Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Vẫn còn khó khăn phải “gỡ”

(HNMO) – Năm học 2011 – 2012 là năm học thứ 3 triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc với học sinh, sinh viên (HSSV) thay vì tự nguyện như trước đây. Mặc dù tỷ lệ HSSV tham gia BHYT năm học 2010 – 2011 đạt con số khá đẹp: 95% với khoảng hơn 10 triệu trong tổng số gần 11 triệu HSSV trên cả nước nhưng không có nghĩa là việc triển khai BHYT đã hết khó khăn nan giải.Nhiều cái khó khiến học sinh sinh viên chưa mặn mà.Từ nhiều năm trước, BHYT là khoản tự nguyện với HSSV với mức cố định tối thiểu là 50.000đ/người/năm và có tính đến yếu tố vùng miền.

Từ năm 2010, theo quy định của Luật BHYT, HSSV trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT như công nhân viên chức Nhà nước khi đi làm phải có BHYT và bảo hiểm xã hội. Đây là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trong những năm tới. Mức đóng BHYT của HSSV là 3% lương tối thiểu hàng năm. Năm 2010, lương tối thiểu theo quy định là 830.000đ/tháng, như vậy mỗi HSSV sẽ phải đóng 298.000đ/năm tiền BHYT. Do được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% nên số tiền thực đóng của mỗi HSSV tối thiểu khoảng 240.000/năm.

Mặc dù phí tham gia tăng gấp 5 lần nhưng quyền lợi của HSSV tham gia BHYT được hưởng cũng như các đối tượng khác. Tuy nhiên, một bất cập nảy sinh là nếu trước đây tham gia BHYT tự nguyện, hoc sinh được chi trả 100% còn nay, mỗi lần đi khám bệnh, HSSV sẽ phải cùng chi trả 20. Phí tăng lại phải chi trả thêm, trước mắt đã thấy quyền lợi của HSSV bị thụt lùi, không thể bằng trước đây nên đã và đang tồn tại thực trạng trên.

Ngoài ra, nếu trước đây, BHYT tự nguyện của HSSV tính mức đóng riêng cho từng khu vực thành thị, nông thôn… phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của từng vùng. Nhưng nay thì quy định này bị xóa bỏ, thay vào đó, chỉ có mức trần chung cho tất cả, HSSV không phân biệt ở TP, nông thôn… không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để hưởng chính sách ưu đãi thì đều có chung mức đóng như nhau và dựa vào mức lương tối thiểu chung cao nhất để đóng. Tuy nhiên, thu nhập ở các TP lớn chênh lệch lớn so với các huyện, lỵ, nhất là tại các vùng cao, vùng xa, mức đóng 240.000đ/năm với các gia đình ở HN có thể còn chấp nhận được, còn với gia đình làm nông hoặc những vùng sâu, vùng xa thì là cả vấn đề.

Trong khi ngành bảo hiểm không có quy định nào yêu cầu hay bắt buộc các trường phải hoàn thành việc thu BHYT HSSV ngay đầu năm học mà để ngỏ để các trường có thể chủ động thu theo năm tài chính (từ 1/1 – 31/12) hoặc chia là 2 đợt (6 tháng/lần) để giãn bớt các khoản thu cho học sinh nhưng trên thực tế, để nhanh và tiện cho mình phần lớn các trường hiện nay đều thu theo kiểu khoán gọn, gộp chung với các khoản khác ngay đầu năm mới. Tiện cho trường nhưng lại tạo gánh nặng cho các phụ huynh bởi để chuẩn bị cho một đứa con đến trường đồng nghĩa với nhiều khoản phải chi trong đầu năm học mới. Không chỉ có tiền BHYT mà còn đủ khoản: nào là tiền sách, tiền vở, đồ dùng học tập rồi đến hàng chục khoản tiền lớn, nhỏ xếp hàng chờ đóng như tiền đồng phục, học phí, xây dựng trường… Nếu trước đây chỉ có 50.000đ/năm thì nhiều gia đình còn cố gắng được. Thế nhưng, từ 2 năm nay, số tiền này đã tăng gấp 4 – 5 lần thì khoản tiền BHYT thực sự là gánh nặng. Gia đình chỉ có 1 con đi học thì sẽ bớt sức ép và giảm căng thẳng so với gia đình có 2 – 3 con cùng đến trường. Những gia đình ở nông thôn sẽ phải bán không biết bao nhiêu lợn, gà, thóc lúa… bởi chỉ riêng số tiền chi cho BHYT đã lên đến gần 1 triệu đồng. Thu dồn đầu năm học mới cũng có thể khiến các em HSSV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể mất cơ hội thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bởi, đây là thời điểm các địa phương đang thực hiện rà soát, thống kê hộ nghèo và chưa thể có kết quả chính thức, nên chưa thể xác nhận cho đối tượng hưởng quyền lợi.

