Bảo hiểm y tế: Một phần kết dư dùng để trả nợ

Theo BHXH Việt Nam, sau khi trả nợ, số dư BHYT còn lại sẽ dùng để nâng cấp trang thiết bị cho cơ sở y tế. Trong ảnh, bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy phải nằm ngoài hành lang vì bệnh viện quá tải. Ảnh: Lê Hồng TháiSGTT.VN – Thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, năm 2010 tình trạng mất cân đối thu chi bảo hiểm y tế (BHYT) cơ bản được khắc phục, quỹ BHYT kết dư khoảng 3.500 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị vì sao kết dư của BHYT lớn như vậy, ông Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết:

Trước khi thực hiện luật BHYT (từ năm 1992 – 2009) mức đóng BHYT là 3% lương tối thiểu. Đến năm 2005, liên bộ Tài chính – Y tế đã bổ sung trên 1.000 dịch vụ kỹ thuật trong đó có 160 dịch vụ kỹ thuật cao được quỹ BHYT thanh toán dẫn tới tình trạng mất cân đối của quỹ BHYT. Năm 2008, khi Quốc hội thông qua luật BHYT đã quy định mức phí tham gia BHYT từ 3 – 6%. Nghị định 62 của Chính phủ sau đó quy định mức đóng BHYT cụ thể là 4,5% mức lương tối thiểu. Số người tham gia BHYT cũng tăng lên. Bên cạnh đó, việc quy định bệnh nhân đồng chi trả 5 – 20% chi phí khám chữa bệnh đã hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí quỹ BHYT từ phía người bệnh cũng như cơ sở khám chữa bệnh.

Nhưng việc đồng chi trả cũng khiến nhiều bệnh nhân nghèo gặp khó khăn. Phần kết dư này có thể dùng để giảm bớt khoản đồng chi trả cho bệnh nhân nghèo không, thưa ông?

Chủ trương đồng chi trả nhằm xoá bỏ bao cấp. Người bệnh khi cùng chi trả sẽ tham gia vào việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh của mình đối với cơ sở y tế. Còn cơ sở y tế cũng chủ động trong việc quản lý và sử dụng quỹ. Đây là lần đầu tiên quỹ BHYT kết dư nên số tiền này sẽ được dùng để trả nợ cho quỹ hưu trí, vì trong năm năm trước quỹ BHYT luôn rơi vào tình trạng bội chi, phải mượn tiền từ quỹ hưu trí (do cơ quan BHXH Việt Nam quản lý) để thanh toán tiền khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT. Số còn lại sẽ dùng để nâng cấp trang thiết bị cho cơ sở y tế, đặc biệt ưu tiên cho y tế vùng sâu, vùng xa và y tế cơ sở.

Một năm thực hiện luật BHYT đã mang lại kết quả tốt đẹp?

Năm 2010 có 53 triệu người tham gia BHYT, tăng gần 8 triệu người so với trước khi thực hiện luật BHYT. Khoảng 106 triệu lượt người được quỹ BHYT chi trả trong năm 2010 với số tiền trên 19.321 tỉ đồng.

Giai đoạn 2005 – 2009, quỹ BHYT liên tục bội chi. Đến hết năm 2009, quỹ BHYT đã âm 3.083 tỉ đồng. Năm 2010, quỹ BHYT được phép chi 22.500 tỉ đồng nhưng thực chi chỉ hết 19.000 tỉ đồng nên số dư khoảng 3.500 tỉ đồng.

Tuy đạt được kết quả trên nhưng theo nhận định của BHXH Việt Nam, BHYT mới thực hiện được cho 650.000 người cận nghèo (đạt 34% kế hoạch) trong năm 2010. Nguyên nhân là do người cận nghèo không có khả năng mua thẻ BHYT mặc dù nhà nước đã hỗ trợ 50 – 80% mệnh giá thẻ. Nhóm học sinh, sinh viên cũng khó thực hiện BHYT bắt buộc như quy định của luật BHYT.

Năm 2011, theo dự đoán, khả năng kết dư quỹ BHYT vẫn cao. Bảo hiểm xã hội có kế hoạch gì để cân đối quỹ, thưa ông?

Việc này chưa thể nói được. Chính phủ đang chủ trương điều chỉnh viện phí trong năm 2011.

Lệ Hà

Quỹ Bảo hiểm y tế TP.HCM chỉ vừa đủ chi

Theo BS Lưu Thị Thanh Huyền, trưởng phòng giám định bảo hiểm y tế (BHYT) (thuộc Bảo hiểm xã hội TP.HCM), dù quỹ BHYT của cả nước dự báo kết dư 3.500 tỉ đồng nhưng quỹ BHYT tại TP.HCM năm nay thu vào chỉ vừa đủ chi. Cũng theo bà Huyền, các tỉnh khác kết dư do nhiều người dân đóng nhưng không sử dụng tới còn TP.HCM, do điều kiện tiếp cận với y tế của người dân cao nên số lượng sử dụng nhiều. Bà nhận định: việc nâng mức đóng 50% với đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, thực hiện cơ chế cùng chi trả đã giúp cho quỹ không bội chi như những năm trước. “Vậy là tốt lắm rồi”, bà Huyền nói. Bà Huyền cho biết thêm, số tiền quỹ bội chi từ năm 2005 – 2009 của TP.HCM còn chưa giải quyết được. Riêng năm 2009, quỹ BHYT của thành phố bị thâm hụt xấp xỉ 2.000 tỉ đồng, bội chi 500 tỉ đồng.

Theo cơ quan BHXH TP.HCM, số thẻ BHYT phát hành năm 2010 tăng so với những năm trước, trong đó, BHYT tự nguyện tăng 46%, BHYT dành cho đối tượng nghèo tăng 10%. Một số bệnh viện có chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao như bệnh viện Ung bướu tăng 88%, bệnh viện Truyền máu và huyết học tăng 54%, bệnh viện Chợ Rẫy tăng 43%… Mặt khác, do lượng bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến khám chữa bệnh tại thành phố cũng tăng gần 50% nên chi phí thanh toán khám chữa bệnh cho bệnh nhân ngoại tỉnh tăng lên khoảng 1.000 tỉ đồng.

H. Nhung

Báo điện tử sài gòn tiếp thị media

Comments are closed.