Bảo hiểm y tế sẽ tăng 40%?

Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được đề xuất tăng giáĐiều đó sẽ xảy ra nếu dự thảo điều chỉnh viện phí được thông qua để bảo đảm chất lượng điều trị

Tại hội nghị tổng kết thực hiện công tác khám chữa bệnh ngành y tế Hà Nội sáng 14-4, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung và sửa đổi giá gần 200 loại dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được Quỹ BHYT thanh toán theo Quyết định số 36 do Bộ Y tế ban hành năm 2005.
Đề nghị điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật cao

Trong đó có các thủ thuật được đề nghị điều chỉnh giá như: lọc máu liên tục, sinh thiết cơ tim, thay huyết tương, đặt stent thực quản qua nội soi…; các phẫu thuật ngoại khoa về tán sỏi ngoài cơ thể, tim bẩm sinh, cắt ống động mạch, thay van tim, cấy máy tạo nhịp + phá rung, nội soi não, tủy sống, nội soi tạo hình thực quản, thay khớp gối, ghép thận, ghép gan…; sản khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, xét nghiệm, các thăm dò và điều trị bằng đồng vị phóng xạ…

PGS-TS Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng giá khám chữa bệnh cũng như giá một số dịch vụ kỹ thuật theo quy định hiện nay đã quá lỗi thời. Bởi giá dịch vụ y tế cũng phải tuân thủ theo giá thị trường, nếu cố gắng đi ngược với quy luật bằng cách gò ép, bằng chính sách nhân đạo để giữ giá viện phí ở mức thấp thì chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế lại không thể nâng cao được, trong khi người dân vẫn phải đóng viện phí đều đặn hằng năm thông qua phí tham gia BHYT. Ông Sơn đơn cử: Với kỹ thuật nội soi đại tràng, đây là một kỹ thuật dịch vụ y tế cao và giá thực hiện kỹ thuật vào khoảng 180.000 đồng/lần song BHYT chỉ thanh toán cho kỹ thuật này 30.000 đồng/lần, như vậy khó mà đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao được.

Cần thay đổi tổng thể

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng điều chỉnh khung giá các loại dịch vụ y tế quy định tại Thông tư liên tịch số 14 năm 1995 là cần thiết nhưng cần phải có sự thay đổi tổng thể về cơ cấu tài chính y tế, nếu không rất khó cân đối thu chi. Nếu dự thảo điều chỉnh viện phí mới được thông qua cũng cần phải tính đến việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT để tránh tình trạng thâm hụt quỹ”- ông đề xuất.

Đại diện BHXH Việt Nam ước tính để “đủ sức” chi trả theo khung giá viện phí mới như đề xuất trước đây của Bộ Y tế có thể mức phí BHYT sẽ phải tăng thêm khoảng 40%. Chính vì thế, việc tăng viện phí cần cân nhắc đến khả năng chi trả của Quỹ BHYT. Bởi với khung giá hiện tại, quỹ đã thanh toán đến 70% chi phí dành cho khám chữa bệnh và gặp rất nhiều khó khăn trong bài toán cân đối thu chi.

Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho rằng với khung viện phí quá lạc hậu đang được áp dụng đã khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Khi thu không đủ chi thì các bệnh viện sẽ không có điều kiện để tái tạo đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Rõ ràng người bệnh bị thiệt thòi. Cũng theo ông Hòa, để tránh những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân từ việc tăng viện phí, việc điều chỉnh mức đóng BHYT là cần thiết nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp. Các cấp chính quyền cũng phải quan tâm đến việc mở rộng diện đóng BHYT. Vì khi người dân tham gia BHYT, nếu không may ốm đau nặng thì đã có Quỹ BHYT bảo đảm”- ông Hòa nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Báo Người Lao Động Điện tử

Comments are closed.