Việc thu dồn cũng đang được thực hiện với những sinh viên năm thứ nhất. Giấy gọi nhập trường bên cạnh những giấy tờ, khoản tiền chính là BHYT. Tuy nhiên, dùng việc nhập học để thu BHYT xem ra chỉ có hiệu lực với những tân sinh viên bởi không nộp đủ coi như khó nhập trường. Nhưng, đến năm thứ 2, việc học tập ổn định, không ít sinh viên đã bỏ cuộc. Điều bất cập khiến chính sách này có thể rơi vào tình trạng bắt cóc bỏ đĩa chính là ở chỗ: những đối tượng trốn đóng là phạm luật nhưng nhà trường không thể xử lý, đuổi học hay hạ hạnh kiểm đạo đức của sinh viên được. Cho đến nay, 2 năm sau khi quy định HSSV thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHYT không có văn bản nào quy định hay đề cập đến việc xử lý các trường hợp không đóng BHYT… HSSV không đóng, không ai phạt còn nhà trường chỉ biết… nhắc nhở.

Tuyên truyền vẫn chưa được chú trọng

Đây là nhận định được ông Nguyễn Huy Nghị – Phó ban cấp sổ thẻ, Bảo hiểm xã hội VN đề cập sau khi BHYT HSSV được chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Ông Nghị cũng khẳng định, những bất cập mà chúng tôi đã nêu ở trên chính là những khó khăn với việc triển khai chính sách BHYT bắt buộc với HSSV. Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế chỉ là thứ yếu, nhỏ lẻ và không phổ biến. Nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền vận động, do thiếu sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của các cấp các ngành. Từ BHYT tự nguyện sang bắt buộc là bước chuyển căn bản, phí tăng nhiều lần, các đối tượng cùng chi trả 20% nhưng đi kèm với đó là những ưu đãi mà Nhà nước dành cho đối tượng này. Đáng lẽ công tác tuyên truyền cần được tổ chức sâu rộng để HS và phụ huynh hiểu quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia thì từ năm 2010, với tâm lý đã chuyển sang bắt buộc, đưa vào Luật thì không cần vận động mà đương nhiên học sinh phải tham gia. Vì sự đương nhiên phải đóng này mà việc thu đầu năm học hay thời điểm nào đi nữa cũng không thành vấn đề. Các trường bỏ qua khâu tuyên truyền để phụ huynh tự tìm hiểu trong khi những năm trước, khi gần đến ngày khai giảng, các địa phương đều đồng loạt tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác BHYT học sinh, biểu dương khen thưởng cá nhân và tập thể tích cực trong vận động tuyên truyền để có số học sinh tham gia tỷ lệ cao; các cấp uỷ Đảng và chính quyền đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên ngành, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị trường học, quận huyện, tổ chức tuyến truyền về quyền lợi của học sinh tham gia BHYT. Không được tuyên truyền lại không có chế tài xử lý, việc HS cho rằng, đây vẫn là hình thức BHYT tự nguyện, thích thì tham gia, không thì thôi cũng là điều dễ hiểu.

Năm học mới đã cận kề nhưng rõ ràng, khó khăn vẫn còn ngổn ngang với công tác BHYT học sinh. Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản yêu cầu các địa phương tích cực chủ động phối hợp với các cấp các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền vận động để 100% học sinh trên địa bàn tham gia BHYT. Để làm được con số mỹ mãn trên, ông Nghị cho rằng, các cấp các ngành mà nòng cốt là ngành Giáo dục Đào tạo cần phải vào cuộc với quyết tâm cao. Điều này không chỉ tạo sự bình đẳng trong HSSV mà bản thân nhà trường cũng được hưởng lợi. Theo quy định, nhà trường sẽ được trích lại từ quỹ khám chữa bệnh của HSSV 12% để dành cho hoạt động y tế học đường, một đặc điểm riêng chỉ có ở BHYT học sinh đã được cụ thể hoá trong Luật BHYT. Nếu tất cả HSSV tham gia BHYT đầy đủ theo quy định cộng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách, kinh phí thu được khoảng 3.300 tỷ đồng, số kinh phí trích lại cho năm học này ước khoảng 350 tỷ đồng. Đây là khoản rất đáng kể để thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay tại trường cho học sinh và triển khai các chương trình y tế học đường khác như mắt học đường, nha học đường… Ngoài ra, chúng ta cần có những quy định cụ thể với những đối tượng cố tình không tham gia BHYT để hoàn thiện chính sách.

Hoàng Phong
Báo Hànộimới

Comments are closed.