.000 tấn.

Thời hạn bảo hiểm là 2 năm, kết thúc vào 30/12/2008 với tổng phí mà DQS phải trả là hơn 4,7 tỷ đồng.

Theo quy đình tại hợp đồng, phí bảo hiểm nói trên được thanh toán thành 3 lần. Trong đó, số tiền phải trả trong lần đầu (15 ngày sau khi hợp đồng có hiệu lực) tương đương 50% tổng phí. Số còn lại được trả lần lượt khi tàu được hạ thủy và bàn giao.

Tuy vậy, trong lần thanh toán đầu tiên, phía DQS chỉ chuyển cho Bảo Minh 2 tỷ trong số gần 2,4 tỷ đồng tiền phí mà doanh nghiệp này lẽ ra phải trả. Số phí còn thiếu sau đó được 2 doanh nghiệp nhắc lại nhiều lần trong các văn bản qua lại.

Theo DQS, suốt trong vòng 2 năm hiệu lực của bản hợp đồng, phía Bảo Minh không có văn bản nào đề xuất việc chấm dứt hợp đồng với khách hàng (Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hợp đồng nếu bên mua không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí).

Đến ngày 31/12/2008, khi hợp đồng bảo hiểm vừa hết hạn nhưng con tàu vẫn chưa hoàn thành, theo yêu cầu của DQS, 2 bên lại ký với nhau một bản sửa đổi bổ sung hợp đồng nhằm kéo dài thời gian bảo hiểm đến hết tháng 2/2010. Phí gia hạn là gần 2,5 tỷ đồng.

Trong thời gian gia hạn nói trên, ngày 28/9/2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào miền Trung đã gây tổn thất cho con tàu. Nhận được thông báo của DQS, Bảo Minh đã chỉ định Công ty Matthiew Daniel làm đơn vị giám định tổn thất. Báo cáo kết quả cho thấy tổng thiệt hại ước tính là hơn 4,1 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng).

DQS đã yêu cầu phía Bảo Minh tạm ứng 50% giá trị tổn thất ước tính (theo quy định tại hợp đồng) để khắc phục hậu quả. Doanh nghiệp này sau đó cũng đã chuyển trả cho Bảo Minh số tiền gần 400 triệu đồng còn thiếu trong đợt thanh toán phí đầu tiên. Tuy nhiên, phía Bảo Minh nhiều lần từ chối tiếp nhận riêng số tiền này và cho rằng DQS phải chuyển trả toàn bộ số phí còn thiếu (khoảng 3 tỷ đồng).
Sau nhiều công văn qua lại, ngày 12/5/2010, phía Bảo Minh có văn bản khẳng định hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực kể từ ngày 28/2/2010. Tuy nhiên, đến ngày 28/9, cũng chính đơn vị bảo hiểm lại có công văn khác cho rằng hợp đồng thực tế đã hết hạn từ 31/1/2009, tức là trước thời điểm tàu bị hư hỏng nói trên. Do vậy, phía Bảo Minh cho rằng mình có quyền từ chối trả khoản tiền bảo hiểm trị giá hàng chục tỷ đồng nêu trên.

“Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì trong trường hợp khách hàng không trả phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối trách nhiệm bảo hiểm”, một lãnh đạo của Bảo Minh giải thích với VnExpress.net khi được hỏi về vụ việc nêu trên. Cũng theo ông này, do là một doanh nghiệp niêm yết, Bảo Minh sẽ rất khó giải thích với kiểm toán nếu trả tiền bảo hiểm trong khi khách hàng vẫn còn nợ phí.

“Trong tranh chấp thương mại, DQS hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa. Chúng tôi sẽ theo kiện và thực hiện nghiêm túc phán quyết của tòa án. Bởi khi đó, mọi chuyện đã hết sức rõ ràng”, lãnh đạo này cho biết.

Về phần mình, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, đại diện của DQS lại cho rằng việc Bảo Minh từ chối trách nhiệm bảo hiểm là “vô căn cứ” bởi cho dù phía doanh nghiệp chậm nộp phí nhưng tính tới thời điểm vụ việc xảy ra, nhà bảo hiểm chưa đưa ra bất cứ một thông báo nào về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. “Nếu phía Bảo Minh muốn chấm dứt hợp đồng bảo hiểm vì DQS chậm phí thì tại sao họ vẫn tiếp tục ký gia hạn hợp đồng thêm hơn một năm?”, ông này đặt câu hỏi.

Cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Tuyến cùng cho rằng số tiền 70 tỷ đồng nêu trên “tưởng là to” nhưng không gây ra nhiều thiệt hại cho Bảo Minh bởi phần lớn đã được gánh chịu bởi các nhà tái bảo hiểm nước ngoài. “Tỷ lệ giữ lại phí của các công ty bảo hiểm phụ thuộc vào vốn điều lệ, năng lực tài chính và tính chất từng loại hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu không xảy ra tranh chấp, tôi nghĩ số tiền Bảo Minh phải chi trả sẽ không tới 5 tỷ đồng”, ông này nhận định.

Theo Nhật Minh
Vnexpress

Comments are closed.